1. Kỹ sư đường đua
Mức lương trung bình năm của những người mới làm nghề này dao động từ 42.000 đến 50.000 USD, và có thể nhanh chóng tăng lên 67.000 USD sau vài năm kinh nghiệm. Đối với những kỹ sư đường đua có thâm niên, thu nhập thường trong khoảng 84.000 đến 152.000 USD.
Jamie Muir hiện làm việc tại tập đoàn mô tô thể thao JRM cho biết: “Kỹ sư đường đua giống như người thông ngôn giữa thợ cơ khí và các tay đua. Họ thu thập phản hồi từ các tay đua, phân tích dữ liệu sẵn có và đưa ra quyết định về những chi tiết cần khắc phục để có được hiệu quả cao nhất, sau đó bàn giao lại cho thợ cơ khí để tiến hành sửa chữa”.
Một kỹ sư đường đua cần có kỹ năng thiết kế trên máy tính, phân tích dữ liệu, mô phỏng, khả năng kiểm tra cũng như nắm vững về chế độ ổn định điện tử của phương tiện. “Tuy nhiên, vai trò chính của một kỹ sư đường đua là trực tiếp quản lý đội ngũ thợ cơ khí để đảm bảo phương tiện luôn được bảo dưỡng ở mức tốt nhất, sẵn sàng cho mọi cuộc đua, đồng thời giảm thiểu tối đa những nguy cơ về trục trặc kỹ thuật”.
Yêu cầu về bằng cấp của nghề này là đạt điểm A các môn toán, lý và tốt nghiệp đại học chuyên ngành kỹ thuật ô tô/cơ khí hoặc công nghệ mô tô thể thao. Ngoài ra, kinh nghiệm thực tế vô cùng cần thiết, bởi vậy các kỹ sư thường phải dành thời gian rảnh khi còn là sinh viên để làm tình nguyện trong các đội đua.
Để thành công, một kỹ sư đường đua cần có khả năng chịu áp lực cao. Muir cho biết: “Trong một chặng đua, mọi thứ thay đổi liên tục, bởi vậy bạn cần có khả năng đánh giá và mau chóng đưa ra những quyết định chính xác.”
Mặt trái của công việc này là bạn phải làm việc suốt nhiều tiếng đồng hồ. Chris Aylett, CEO của hiệp hội công nghiệp ô tô thể thao cho biết: “Kỹ sư đường đua phải làm việc 24/7, nên bạn cần có quyết tâm cao độ”.
2. Hacker chân chính
Lương trung bình năm của trưởng nhóm hacker là từ 101.000 tới 152.000 USD, còn hacker mới đang được đào tạo nhận mức lương từ 59.000 đến 84.000 USD.
Hacker chân chính sẽ được các công ty thuê để xâm nhập vào hệ thống máy tính của chính công ty ấy, nhằm kiểm tra khả năng chống chịu tấn công.
Để làm việc với chính phủ Anh, một hacker chân chính phải có chứng chỉ liên quan được cấp bởi Crest, Tiger, hoặc Cyber Scheme (có chứng nhận của cơ quan an ninh thông tin của Anh CESG), đồng thời đáp ứng các điều kiện đưa ra bởi tổ chức an ninh tình báo Anh. Trong lĩnh vực tài chính, chứng chỉ Crest là điều kiện bắt buộc đối với một hacker.
Để đi theo con đường của một hacker chân chính, bạn có thể theo học một số trường như đại học Hoàng gia Holloway London, Greenwich, Lancaster và Glassgow Caledonian. Tuy nhiên bạn không nhất thiết phải có bằng về lĩnh vực khoa học máy tính, bởi hacker có thể là những người có kiến thức và kỹ năng ở nhiều mảng khác nhau. Thông thường, các hacker không theo con đường truyền thống tại trường đại học, bởi môi trường này không thực sự phù hợp với cách học tập và làm việc của họ.
Để thành công, một hacker cần có niềm đam mê công nghệ. Bạn cần có đầu óc phân tích và khả năng trình bày vấn đề với cấp trên.
Nói về mặt trái của nghề này, Matthew, đến từ cơ quan tư vấn an ninh mạng Nettitude cho biết, hacker chân chính phải thường xuyên và liên tục cập nhật kiến thức. Vì vậy họ hiếm khi có thời gian rảnh. Đôi khi họ còn phải sẵn sàng đi công tác xa.
3. Thợ lặn rà phá bom
Ở Anh, thợ lặn rà phá bom tư nhân có thể kiếm được 101.000 USD/năm, trong khi tại những nước khác, thu nhập của họ lên đến 168.000 USD, với chế độ làm việc 2 tháng được nghỉ ngơi một tháng. Đối với chuyên viên giám sát thì lương mỗi ngày của họ nhiều hơn, từ 69 tới 169 USD.
Công việc của họ là lặn sâu xuống biển để dò tìm những quả bom, mìn, lựu đạn... chưa nổ, sau đó mang về hoặc là phá chúng một cách an toàn.
Để lặn được xa bờ, ngoài chứng chỉ lặn và chứng chỉ của khóa huấn luyện kỹ năng sinh tồn dưới biển sâu, bạn phải trải qua một khóa học cấp cứu và được đánh giá khả năng lặn có bình khí. Bên cạnh đó, nhiều công ty đòi hỏi nhân viên lặn phá bom chứng chỉ về y học. Bạn có thể được đào tạo miễn phí ở cơ quan Hải quân, hoặc phải chi khoảng 15.000 USD để tham gia các khóa học ở ngoài.
