Chỉ còn vài giờ nữa, sự kiện “vô cùng đặc biệt” của Apple sẽ diễn ra. Rất có thể, những sản phẩm mang tính lịch sử của Apple như iPhone 6, iWatch sẽ được công bố. Đây là lúc thú vị để xem lại những sự thật ít biết về Apple.
1. Không chỉ có 2 người sáng lập
Apple không phải được khởi nghiệp bởi chỉ hai chàng trai có tên Steve. Bên cạnh Jobs và Wozniak, còn có một nhà sáng lập thứ ba bị lãng quên là Ronald Wayne, người đã rời khỏi công ty 12 ngày sau khi Apple ra đời vào tháng 4/1976.
Wayne đã bán đi 10% cổ phần công ty với giá 800 USD, cộng thêm số tiền 1.500 USD thanh toán vào cuối năm đó. Số cổ phần này hiện có giá trị hơn 60 tỷ USD. Hiện nay, ông Wayne đã 83 tuổi.
2. Apple thực sự là tên của một loại quả
Ban đầu, bộ ba muốn đặt tên công ty là “Snapple”, nhưng lại gặp trục trặc bản quyền với hãng nước ngọt Dr. Pepper.
Tuy nhiên, Jobs đã kể với nhà viết tiểu sử Walter Isaacson rằng tên Apple đã được khơi nguồn cảm hứng từ chuyến đi của Jobs đến một vườn cây ăn quả lúc 20 tuổi.
3. Sản phẩm đầu tiên của Apple Computer không phải là máy tính
Chiếc máy tính cá nhân đầu tiên của Apple thực chất chỉ là một bảng mạch. Người mua máy Apple I phải tự thêm case, nguồn điện, bàn phím, màn hình….
Chiếc Apple I có giá bán lẻ là 666,66 USD. Tháng 6/2012, một phiên bản Apple I đang hoạt động tốt đã bán đấu giá với 374.500 USD.
4. Máy tính đồ họa đầu tiên của Apple không phải là Mac
Chiếc máy tính đầu tiên bán ra cùng với con chuột, giao diện đồ họa là Apple Lisa hồi tháng 1/1983, một năm trước khi Mac ra. “Lisa” là viết tắt của “Local Integrated Software Architecture”. Sau đó, Jobs nói chiếc máy này được đặt tên theo tên người con gái ngoài giá thú của ông, người mà lúc đó Steve Jobs đã từ chối công khai thừa nhận.
5. Lisa đã bị chôn vùi trong đống rác
Máy tính Lisa chưa bao giờ thành công, một phần vì mức giá lên tới 9.995 USD. Có khoảng 2.700 chiếc máy Lisa đã bị chôn vùi trong bãi rác ở Logan, Utah.
6. Tablet đầu tiên của Apple không phải là iPad
Tablet đầu tiên của Apple không phải là iPad mà là Newton MessagePad, được phát triển dưới thời của CEO John Sculley và ra mắt năm 1993. Thiết bị “trợ lý dữ liệu cá nhân” xách tay này cho phép người dùng kiểm soát các danh bạ, lịch, ghi chú và gửi fax. Nó nặng khoảng 1 pound (0,5 kg) và có giá 700 USD.
7. Và Steve Jobs rất ghét nó
Jobs đã khai tử chiếc máy tính bảng Newton ngay sau khi trở lại làm CEO của Apple năm 1998.
8. Nhưng Newton vẫn sống
Các nhóm người dùng Newton vẫn gặp nhau để khóc thương cho một thiết bị cầm tay có tác dụng “thay đổi cuộc sống” và mong mỏi có một thiết bị mới. Hơn 15 năm sau, Newton mới hồi sinh dưới dạng iPad.
Trong ảnh là Larry Yeager tại Hội nghị Newton Toàn cầu. Larry là người đứng đằng sau công nghệ nhận dạng chữ viết tay – công nghệ này thực sự có tác dụng và được tích hợp trong nền tảng Newton.
9. iPod, iPhone, iPad không phải do Apple nghĩ ra
Các tên gọi iPod, iPhone, và iPad ban đầu đều do các công ty khác đăng ký sở hữu, đó là một công ty kiosk Internet, hãng thiết bị mạng Cisco, Fujitsu, và một công ty màn hình Trung Quốc. Apple đã lần lượt chiếm lại những tên gọi này bằng nhiều cách khác nhau, trong đó có cả cách thu xếp bằng tiền mặt.
10. Apple cũng mượn cả tên của Prince
Tên mã của iPhone đầu tiên là “Project Purple”. Thật ngạc nhiên, Apple không bị nghệ sỹ nổi tiếng Prince kiện cáo.
11. Giờ trên trang chủ iPhone, iPad luôn là 9:41 hoặc 9:42
Trong các quảng cáo về iPhone và iPad, đồng hồ trên trang chủ thiết bị luôn là 9:41 or 9:42 am. Vì sao? Vì đó là thời khắc Steve Jobs giới thiệu iPhone đầu tiên vào ngày 9/1/2007. Nó trở thành biểu tượng của Apple, dường như thời gian đã đứng lại, không phải với mọi người, nhưng với Apple.
12. Steve jobs vốn rất ghét tablet
Theo New York Times, ban đầu Jobs đã giải tán ngay ý tưởng về một chiếc tablet dành cho những người muốn lướt web khi đang ngồi trong toilet.
13. Apple rất thích sự bí ẩn
Apple công bố giấy mời về “sự kiện đặc biệt” đầu tiên của hãng vào tháng 10/2001 với một lời miêu tả cực kỳ khó hiểu: “Bật mí: đó không phải là Mac”. Và sự kiện đó, Steve Jobs đã công bố iPod đầu tiên. Kể từ đó, Apple đã gửi đi thêm 26 giấy mời nữa, độ bí ẩn ngày càng gia tăng.
14. Hollywood rất thích Apple
Bắt đầu vào năm 1986 trong bộ phim Short Circuit, sản phẩm Apple ngày càng xuất hiện trong các bộ phim và chương trình TV nhiều hơn bất cứ nhãn hiệu nào. Riêng năm 2011, sản phẩm Apple đã xuất hiện hơn 900 lần.
Apple tuyên bố chưa bao giờ trả tiền để sản phẩm xuất hiện trong các bộ phim, dù hãng thường xuyên biếu không thiết bị cho những người bạn Hollywood của họ.
15. Apple từng suýt phá sản
Tháng 8/1997, Apple gần như đã phá sản, giao dịch cổ phiếu chỉ còn chưa đến 5 USD. CEO lâm thời lúc đó là Steve Jobs đã phải nhờ đến khoản cứu trợ 150 triệu USD của Microsoft để giữ cho công ty không rơi xuống vực thẳm.
Nhưng năm 2011, Apple trở thành công ty có giá trị nhất trên thế giới, vượt qua Exxon Mobile. Ngày nay, hãng vẫn là số 1, với giá cổ phiếu khoảng 100 USD và số vốn thị trường hơn 600 tỷ USD.
Theo Ict News
Mời bạn xem thêm:
Đội ngũ bí mật đứng sau dây chuyền sửa lỗi của Apple
Hình ảnh siêu ấn tượng về trụ sở đang xây kỳ vĩ của Apple
Apple liên tục “chiêu mộ nhân tài” ngành thiết kế