5 công nghệ "đỉnh" trên xe hơi tương lai

Admin   Admin
Ngày đăng: 05/07/2018
0 bình luận

Trong thế giới công nghệ, thành tựu tiên tiến mới và tốt nhất không tồn tại lâu trước khi bị sản phẩm tiếp theo thay thế. Ngành công nghiệp ô tô đang liên tục đem đến cho khách hàng những công nghệ mới, dù ở trong lĩnh vực an toàn, giải trí, tính năng hay chỉ đơn giản là phô trương những tiến bộ vừa ra đời.
 

Rất nhiều công nghệ xe hơi được phát triển chỉ nhằm mục đích tăng cường độ an toàn, hoặc ít nhất cũng cân nhắc tới yếu tố này. Một số thành tựu công nghệ trên ô tô thực sự thú vị, không chỉ làm nên một cuộc cách mạng trong ngành công nghiệp "xế hộp" mà còn có thể tác động tới tất cả phương tiện giao thông của con người.

Vậy ô tô trong tương lai sẽ ra sao? Không ai có được câu trả lời chính xác, song dựa trên những gì đang được thử nghiệm và đã có mặt trên thị trường hiện nay, trang How Stuff Works đã tổng hợp những công nghệ có nhiều khả năng đến với người tiêu dùng nhất. Một vài trong số chúng nhằm đảm bảo an toàn, một số cung cấp thông tin cho lái xe, thậm chí còn có thể giúp bạn ngả lưng nghỉ ngơi trên chặng đường dài mà không cần cầm vô lăng.

1. Công nghệ giao tiếp giữa các xe với nhau và với đường xá

Các hãng sản xuất ô tô và chính phủ Mỹ đang nghiên cứu nghiêm túc hai loại công nghệ, có thể giúp xe hơi trong tương lai giao tiếp với nhau và với những vật thể trên đường.

Hãy tưởng tượng bạn đang đi tới một giao lộ khi một chiếc xe ở hướng bên kia vượt đèn đỏ. Bạn không nhìn thấy điều này nhưng chiếc xe của bạn sẽ nhận được tín hiệu từ xe kia, cảnh báo rằng nó đang chuẩn bị nằm trên đường đi của bạn. Bạn sẽ được thông báo về một vụ va chạm có thể xảy ra để kịp thời phản ứng, hoặc thậm chí chiếc xe sẽ tự động phanh cho bạn nhằm tránh va chạm. Công nghệ này có tên Vehicle-to-Vehicle (còn được gọi là V2V, tạm dịch: từ xe tới xe) và đang được thử nghiệm bởi những công ty như Ford để giảm thiểu số vụ tai nạn trên đường.

Đèn LED cảnh báo cho V2V của xe Mercedes-Benz

V2V hoạt động bằng cách sử dụng tín hiệu không dây để trao đổi thông tin vị trí, tốc độ và huớng đi giữa các xe xung quanh. Nhờ thông tin này, các chủ xe có thể giữ một khoảng cách an toàn với nhau. Tại trường MIT, các kĩ sư đang phát triển thuật toán cho V2V để phân tích thông tin từ các xe, từ đó đưa ra biện pháp phòng ngừa tai nạn tốt nhất khi 2 xe có đường đi trùng nhau. Một cuộc nghiên cứu của Cục Quản lý an toàn giao thông quốc gia Mỹ (NHTSA) vào năm 2010 cho thấy V2V có thể giảm 79% số vụ tai nạn trên đường.

Không chỉ V2V mà V2I (Vehicle-to-Infrastructure, tạm dịch: từ xe tới cơ sở hạ tầng) cũng đang được nghiên cứu. V2I sẽ cho phép ô tô có thể giao tiếp với các biển báo, đèn giao thông và cung cấp thông tin cho lái xe về các vấn đề an toàn. V2I cũng có thể yêu cầu thông tin giao thông từ hệ thống quản lý giao thông, từ đó tính toán tuyến đường thuận tiện nhất. Báo cáo của NHTSA cho rằng, khi V2V cùng với V2I được tích hợp, số vụ tai nạn sẽ giảm đi 81%.

Những công nghệ này có thể thay đổi cách con người lái xe và tăng tính an toàn lên đáng kể. Tin mừng là các hãng xe hơi và chính phủ đã bắt tay vào nghiên cứu để biến điều này trở thành hiện thực.

2. Xe tự lái

Ý tưởng xe tự lái không phải bây giờ mới xuất hiện. Các chương trình TV và phim ảnh đã có ý tưởng này từ lâu, cùng với xe tự "lùi chuồng". Giờ đây, một chiếc xe tự lái đang ở gần chúng ta hơn bao giờ hết.

