6 điều bạn nên nhớ khi chọn mua bộ nguồn máy tính

Admin   Admin
Ngày đăng: 05/07/2018
0 bình luận

Rất nhiều trường hợp bộ máy tính hỏng vặt, chập cháy, chết card đồ họa, mà nguyên nhân không gì khác tới từ bộ nguồn tưởng như vô hại.

Giống chức năng trái tim của chúng ta, luôn hoạt động cung cấp máu lưu thông cho cơ thể - còn bộ nguồn máy tính đảm bảo điện áp đuợc trải đều, cấp điện đầy đủ cho card đồ họa (VGA), bộ vi xử lý (CPU), trái tim yếu thì cơ thể yếu và bộ nguồn yếu thì hệ thống khó có đáp ứng được nhu cầu mà người dùng đòi hỏi. Và ngày hôm nay chúng tôi xin chia sẻ tới các bạn một số kinh nghiệm của tôi trong việc lựa chọn bộ nguồn máy tính phù hợp.

1. Nguồn máy tính nên có quạt lớn

Vốn dĩ nguồn máy tính rất nóng bởi điện năng luôn phần nào chuyển hóa thành nhiệt năng khi hoạt động ở công suất cao, do vậy nó thường đi kèm là một miếng tản nhiệt lớn để làm mát. Tuy nhiên miếng tản nhiệt này chỉ có chức năng giữ nhiệt nên vẫn phải cần có quạt để làm mát.

Những sản phẩm nguồn máy tính tốt luôn có một chiếc quạt gió kích thước lớn, 12cm tới 14cm. Những chiếc quạt 8cm là quá nhỏ để đáp ứng khả năng tản gió nóng do nguồn tạo ra.


 

2. Nguồn phải đảm bảo đường 12V lớn - Dual Rail hay Single Rail.

Về kỹ thuật chuyên sâu thật sự để khó giải thích nhưng với nhiều bộ nguồn bạn có thể thấy có mác ghi 12V1, 12V2 (Dual Rail – 2 đường 12V). Đây là những đường điện cực kỳ quan trọng cấp cho Card đồ họa và bộ vi xử lý.

Nếu với những chiếc card đồ họa thông thường như NVIDIA GTX950 hay GTX750Ti thì việc đó có lẽ không phải vấn đề gì ghê gớm nhưng chẳng may bạn dùng một đến hai chiếc card đồ họa như NVIDIA GTX970, 980Ti thì có lẽ bạn nên cân nhắc. Những chiếc card cao cấp thường dùng tới 22A như R9 390X sẽ cần riêng đường 12V1 hoặc 12V2 nên 30A để đáp ứng tốt hiệu năng card đồ họa cũng như hệ thống ổn định.

3. Cáp nguồn dây liền (Sleeved) hay dây rời (Modular)

Vấn đề thường lăn tăn của nhiều bạn là dòng nguồn cáp rời hay cáp liền, xin chia sẻ với các bạn như sau :

- Hiệu năng hai sản phẩm dây rời và dây liền không khác nhau,chỉ khác biệt là dòng Modular đắt hơn.

- Nếu như vỏ case bạn có cover giấu nguồn bên dưới thì thực tế bạn không cần phải một sản phẩm Module làm gì cả khi toàn bộ dây giấu nguồn đã bị khuất giấu sau cover. Việc còn lại của bạn phải làm là chọn những dây cần thiết để dùng, còn lại cứ để ở hộc cover tránh bị lộn xộn và gọn gàng hơn.

4. Chứng nhận 80Plus ? Active PFC hay Passive PFC có quan trọng không ?

Với những sản phẩm nguồn có chứng nhận chuẩn 80Plus là bạn đã có thể yên tâm là sản phẩm đạt hiệu suất cao , không bị thất thoát dòng điện khi sử dụng ( hay còn gọi là nguồn công suất thực ). Ngoài ra đây cũng là chứng nhận thân thiện môi trường, có độ tin cậy cao hơn so với những sản phẩm không đạt chứng nhận này.

Các chuẩn 80Plus mà bạn có thể thường thấy khi lựa chọn như 80Plus (không có chữ phụ) là chạm ngưỡng công suất thực 80%,còn nếu 80Plus Bronze sẽ là 82-85% công suất thực, tương tự những chứng nhận còn lại giống dưới ảnh tham khảo dưới đây.


 

Nhưng thực tế với một chiếc card đồ họa như Nvidia GTX 970 hay GTX980 hiện nay thì bạn cũng chỉ cần lưu ý bộ nguồn đạt chuẩn 80Plus Bronze là đã thỏa mãn tiêu chí. Việc 80Plus Bronze hay Gold thì sự khác biệt cũng chưa đem lại đáng kể, ngoài ra cũng có nhiều nhà đánh giá nên sẽ có trường hợp nguồn test ở mức nhiệt độ khác nhau - khiến cho công suất 80Plus cũng khác nhau. Có nguồn test chuẩn 80Plus Bronze ở nhiệt độ 50 độ C nhưng nếu đem test nhiệt độ 30-40 độ đạt 80Plus Gold nên họ vẫn dán mác 80Plus Gold.

