Các giác quan trên cơ thể theo khoa học bao gồm thính giác, khứu giác, vị giác, xúc giác và thị giác. Chúng đóng vai trò cực kì quan trọng để chúng ta có thể phản ứng lại với cuộc sống xung quanh mình. Nhưng mới đây, các nhà khoa học đưa ra lời khuyên rằng bạn không nên “đặt trọn niềm tin” vào nó.
Ảo ảnh về bóng ma
Đã có rất nhiều người diễn tả rằng họ đã được chứng kiến những ảo ảnh như bóng ma lướt qua rồi biến mất ngay lập tức. Về điều này, khoa học giải thích như sau: Các nhà khoa học Thụy Sĩ đã tiến hành kích thích điện não vùng đỉnh trái thái dương của một bệnh nhân nữ mắc bệnh động kinh. Người này sau đó đã diễn tả lại rằng cô đã thấy 1 bóng người phía sau làm theo những gì cô đang cử động.
Theo các nhà khoa học, nguyên nhân là do khi bị kích thích điện vùng não đang đóng vai trò xác định ý thức bản thân, người bị kích thích sẽ tự “tưởng tượng” ra những bóng ma đang bắt chước mình. Và đây cũng chính là lời giải thích vì sao những người bị tâm thần phân liệt thường xuyên bắt gặp các bóng ma hay những sinh vật kì bí. Hiện tượng này cũng xảy ra với người khỏe mạnh nhưng tần suất ít hơn.
Sự đau đớn bị phóng đại
Khi va vào một nơi nào đó mà không gây ra vết thương hở (ví như va chân vào bàn), bạn thường xoa vì như vậy cơn đau sẽ giảm đi rất nhiều! Hoặc khi bạn “gồng” thì cơn đau đỡ hơn! Bạn có thắc mắc về điều này?
Để giải thích, các nhà khoa học Anh đã tiến hành làm thí nghiệm. Họ đã chuẩn bị một chiếc lò nướng ảo giác nhiệt, mời các tình nguyện viên đưa ngón giữa của mỗi bàn tay vào nước lạnh, đồng thời đưa ngón trỏ và ngón áp út vào nước hơi nóng. Mục đích làm việc này là để “đánh lừa” bộ não bằng các tín hiệu nhiệt độ khác nhau. Trên thực tế, những người tình nguyện cảm thấy rằng ngón tay để ở nước lạnh lại nóng và ngón để ở nước nóng lại lạnh.
“Phản ứng nhiệt tác động trực tiếp và tức thì đến não, não sau đó lại truyền các trạng thái hiện tại đến các bộ phận của cơ thể, từ đó làm ta cảm thấy đau”, Marjolein Kammers, Đại học London nói.
Như vậy, phản ứng nhiệt sẽ “lừa” não bộ, làm cho chúng ta cảm thấy đau hơn hoặc bớt đau. Ở một thí nghiệm khác được tiến hành bởi Đại học Oxford, các nhà khoa học cho bệnh nhân bị đau sưng xem vết thương của mình dưới ống nhòm ngược (vết thương bị thu nhỏ lại) thì họ sẽ cảm thấy bớt đau hơn rất nhiều và ngược lại, khi vết thương bị “phóng đại” thì họ sẽ cảm thấy đau đớn hơn.
Tấm gương cảm xúc
Khi nhìn vào một vật gì đó, đa số con người đều cảm nhận chính là sự vật đó, ví dụ như khi nhìn vào cuốn sách thì đó là cuốn sách. Thế nhưng, có nhiều người lại nhìn vào cuốn sách nhưng lại tưởng tượng ra một chiếc bánh hamburger hay nhìn cuốn sách nhưng họ lại “nếm” được vị mặn của nó… Khoa học gọi đây là biểu hiện của chứng bệnh lẫn lộn giác quan.
Ở một dạng “nặng” hơn, chứng bệnh lẫn lộn giác quan sẽ “biến thể” thành “tấm gương cảm xúc”. Chứng này thường xảy ra khi các tế bào thần kinh hoạt động quá tải. Những người bị bệnh khi thấy người khác như thế nào, họ sẽ tự “lây” cảm xúc người đó. Ví dụ như khi thấy một người vấp ngã, họ cũng cảm thấy đau dù họ đang đứng yên và không bị vật gì tác động.
Cảm thấy điện thoại đang rung
Bạn đã bao giờ cảm thấy điện thoại mình rung khi đang làm việc gì đó dù khi lôi điện thoại ra khỏi túi, bạn không thấy gì? Hoặc thậm chí là bạn không mang điện thoại theo nhưng vẫn có cảm giác rung?
Để giải thích, một chuyên gia có tên Michael Rothberg đang công tác tại Trung tâm Y tế Baystate ở Springfield (Mỹ) đã tiến hành cuộc khảo sát. Từ kết quả thu được, ông nhận thấy rằng có tới 70% số người được hỏi từng trải qua cảm giác bị điện thoại đánh lừa.
Theo Rothberg, nguyên nhân là do ảo giác điện thoại rung đã tồn tại sẵn trong nhận thức. Khi phải xử lí nhiều luồng thông tin cùng lúc, bộ não sẽ bị quá tải và cảm giác đó sẽ được khơi lại. Lúc này, não sẽ “chỉ đạo” không chuẩn xác. Cộng thêm việc mong mỏi một cuộc gọi hay tin nhắn nào đó, não sẽ tạo ra ảo giác khiến con người cảm thấy như có điện thoại rung thật.
Theo Yan
Mời bạn xem thêm:
Rùng rợn trước những bí ẩn mà khoa học không thể lý giải
Lý giải cảm giác lượt về nhanh hơn lượt đi trong các chuyến đi
Phát hiện khoa học lý giải nguồn gốc những giấc mơ