Làm đẹp là nhu cầu tự nhiên của tất cả chúng ta, nhất là phái đẹp. Bên cạnh những phương pháp truyền thống như sử dụng mặt nạ trái cây, tắm bùn… thì ngày nay, không ít người đã tìm tới với phẫu thuật thẩm mỹ.
Công nghệ hiện đại, thời gian nhanh chóng và kết quả lập tức là những điểm hấp dẫn phái đẹp tìm tới cách thức này. Gần đây, dư luận đang xôn xao về một phương pháp thẩm mỹ mới du nhập từ nước ngoài - đó là dùng máu để làm đẹp.
Làm đẹp bằng máu còn được gọi là phương pháp “ma cà rồng” có tên khoa học PRP (platelet-rich-plasma). Trong tiếng Việt, có thể hiểu nó có nghĩa là “làm đẹp bằng huyết tương giàu tiểu cầu chiết xuất từ máu tự thân”. Hay nói cách khác, đây là việc sử dụng chính máu của bệnh nhân để chống lão hóa, cải thiện vẻ đẹp bên ngoài cho họ.
Trong thực tế, phương pháp “ma cà rồng” được áp dụng trong rất nhiều các lĩnh vực y học khác nhau như chữa trị chấn thương các mô, dây thần kinh, hồi phục dây chằng, gân bị tổn thương trong thể thao…
Với công nghệ thẩm mỹ, người ta áp dụng phương pháp này chủ yếu để cải thiện vẻ đẹp cho da mặt, mu bàn tay, cổ...
Phương pháp “ma cà rồng” xoay quanh nhân tố chính là tiểu cầu - một thành phần trong máu. Dưới góc độ sinh học, tiểu cầu có chứa các yếu tố kích thích tăng trưởng, chịu trách nhiệm trong việc tái sinh các mô, tăng sản xuất collagen, kích thích các tế bào chấn thương hồi phục bên trong cơ thể.
Về cơ bản, toàn bộ quy trình hút máu để làm đẹp da chỉ diễn ra trong vòng 45 - 60 phút với cách thức khá đơn giản. Trước khi bắt đầu, các bác sĩ sẽ tiến hành kiểm tra sức khỏe, da mặt của bệnh nhân.
Chuyên gia cũng không quên xem xét các bệnh da liễu, mãn tính, tình trạng dị ứng… để kiểm tra khả năng phẫu thuật. Các bệnh nhân sử dụng thuốc kháng viêm thường phải dừng sử dụng thuốc 10 ngày trước khi hút máu làm đẹp.
Máy li tâm để tách huyết tương giàu tiểu cầu ra khỏi máu thông thường.
Bước đầu tiên của quy trình làm đẹp độc đáo này là hút máu. Bác sĩ sẽ dùng kim tiêm lấy khoảng 9cc máu của bệnh nhân như trong các cuộc kiểm tra sức khỏe thông thường. Lượng máu này được cho vào ống nghiệm và đặt vào máy li tâm trong vòng 6 phút.
Sau khi li tâm, ống nghiệm máu được tách thành hai phần, trong đó phần màu vàng trong phía trên chính là huyết tương giàu tiểu cầu - nhân tố chính để làm đẹp da mặt. Trong thành phần huyết tương thu được, có tới 94% là tiểu cầu, nhiều hơn hẳn so với lượng tiểu cầu trong máu thông thường - chỉ khoảng 6%.
Huyết tương giàu hồng cầu được bơm vào các ống tiêm.
... và chích thẳng vào da mặt bệnh nhân
Tiếp theo, các bác sĩ sẽ tiến hành gây tê toàn bộ vùng da mặt sẽ được “làm đẹp”. Xong xuôi, họ dùng kim tiêm bơm trực tiếp lượng huyết tương thu được từ máy li tâm kín khuôn mặt thông qua những vết chích nhỏ.
Trong hỗn hợp được tiêm vào, các bác sĩ có thể cho thêm canxi clorua để làm tăng hiệu quả điều trị. Quá trình này lặp đi lặp lại cho tới khi kết thúc cuộc phẫu thuật.
Hệ quả của việc châm rất nhiều mũi tiêm vào vùng da mặt là sau phẫu thuật, khuôn mặt của bệnh nhân sẽ lấm chấm những vết máu đỏ nhỏ. Trong khoảng 12-24 giờ sau phẫu thuật, vùng da được phẫu thuật có thể sưng và hơi tấy đỏ nhưng sau đó sẽ biến mất hoàn toàn.
Theo nhiều người, ưu điểm của phương pháp “ma cà rồng” là độ an toàn cao. Vì sử dụng chính máu của bệnh nhân nên phẫu thuật gần như không bao giờ gây ra sốc phản vệ, tình trạng dị ứng không nhận máu… Ngoài ra, hiệu quả của PRP có thể nhìn thấy trong 3-4 tuần và kéo dài tới 18 tháng.
Tuy nhiên, mặc dù rất phổ biến trong việc khôi phục, chữa trị chấn thương nhưng trong công nghiệp thẩm mỹ, vẫn chưa có một nghiên cứu khoa học chính thức nào tiến hành trong việc kiểm tra an toàn và hiệu quả thực sự của PRP. Do đó, không ít người vẫn tỏ ra lo lắng trước phương pháp làm đẹp “kinh dị” này.
* Bài viết sử dụng tư liệu tham khảo từ các nguồn: The Victorian Cosmetic Institute, Dermedica, New Life Clinic...