5 vũ khí đáng sợ nhất của Mỹ trong chiến tranh hiện đại

Admin   Admin
Ngày đăng: 05/07/2018
0 bình luận
Trực thăng tấn công AH-64 Apache, xe tăng chủ lực M1 Abrams hay súng máy hạng nặng M2 là 3 trong số 5 loại vũ khí đáng gờm nhất của Mỹ.
 

Trực thăng tấn công AH-64 Apache

Trực thăng tấn công AH-64 Apache của Mỹ.
 

Trong các cuộc xung đột, AH-64 Apache là thứ vũ khí mà kẻ thù của Mỹ ngán nhất. Nó là sự kết hợp hoàn hảo của tốc độ, sự cơ động và hỏa lực mạnh, giúp nó dễ dàng đánh bại trực thăng cùng loại hoặc xóa sổ một đội quân của đối phương.

Ngoài ra, nó còn là cơn ác mộng thực sự đối với xe tăng, vũ khí nguy hiểm nhất của bộ binh, National Interest nhận xét.
 
AH-64 Apache mang một khẩu pháo cỡ nòng 30 mm, tên lửa các loại, bom và hệ thống cảm biến tinh vi, giúp nó giành lợi thế hoàn toàn trước vũ khí của kẻ địch.
 
Nó có khả năng tấn công kẻ thù từ rất xa, khoảng cách mà vũ khí phòng không của đối phương gần như bất lực. Loại trực thăng này chính thức tham chiến trong chiến dịch Bão táp Sa mạc ở Iraq và tích cực hiện diện ở Afghanistan hiện nay.

Những phi cơ AH-64 có khả năng di chuyển với vận tốc tối đa 293 km/h cùng phạm vi chiến đấu đạt 480 km.

Tuy di chuyển chậm hơn rất nhiều so với các loại máy bay tiêm kích phản lực nhưng bộ binh Mỹ sở hữu AH-64 nên chúng thường xuất hiện đúng nơi, đúng lúc hơn so với yêu cầu hỗ trợ từ Không quân Mỹ.

Các lực lượng tác chiến mặt đất cũng đánh giá cao sự hỗ trợ của AH-64 Apache hơn so với các loại chiến đấu cơ khác.

Tăng chủ lực M1 Abrams

M1A2 nhả đạn.
 

Xe tăng M1 Abrams gồm 2 phiên bản M1A1 và M1A2. Chúng thuộc nhóm những cỗ xe tăng tốt nhất hành tinh nhờ hỏa lực mạnh cùng lớp giáp tối ưu.

Hiện tại, quân đội Mỹ đang thay thế phiên bản M1A1 bằng những chiếc M1A2 để tăng cường khả năng tác chiến.

Với trọng lượng 60 tấn, vũ khí chính của M1A2 là một khẩu pháo nòng trơn 120 mm. Nó còn sở hữu lớp giáp đặc biệt, có khả năng chặn đạn pháo, đạn xuyên giáp và các loại tên lửa chống tăng.

Thực tiễn chiến trường cho thấy, kẻ thù rất khó hạ M1 Abrams của Mỹ trong khi chúng liên tục vô hiệu hóa xe tăng của đối phương.

M1A2 chính thức phục vụ quân đội Mỹ từ năm 1992 tới nay. Dù nặng nề nhưng chúng có khả năng di chuyển với vận tốc tối đa 66,8 km/h.

Nhằm đáp ứng nhu cầu của chiến tranh hiện đại, M1A2 có thể hoạt động tốt trong môi trường đô thị. Người ta nâng cấp giáp trên toàn bộ thân xe tăng để ngăn chặn các cuộc tấn công từ mọi phía.

Pháo tự hành M109A6 Paladin

Pháo tự hành M109A6 Paladin.
 

M109A6 Paladin là phiên bản nâng cấp của pháo tự hành M109 cỡ nòng 155 mm, ra đời trong thập niên 1960. M109A6 chính thức phục vụ quân đội Mỹ từ năm 1991.

Tính tới khi ngừng sản xuất vào năm 1999, Mỹ có 950 vũ khí loại này. Chúng được xuất khẩu sang Đài Loan và Israel, những đồng minh thân cận của Mỹ.

