Facebook là một trong những trang mạng xã hội thu hút đông người sử dụng và đa phần là giới trẻ. Không thể phủ nhận những điều tích cực mà công cụ này đã mang lại trong việc giao tiếp, tương tác với bạn bè ở khắp nơi trên thế giới. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, Facebook cũng có những mặt trái khiến nhiều người giật mình vì nó tác động xấu ngay trong đời thực chứ không chỉ trên thế giới ảo.
Gây nghiện
Đầu tiên phải kể đến căn bệnh nghiện facebook đanh hoành hành đối với giới trẻ. Thích thú lướt “phây”, say mê nhắn tin, “like” điên cuồng là những biểu hiện rõ nét của căn bệnh này. Thật khó để đếm số lượng "bệnh nhân" nghiện facebook một cách chính xác. Tuy nhiên phần đông người mới sử dụng khi bước vào thế giới ảo đã không cưỡng nỗi sự lôi cuốn của nó. Từ đó, vào “phây” trở thành một phản ứng vô điều kiện, một thói quen không thể từ bỏ, một hội chứng nghiện…
Không ít bạn trẻ mắc chứng bệnh nghiện Facebook.
Dĩ nhiên, người sử dụng dành nhiều thời gian dán mắt vào màn hình điện thoại, máy tính, “chìm đắm” trong Facebook thì cách tiếp xúc, trò chuyện truyền thống dần bị lãng quên. Một khi việc giao tiếp xã hội thực sự bị giảm xuống, con người bắt đầu hình thành suy nghĩ xa rời thực tế, bỏ quên, hững hờ các mối quan hệ thiết yếu như với thầy cô, cha mẹ, bạn bè trong giao tiếp trực tiếp.
Hội chứng sống ảo
Cũng từ chứng “nghiện phây” kể trên mà nhiều bạn trẻ tự giam mình vào cuộc sống ảo. Khoe thân, khoe của, khoe chiến tích giết súc vật, giết người, khoe ảnh giường chiếu… là số ít trong hàng loạt các status mang tính chất “thể hiện đẳng cấp” trên thế giới mạng.
Khoe độ giàu có, khoe chứng tích yêu đương, giết súc vật trên Facebook,...
Chỉ cần một tài khoản ảo, một chiếc điện thoại có chức năng chụp ảnh là có thể cho ra đời hàng loạt những tấm ảnh khoe thân đủ mọi thể loại của các cô gái, chàng trai nhằm đổi lấy sự chú ý của số đông. Một hình thức sống ảo khác cũng phổ biến không kém đó là trào lưu khoe tiền của, khoe thân thế, khoe gia tộc giàu sang... Có thể nhìn thoáng hơn một chút, nếu như bạn giàu, khoe của là quyền của bạn. Tuy nhiên, hầu hết chủ nhân của những status “nổ” lại chẳng có gì mà chủ yếu là mượn người này cái túi, người nọ cái đồng hồ thậm chí lấy hình trên internet rồi tự nhận vơ là của mình.
Hàng loạt danh hiệu tự phong ra đời cũng từ các chiêu trò nói trên như “Hot girl vòng một”, “Người đẹp thị phi”, “Hotboy số 1 Sài thành”… Tất cả vì tham vọng danh tiếng ảo mà nhiều bạn trẻ chệch đường, quay cuồng trong cơn bão nghìn “like” đi kèm vô số “gạch đá”.
Cảnh giác những chiêu trò lừa đảo
Mạng xã hội tập trung đông người dùng trở thành miếng mồi ngon cho những tên lừa đảo chuyên nghiệp. Từ những vụ việc lừa người dùng bấm vào đường link chứa virus để lấy cắp tài khoản, spam tag cho đến lừa nạp thẻ điện thoại, thẻ game với mệnh giá từ hàng trăm nghìn đến hàng triệu đồng.
Khách hàng đã phải bức xúc vì bị lừa mất tiền.
Sự nở rộ của các cửa hàng kinh doanh online không qua kiểm duyệt cũng gây ra không ít sự phiền toái cho người dùng Facebook. Rất nhiều bạn dính phải "quả lừa" khi quá ham hố và không tỉnh táo lựa chọn hàng để mua online. Đa phần những trường hợp này do các chủ shop yêu cầu chuyển khoản trước khi lấy hàng và một vài trường hợp "chờ dài cổ" vẫn không thấy hàng của mình về.
Không dừng lại ở đó, ngày càng nhiều chiêu thức tinh vi được kẻ lừa đảo sử dụng trên mạng xã hội Facebook. Nghiêm trọng hơn là nhiều trường hợp các đối tượng lợi dụng làm quen, dụ dỗ các cô gái tuổi ô mai đi chơi và sau đó lạm dụng tình dục hoặc bán sang biên giới…
Mâu thuẫn trên mạng ảo, bạo lực ngoài đời thực
Facebook tồn tại song hành như một xã hội thu nhỏ, sẽ có những mâu thuẫn thiếu kiểm soát, nảy sinh giữa một hoặc nhiều người sử dụng trong quá trình tương tác trên mạng. Dù ảo nhưng mâu thuẫn lại là thật và đây là nguyên nhân phổ biến của hành vi đánh nhau, thanh toán bạo lực thậm chí giết người hoặc tự tử ở lứa tuổi vị thành niên. Chỉ vì mâu thuẫn nhỏ từ việc bình luận qua lại, những status tố cáo nhau mà các cô cậu học trò lao vào ẩu đả, đánh đập lẫn nhau.
Bạo lực bắt nguồn từ mâu thuẫn trên Facebook.
Thật khó để có thể miểu tả một cách đầy đủ “mảng tối” đang hiện diện trên mạng xã hội Facebook. Suy cho cùng, Facebook chỉ là một tiện ích còn những tiêu cực, hệ lụy kể trên đều xuất phát từ con người mà phần đông là giới trẻ. Facebook sẽ là công cụ phục vụ nhu cầu công việc, giải trí hay là mối nguy hiểm – quyết định nằm ở người dùng và không ai khác ngoài bạn mới biết mình nên tiếp tục hay từ bỏ hoặc kiểm soát mình như thế nào.
Theo Tiin
Mời bạn xem thêm:
Facebook, Apple chi tiền để nhân viên nữ có con muộn hơn
Sư thầy lộ ảnh "nhạy cảm" với thiếu nữ trên facebook
Samsung sẽ sản xuất điện thoại độc quyền cho Facebook