Còn về Active PFC hay Passive PFC với mục đích là để chuyển đổi dòng điện tự động và thụ động, đơn giản là nếu nhiều nước như Nhật Bản họ sẽ dùng điện 110V nhưng ở Việt Nam thường dải điện là 220V-230V, nếu nguồn bạn có chức năng Active PFC bạn sẽ không cần phải gạt nút công tắc chuyển đổi.

5. Thương hiệu nguồn

Đây cũng là một tiêu chí rất quan trọng khi chọn mua bộ nguồn phù hợp cho mình, thương hiệu to có thể giá sẽ cao nhưng bù lại bạn được an tâm về chất lượng dịch vụ, bảo hành lâu dài cho bạn.Hiện nay tuy rằng có nhiều thương hiệu nguồn bảo hành từ 3-5 năm nhưng cũng nên xem nhà cung cấp nguồn đó có uy tín lâu chưa, đã làm nguồn chưa vì đã là đồ điện tử rất hên xui,không ai nói trước được gì cả, đến lúc chẳng may "bảo và hành" thì lại thấy nhà cung cấp nay đổi địa chỉ hoặc thay đổi hình thức kinh doanh.

Có những thương hiệu mà bạn có thể cân nhắc do tôi đã trải nghiệm như Seasonic , Corsair (điều đặc biệt là dòng AX và HX cũng là do Seasonic làm), Antec, Acbel, Delta … cũng từng là những huyền thoại mà bạn nên ưu tiên chọn lựa.

Một lưu ý nữa hay còn gọi là TIP cho bạn rằng các bộ nguồn càng thương hiệu, càng có tên tuổi thì họ thường rất CẨN TRỌNG khi đưa sản phẩm ra thị trường, họ sẽ chọn các linh kiện tốt để đảm bảo tuổi thọ và khả năng giữ điện cho bộ nguồn. Ví dụ như một số hang Seasonic, Acbel hay dùng tụ điện Nhật bản chịu nhiệt độ tới 105 độ C. Để đảm bảo yếu tố nữa là khả năng giữ điện tốt, cách thử đơn giản là bạn có thể BẬT rồi TẮT MÁY, RÚT DÂY NGUỒN đi mà đèn trên bo mạch chủ vẫn sáng tới một lúc, điều này thể hiện nguồn của bạn vẫn có khả năng chịu tải tốt,giúp không bị sụt áp khi điện cấp chập chờn.

6. Lưu ý khi mua nguồn cũ

Nếu vì kinh tế chưa dư dả bạn có thể chọn các sản phẩm nguồn cũ nhưng theo cá nhân tôi: Sản phẩm nguồn đã dung trên 4 năm thì bạn không nên mua nữa, mà nhất là hết bảo hành từ hãng. Tại sao?

Vì đơn giản là các bộ nguồn đã qua sử dụng sau vài năm khiến các tụ trong bộ nguồn dần dần bị già ,khả năng chịu nhiệt độ kém đi, khả năng giữ điện không còn tốt. Một điều nữa là các bộ nguồn qua sử dụng lâu hầu hết không còn linh hoạt cấp điện tốt cho các linh kiện như card đồ họa, CPU, ổ cứng.

Một bộ nguồn tốt là phải đảm bảo các đường điện ổn định, nếu đem so sánh với nhịp tim lên xuống của con người trong biểu đồ tim, bộ nguồn máy tính càng ít dao động càng tốt, nhưng hầu hết chiếc nguồn sau thời gian gắn bó lâu năm khó duy trì được.

Trên đây là những kinh nghiệm chọn mua nguồn máy tính bao gồm các định nghĩa và công nghệ liên quan, đặc biệt đáng lưu tâm khi bạn có ý định mua PSU mới cho dàn máy của mình. Riêng về công suất nguồn, tùy theo mức độ tiêu thụ điện của các linh kiện khác nhau bạn có thể lựa chọn các sản phẩm khác nhau, hoặc nhờ tới sự tư vấn của kỹ thuật viên nơi mua máy tính.

Theo Genk 

Mời bạn xem thêm:

Bỏ túi 10 tuyệt chiêu kéo dài tuổi thọ cho máy tính
Tại sao phím J và F trên máy tính, số 5 trên điện thoại lại có gờ nổi?
27 điều ngạc nhiên mà máy tính chỉ có thể thực hiện được trong phim

Viết bình luận
Email sẽ không công khai khi bạn đăng bình luận
zalo