Kíp chiến đấu trên M109A6 gồm 5 người, ít hơn một người so với pháo tự hành M109. Nòng pháo 155 mm cho phép bắn đạn vào mục tiêu ở khoảng cách 24 tới 30 km. Tháp pháo được thiết kế linh hoạt để quay 360 độ.

Xạ thủ có thể điều chỉnh góc pháo cúi thấp một góc 3 độ hoặc ngẩng cao một góc 75 độ. Nó có khả năng bắn 4 viên/phút.

Pháo chính của M109A6 được trang bị 39 viên đạn. Nó nặng 28,8 tấn, có khả năng di chuyển với vận tốc 65 km/h cùng phạm vi hoạt động đạt 350 km.

Nó hoạt động nhờ một động cơ 440 mã lực. Trong chiến đấu, M109A6 có thể song hành cùng xe hỗ trợ M992 với khả năng mang theo 93 viên đạn pháo.

Tên lửa chống tăng BGM-71 TOW

Liên Xô, sau này là Nga, là vua của các loại tên lửa chống tăng. Tuy nhiên, quân đội Mỹ cũng tích cực nghiên cứu loại vũ khí này và sản phẩm thành công nhất của họ là BGM-71 TOW.

Nó bao gồm hệ thống ống phóng, theo dõi quang học và dây dẫn, cho phép tên lửa hướng thẳng tới mục tiêu dù nó thay đổi vị trí sau khi bắn.

BGM-71 góp mặt trong biên chế quân đội Mỹ vào năm 1970. Gần 45 năm sau, tên lửa chống tăng dẫn đường này vẫn được Mỹ và nhiều quốc gia đồng minh tin dùng.

Nó từng xuất hiện trong cuộc chiến Arab-Israel, chiến tranh Iran-Iraq và hiện nay là cuộc nội chiến trên đất Syria. Với đầu đạn nặng từ 3,9 tới 6,14 kg cùng vận tốc 320 m/s, BGM-71 TOW dễ dàng phá hủy xe tăng, xe bọc thép của đối phương.

Ngoài việc sử dụng trực tiếp, người ta có thể gắn BGM-71 TOW lên xe quân sự hoặc xe bọc thép để tăng khả năng cơ động của nó.

Phạm vi hoạt động của tên lửa đạt 4.200 m, tương đương tầm bắn của pháo xe tăng. Tuy nhiên, chúng hiệu quả hơn nhờ tính cơ động cao cùng độ chuẩn xác lớn.

Súng máy M2 Browning

Hai khẩu M2HB nằm cùng một giá trên chiến hạm của Mỹ.
 

Được đưa vào biên chế năm 1933 nhưng súng máy hạng nặng M2 Browning vẫn là vũ khí được quân đội Mỹ tin dùng. Người ta bắt đầu sản xuất hàng loạt M2 Browning từ năm 1921 tới nay với khoảng 3 triệu khẩu được xuất xưởng. Phiên bản hiện nay của nó là M2HB.

Khẩu súng nặng 38 kg với chiều dài 1,654 m. Nó bắn đạn cỡ nòng 12.7x99 mm với vận tốc bắn đạt 635 viên/phút. Vận tốc đạn rời nòng đạt 890 m/s trong khi tầm sát thương của súng lên tới 6.800 m. Tuy nhiên, tầm bắn hiệu quả của M2 chỉ đạt 1.800 m.

Nhằm phát huy tối đa hiệu quả của súng, người ta có thể đặt nó lên xe cơ giới, xe tăng, xe bọc thép, máy bay hoặc chiến hạm.

Tất cả các lực lượng của quân đội Mỹ đều sử dụng M2 Browning. Người ta đặt hai hoặc nhiều khẩu trên cùng một giá để tăng số lượng đạn bắn ra trong cùng một thời điểm.

 

Theo Soha

Mời bạn xem thêm:

Những vũ khí huyền thoại của Samurai
Những vũ khí độc nhất vô nhị của biệt kích hải quân Mỹ
Những vũ khí đáng sợ của quân đội Mỹ

Viết bình luận
Email sẽ không công khai khi bạn đăng bình luận
zalo