Không chỉ xe hạng sang mới có công nghệ tự lái, tự lùi

Ở California và Nevada, Mỹ, các kỹ sư của Google đã thử nghiệm xe tự lái trên hơn 320.000km đường cao tốc và nội thành. Xe của Google không những có thể ghi lại hình ảnh trên đường đi, bản đồ kĩ thuật số của chúng còn nhìn được biển báo, tìm tuyến đường thay thế và quan sát đèn tín hiệu trước khi mắt người có thể nhìn thấy. Bằng cách sử dụng laser, radar và camera, ô tô có thể phân tích và xử lý thông tin môi trường xung quanh nhanh hơn con người.

Nếu xe hơi tự lái được sản xuất hàng loạt, con người sẽ có thêm nhiều thời gian để thực hiện các công việc khác ngoài lái xe. Một người Mỹ trung bình dành hơn 100 giờ đồng hồ tắc nghẽn trên đường mỗi năm. Xe tự lái có thể di chuyển theo bầy với khoảng cách rất sát nhau, tạo thành một đoàn xe đơn nhất. Nhiều người tin rằng điều này sẽ giúp giảm thiểu số lượng tai nạn trên đường cao tốc bởi các xe có thể liên tục giao tiếp và phản ứng một cách đồng thời với nhau, không bị phân tán như các tài xế.

Xem video đoàn xe Genesis tự lái của Hyundai tại đây:

 

Trong một số cuộc thử nghiệm của Google, ô tô có thể học thuộc các chi tiết trên đường sau khi đi qua vài lần. Khi tự lái, chúng sẽ phát hiện người đi bộ đang băng qua đường và sẽ tự động nhường đường. Xe tự lái giúp công việc đi lại trở nên an toàn hơn bằng cách loại bỏ nguyên nhân gây ra 95% số vụ tai nạn: lỗi con người.

Mặc dù viễn cảnh xe tự lái nghe có vẻ xa xôi, thực tế hãng xe GM đã hoàn thành quá trình thử nghiệm. Nhiều người tin rằng chúng sẽ đặt chân lên showroom trong vòng một thập kỷ tới.

3. Bảng đồng hồ tương tác thực tế (Augmented Reality – AR)

GPS và các công nghệ hiển thị khác trên xe giúp chúng ta có thể đi từ điểm A tới điểm B một cách dễ dàng. Nhiều xe hạng sang còn có công nghệ hiển thị một số thông tin cơ bản lên kính lái (Head-up display), gần giống như máy bay chiến đấu. Thậm chí, nhiều bộ Head-up display còn đang được bày bán cho mọi loại xe với giá chỉ hơn 5 triệu đồng. Tuy nhiên trong tương lai, lượng thông tin có thể hiển thị của công nghệ này sẽ còn được mở rộng hơn.
 

Hãy nghĩ tới bộ phim Kẻ hủy diệt hoặc các câu truyện khoa học viễn tưởng khác, khi một con robot có thể nhìn vào một vật thể hoặc con người và đưa ra những thông tin cụ thể về đối tượng. AR sẽ hoạt động theo một cách tương tự. Hãng BMW đã tích hợp công nghệ hiển thị một số thông tin cơ bản (tốc độ, dẫn đường, giới hạn tốc độ, v.v.) lên kính lái của một vài mẫu xe, song họ còn đang phát triển bảng đồng hồ tương tác thực tế có thể xác định vật thể phía trước mũi xe và cung cấp thông tin khoảng cách từ nó tới xe. Công nghệ AR sẽ hiển thị thông tin trực tiếp lên trên các vật thể mà tài xế nhìn thấy.

Thí dụ, nếu bạn đang tiến quá nhanh tới một chiếc xe khác, một ô màu đỏ sẽ đánh dấu chiếc xe đó trên kính lái, đồng thời chỉ mũi tên để hướng dẫn bạn chuyển sang làn khác trước khi 2 xe đâm nhau. Hệ thống GPS tương tác thực tế sẽ chỉ ra chính xác làn mà bạn cần chuyển sang.
 


 

BMW cũng đang nghiên cứu công nghệ tương tác thực tế dành cho kỹ sư ô tô. Người thợ chỉ cần dùng kính AR để nhìn vào động cơ, xác định bộ phận nào cần sửa chữa hay thay thế và hệ thống sẽ cung cấp từng bước thực hiện cho họ.
 


 

AR cũng đang được phát triển dành cho hành khách trên xe. Toyota đã tạo ra một hệ thống AR cho phép hành khách zoom vào một vật thể bên ngoài xe, cũng như xem khoảng cách từ vật thể đó tới chiếc xe thông qua cửa sổ cảm ứng.