Daniel Roantree, một thợ lặn rà phá bom chia sẻ: “Để có thể phá bom thật an toàn, bạn cần có chứng chỉ phá các vật liệu nổ EOD và nhiều năm kinh nghiệm”. Bản thân Daniel có 8 năm kinh nghiệm, bao gồm 6 năm ở bộ phận phá bom, tuy nhiên anh vẫn không dám nghĩ mình là chuyên gia.
Để thành công, một thợ lặn rà phá bom cần có khả năng giữ bình tĩnh trong mọi tình huống căng thẳng. Họ thường phải sống cùng một nhóm khoảng 10 người trong suốt cả tháng trời với điều kiện khá chật chội, cho nên “không gian riêng” là một thứ gì đó vô cùng xa xỉ. Mặt trái của công việc này là phải đi xa nhà ít nhất 6 tháng mỗi năm.
4. Kỹ sư xã hội
Lương trung bình năm của kỹ sư xã hộ khoảng 84.000 – 135.000 USD. Lương cho kỹ sư mới ra trường khoảng 42.000 USD nhưng sẽ tăng rất nhanh tùy thuộc trình độ và kinh nghiệm.
Kỹ sư xã hội được các công ty thuê để “dụ” nhân viên của họ tiết lộ những thông tin mật, cho phép các kỹ sư này thâm nhập vào dữ liệu và mạng máy tính của công ty. Tom Roberts, một kỹ sư xã hội chia sẻ: “Chúng tôi không làm gì xấu, chỉ là cố gắng dùng những thông tin moi được từ các nhân viên, để giúp ban lãnh đạo công ty hiểu và biết cách ngăn chặn các vụ tấn công”. Anh nói thêm, “một kỹ sư xã hội phải nắm bắt được tâm lý và một số thủ thuật dùng trong Phishing (lợi dụng sự không hiểu biết của người dùng để đánh cắp thông tin cá nhân của họ, bằng cách mượn tên công ty)”.
Các kỹ sư xã hội cần có bằng công nghệ thông tin. Bên cạnh đó việc nắm bắt tâm lý cũng đóng vai trò quan trọng.
Để thành công, một kỹ sư xã hội cần có kỹ năng nói dối một cách chuyên nghiệp để thuyết phục đối tượng, cũng như khả năng trà trộn vào trong bất cứ môi trường nào. Họ cũng phải có khả năng phân tích cử chỉ, điệu bộ, biểu cảm khuôn mặt người đối diện. Tuy nhiên, quan trọng hơn cả là nắm rõ luật pháp để không làm gì quá giới hạn cho phép.
Mặt trái của công việc này là một khi bạn có thể “đọc” người khác một cách dễ dàng, thì cuộc sống ngoài công việc sẽ trở nên phức tạp, và bạn sẽ thành người hay hoài nghi. Mọi người xung quanh có thể hiểu lầm về công việc bạn làm, thậm chí gán cho bạn nhãn “gián điệp”.
5. Phi công trực thăng bảo trì đường dây điện
Lương trung bình năm của nghề này là 110.000 USD. Công việc của họ là lái máy bay trực thăng đến gần những đường dây điện cao thế để camera có thể quan sát và phát hiện những vấn đề tiềm ẩn.
Bằng cấp đầu tiên của nghề này là chứng chỉ lái máy bay trực thăng cá nhân. Ngoài ra, họ cần có giấy phép phi công thương mại với 2.000 giờ bay trong điều kiện môi trường không thuận lợi trên những loại trực thăng mà nhà tuyển dụng hay dùng. Không chỉ vậy, họ phải thi kiểm tra mỗi 6 tháng.
Để thành công, một phi công trực thăng bảo trì đường dây điện cần có đôi tay ổn định và cái đầu lạnh. Đặc biệt, họ phải duy trì tốt khoảng cách đối với đường dây. Cụ thể là 6m phía dưới đường dây điện, tức cách mặt đất khoảng 9m.
6. Quản gia
Lương trung bình năm của nghề quản gia tại Anh khoảng 101.000 - 152.000 USD. Một quản gia mới vào nghề có mức lương khoảng 59.000 USD, trong khi người có kinh nghiệm lâu năm sẽ kiếm đến 153.000 USD mỗi năm.
Quản gia có thể bị chủ sai làm bất cứ công việc gì, từ sắp xếp tủ quần áo, đến lái xe hay chăm sóc thú cưng. Nhiệm vụ của họ thường là quản lý những người giúp việc trong nhà, phục vụ trong các bữa ăn, để mắt tới khách, đặt nhà hàng, đảm bảo an ninh, trông nhà, nấu ăn.
Để làm nghề này, bạn không cần chứng chỉ gì đặc biệt nhưng có thể tham gia khóa đào tạo tại học viện quản gia Anh, nơi mà các nhà tư vấn tuyển dụng và khách VIP thường tới để chọn ra những sinh viên xuất sắc.
Để thành công, một quản gia cần có kỹ năng phục vụ với đôi bàn tay dẻo dai và khả năng đối mặt với nhiều loại người.
Mặt trái của nghề quản gia là phải làm việc nhiều giờ mỗi ngày với những công việc không thể dự tính, nên rất khó vun đắp cuộc sống gia đình riêng. Đôi khi họ bị cô lập do làm việc với những người chủ không mấy tốt bụng.