Bên trong nhà tù nhân văn nhất thế giới

Admin   Admin
Ngày đăng: 05/07/2018
0 bình luận

Nhân viên an ninh tại trại giam sang trọng Halden Fengsel của Na Uy không mang súng mà dành thời gian cho việc ăn uống và chơi thể thao cùng phạm nhân.
 


 
Tọa lạc tại ven sườn một khu rừng phía đông nam Na Uy, trại giam Halden Fengsel với sức chứa 252 tù nhân bắt đầu hoạt động vào tháng 4/2010. Đây là nhà tù sang trọng và mang tính nhân văn bậc nhất thế giới. Để giảm áp lực tâm lý của phạm nhân trong thời gian thụ án, các nhà quản lý Halden Fengsel đã chi khoảng 1 triệu USD để lắp đặt hệ thống ánh sáng, ảnh và tranh tại đây. Một bức vẽ graffiti của họa sĩ Dolk (trong ảnh) trong khuôn viên trại.
 

Tại Halden Fengsel, các phòng giam đều có nhà tắm riêng, tủ lạnh và TV màn hình phẳng. Bản án tối đa dành cho mọi phạm nhân tại quốc gia này là 21 năm. Đa phần tù nhân đều được trở về với cộng đồng, nên các kiến trúc sư tham gia thiết kế Halden Fengsel muốn tạo không gian đặc biệt, giúp tù nhân có cảm giác gần gũi với thế giới bên ngoài. “Điều quan trọng nhất là nhà tù trông càng giống xã hội bên ngoài càng tốt”, Hans Henrik Hoilund, một kỹ sư thiết kế, nói với với tạp chí Time.


 
Cứ 10 - 20 phòng giam sẽ có một nhà bếp và phòng khách chung. Tại đây, phạm nhân sẽ cùng chuẩn bị bữa tối và thư giãn sau một ngày lao động. Người ta không tìm thấy bóng dáng của những chấn song sắt tại nhà tù Halden Fengsel. Quá trình xây dựng trại giam kéo dài 10 năm, với tổng chi phí là 250 triệu USD.
 

 
Nhằm giúp phạm nhân duy trì các thói quen tốt và giảm sự nhàm chán trong thời gian thụ án, ban quản lý Halden Fengsel thường tổ chức những buổi học nấu ăn và tìm hiểu những điều cơ bản về dinh dưỡng tại “phòng thí nhiệm nhà bếp” dành cho tù nhân. Phạm nhân tại Halden Fengsel là những kẻ buôn bán ma túy, giết người, hiếp dâm… 
 

 
Các phạm nhân có thể tham gia nhiều hoạt động thể thao như bóng rổ, leo núi trong nhà, chạy bộ và đá bóng. Một ngày làm việc của nhân viên an ninh của Halden Fengel bắt đầu từ 8h sáng và kết thúc lúc 20h. Họ không mang theo súng vì việc đó sẽ tạo khoảng cách và sự hăm dọa không cần thiết. Thay vào đó, họ dành thời gian ăn uống và chơi thể thao cùng phạm nhân. Một nửa số giám thị tại trại giam là nữ giới.
 

 
Halden Fengsel còn sở hữu một phòng thu chuyên nghiệp. Các giáo viên âm nhạc dạy phạm nhân chơi piano, guitar, trống bongos và nhiều loại dụng cụ khác. Phương châm hoạt động của trại giam là không đàn áp và đối xử tàn bạo với tù nhân mà giúp họ tăng khả năng tái hòa nhập cộng đồng. 
 

 
Cây xanh, ghế dài, bàn cờ đá cùng con đường mòn trải dài trong khuôn viên trại giam có diện tích 30 ha. Theo một kiến trúc sư, việc trồng cây sẽ giúp phạm nhân cảm nhận rõ sự thay đổi của tất cả các mùa trong năm.
 

 
Những nhà thiết kế đã sử dụng 18 màu sắc khác nhau để tạo sự đa dạng và tạo cảm giác tích cực cho tù nhân. Họ sẽ sơn các phòng giam bằng màu xanh lá cây, trong khi thư viện và các khu vực khác có màu cam. Nhà khách gồm hai phòng ngủ. Đây là nơi tù nhân tiếp đón gia đình họ.
 

 
Các phạm nhân tại Halden Fengsel vẫn hưởng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe. Trại giam có hẳn một bệnh viện nhỏ và phòng khám răng.
 

 

Quản giáo tại Na Uy phải tham gia quá trình đào tạo trong hai năm tại học viện dành cho sĩ quan. Họ đều tự nguyện theo đuổi công việc này. “Không ai trong số chúng tôi buộc phải làm việc ở đây. Đó là sự lựa chọn của chúng tôi. Mục tiêu của nhân viên an ninh là đem lại cho phạm nhân một cuộc sống ý nghĩa bên trong những bức tường. Sự ấm áp tình người có thể đem tới tác động lâu dài tới tù nhân - chứ không phải những chiếc TV đắt tiền”, Charlott-Renee Sandvik Clasen, một giáo viên dạy nhạc đồng thời là nhân viên an ninh của Halden Fengsel, chia sẻ.

 

Theo Zing

Mời bạn xem thêm:

Bên trong nhà tù lớn nhất châu Âu
Bên trong máy bay chở bệnh nhân Ebola
Bên trong căn hộ sang chảnh nhất NewYork

Viết bình luận
Email sẽ không công khai khi bạn đăng bình luận
zalo