Tương tác thực tế vẫn chưa đặt chân lên thị trường, song với đà phát triển như hiện nay điều đó sẽ không còn quá xa vời.

4. Túi khí giúp dừng xe

Kể từ khi túi khí xuất hiện trên ô tô, chúng đã có mặt trên khắp mọi nơi trong nội thất xe. Lái xe có thể yên tâm rằng ngoài túi khí trên vô lăng và táp-lô, xe của họ còn được tích hợp túi khí rèm cửa, túi khí hông, túi khí đầu gối, túi khí cho dây an toàn, thậm chí là túi khí cửa kính sau. Tất nhiên, không phải chiếc xe nào cũng có ngần ấy túi khí, nhưng chúng đã đặt chân lên thị trường được một thời gian. Mới đây, Mercedes-Benz đang phát triển một loại túi khí mới, biến biện pháp an toàn thụ động này trở thành chủ động.
 

Mercedes-Benz đang thử nghiệm loại túi khí bung ra ở phía dưới sàn xe, có thể giúp dừng xe trước một vụ tai nạn sắp xảy ra. Đây là một phần của hệ thống an toàn chủ động, được kích hoạt khi các cảm biến xác nhận một vụ va chạm là không thể tránh khỏi. Các túi khí dưới sàn được phủ một lớp ma sát, có thể khiến xe dừng lại nhanh gấp đôi lực phanh thông thường. Chúng còn nâng xe lên khỏi mặt đường 8cm, loại bỏ hiện tượng chúi đầu xe khi phanh gấp, tăng sức chịu đựng cho cản trước và tránh việc người ngồi trong xe bị trượt xuống phía dưới dây an toàn khi đâm.
 

Điều khiến những chiếc túi khí này gần gũi với thực tế là chúng đều sử dụng những hệ thống an toàn đã có trên xe hơi. Tuy nhiên, chúng vẫn chưa có mặt trên một chiếc xe nào dù Mercedes-Benz đã nghiên cứu trong vài năm và có thể còn tiếp tục trong tương lai.

Với công nghệ mới và mức độ quan trọng của túi khí trong ngành công nghiệp ô tô, hoàn toàn không hề khó tưởng tượng những chức năng mới của chúng ngoài giảm thiểu chấn thương cho hành khách.

5. Thân xe tích trữ năng lượng

Exxon Mobil dự đoán vào năm 2040, một nửa số xe mới rời dây chuyền sản xuất sẽ là xe hybrid (lai xăng – điện). Đây là tin mừng đối với những nhà bảo vệ môi trường, song có một vấn đề nảy sinh là pin của xe hybrid rất tốn chỗ và nặng nề. Kể cả với những thành tựu đạt được với pin li-ion, xe hybrid vẫn phải "vác" những cục pin rất nặng. Đó chính là lúc thân vỏ tích trữ năng lượng cho xe phát huy tác dụng.

Tại châu Âu, một nhóm 9 nhà sản xuất ô tô đang nghiên cứu và thử nghiệm thân xe có thể tích trữ năng lượng và sạc nhanh hơn pin truyền thống hiện nay. Chúng được làm từ sợi polyme và nhựa carbon, đủ cứng để dùng cho ô tô và đủ dẻo để tạo kiểu dáng. Những tấm thân xe này có thể giảm trọng lượng xe tới 15%, theo hãng Volvo.

Thân xe tích trữ năng lượng của Volvo

Chúng sẽ "hút" năng lượng được tạo ra bởi những công nghệ như hệ thống phanh tái tạo năng lượng hoặc khi sạc xe qua đêm, sau đó truyền năng lượng trở lại xe khi cần thiết. Không chỉ giúp thu gọn kích thước của pin xe hybrid, lượng cân nặng được giảm đi còn giúp cải thiện mức độ tiêu hao pin và xăng.

Toyota cũng là một hãng nghiên cứu thân xe tích trữ năng lượng, song công ty còn đi thêm một bước xa hơn. Công nghệ của họ còn có thể hấp thụ năng lượng mặt trời và lưu trữ trong một tấm nền trọng lượng nhẹ.

Tin mừng là đây không phải là công nghệ duy nhất đang được các hãng ô tô phát triển nhằm cải thiện trọng lượng và mức tiêu thụ năng lượng của xe.
 

Trần xe tích hợp tấm pin năng lượng mặt trời của Toyota Prius

 

 

Theo Vnreview

Mời bạn xem thêm:

 

 

Viết bình luận
Email sẽ không công khai khi bạn đăng bình luận
zalo