Ống kính được biểu thị như thế nào?
Khi truy cập vào website của nhà sản xuất, chắc chắn bạn sẽ cảm thấy rối bù đầu với hàng loạt các thông số từ nhà sản xuất. Tên của một ống kính thường được biểu thị với các con số và chữ vốn rất khó hiểu cho người dùng mới. Tuy vậy, chỉ cần tập trung vào 1 vài số liệu là bạn có thể biết ý nghĩa của ống kính đó ngay thôi mà. Nếu đọc những định nghĩa này mà bạn chưa hiểu thì đừng lo, giải nghĩa chi tiết cho từng thuật ngữ sẽ nằm ngay phía dưới.
Tiêu cự:
Con số đầu tiên mà bạn thấy khi nhìn vào 1 cái tên nào đó chính là tiêu cự của nó. Khi kết hợp với cảm biến máy ảnh thì nó sẽ cho chúng ta con số chính xác về góc nhìn của ống kính. Con số này càng nhỏ thì nó càng thể hiện ống kính đó là loại góc rộng, tức là hình ảnh thu vào sẽ nhiều hơn. Ví dụ ống kính 16mm sẽ chụp được nhiều hình ảnh hơn là ống kính 35mm. Nếu ống kính của bạn hiển thị 2 con số mm, ví dụ 18-55mm nghĩa là bạn đang dùng ống kính zoom, cho phép thay đổi tiêu cự trong khoảng từ 18-55mm. Nếu chỉ có 1 số thì tức là bạn đang dùng ống cố định (fix hoặc prime).
Hình phía trên thể hiện phần hình ảnh mà một cảm biến APS-C thu được khi chụp với các ống kính ở tiêu cự tương ứng. Bảng dưới là 1 bảng quy đổi tiêu cự khi so với các máy full frame. Để cho đơn giản thì 1 số nhà sản xuất hiển thị tiêu cự của ống kính dưới dạng “tương đương với máy 35mm”. Chẳng hạn như ống 18-55mm khi gắn lên máy APS-C có thể hiểu như là tương đương với gắn ống 27-83mm gắn lên máy full frame (hệ số crop 1.5, tức là 18x1.5 và 55x1.5). Thực ra thì chẳng có ống kính nào có tiêu cự 27-83mm nên người ta thường hiểu nó tương đương với 28-90mm. Tương tự, gắn ống 200mm lên máy crop 1,5 tương đương với gắn ống 300mm lên máy full frame (về mặt tiêu cự).
Trong bảng so sánh dưới dây, do nhiều tiêu cự không được sản xuất trong thực tế nên các con số sẽ tự động được quy đổi về tiêu cự thực tế gần nhất để bạn dể hiểu hơn. Ví dụ, ống kính tele trên four-thirds bắt đầu từ 42mm, tức là tương đương với ống 42x2=84mm trên máy full frame. Tuy nhiên, do không có tiêu cự này mà ta dùng tiêu cự 80mm để so sánh.
Độ mở của ống kính (Aperture):
Sau tiêu cự thì độ mở là thuật ngữ thứ 2 trong tên của 1 ống kính nào đó, nó thể hiện lượng ánh sáng tối đa mà 1 ống kính có thể thu được ở 1 tiêu cự cố định. Ví dụ, ống kính có 18-50 F2.8 thì 18-50 là tiêu cự từ 18mm đến 50mm, F2.8 là độ mở tối đa của ống kính đó trong bất cứ khoảng nào chạy từ 18 đến 50mm. Một ví dụ khác, ống kính 18-200 F3.5-5.6 có nghĩa là ống kính đó mở khẩu tối đa được F3.5 ở tiêu cự 18mm và F5.6 ở 200mm. Khi bạn xoay ống kính cho nó zoom trong 1 khoảng tiêu cự giữa 2 điểm 18-200mm thì độ mở tối đa của ống kính sẽ thay đổi theo.
Độ mở ống kính thường được hiển thị dưới nhiều cách khác nhau, nhiều nhất là FX nhưng cũng có thể hiện thị như f/X, 1:X với X là con số thể hiện khẩu độ tối đa, ví dụ như f/2.8. Con số X càng nhỏ thì ống kính càng có khả năng mở khẩu lớn hơn và thu được nhiều ánh sáng hơn. Ống kính F2.8 thì thu được nhiều ánh sáng gấp đôi ống có khẩu độ F4.
Ống kính có độ mở lớn hơn sẽ cho phép bạn chụp hình trong những điều kiện ánh sáng kém hơn mà không cần phải sử dụng flash. Ngoài ra, ống kính khẩu độ lớn khi mở khẩu tối đa có thể tạo được vùng ảnh mờ rộng, làm nổi bật chủ thể lên khỏi hậu cảnh (DOF-depth of field mỏng).
Chống rung hình ảnh:
Ổn định hình ảnh đang ngày càng trở nên quan trọng trong những hệ thống máy ảnh nhưng các nhà sản xuất lại sử dụng những phương thức khác nhau nhằm hiện thức hóa nó. Trong khi Pentex và Olympus dùng chống rung bằng cách dịch chuyển cảm biến thì Canon, Nikon, Panasonic và Samsung dùng chống rung ống kính. Sony quái chiêu hơn, dùng chống rung cảm biến (Super Steady Shot) cho dòng máy Alpha DSLR nhưng lại dùng chống rung ống kính (Optical Steady Shot) cho các hệ máy Alpha NEX. Chống rung quang học cực kỳ hữu ích khi chụp ảnh với ống kính tele.
Dưới đây là tên 1 số công nghệ mà các hãng sử dụng, tác dụng của chúng không khác nhau nhiều:
Định dạng cảm biến:
Hầu hết các máy ảnh DSLR hiện tại đều sử dụng cảm biến APS-C có kích thước 24x16mm, nhỏ hơn khoảng 1 nửa so với film 35mm trước kia. Tuy vậy, 1 vài nhà sản xuất như Canon, Nikon và Sony cũng cho ra mắt những máy ảnh full frame có kích cỡ cảm biến bằng film 35mm ngày xưa, tức là 24x36mm. Một vài dòng máy của Canon lại sử dụng cảm biến APS-H có hệ số crop 1,3. Panasonic, Olympus thì hay sản xuất các máy four thirds nhỏ hơn nữa trên các dòng máy ảnh thay ống kính của họ.
Tất cả các nhà sản xuất lớn (trừ Olympus và Panasonic) đều đưa ra những hệ thống ống kính tối ưu hóa cho máy có cảm biến APS-C, do vậy mà bạn không sợ phải thiếu ống kính như khi chúng mới ra mắt. Các ống kính full frame hoạt động rất tốt trên các máy APS-C nhưng bạn hãy cẩn thận khi dùng ống kính dành riêng cho APS-C lên full frame, chúng có thể bị đen 4 góc hay bị nhân hệ số crop y hệt như khi gắn lên APS-C. Vì vậy, hãy cân nhắc kỹ khi mua ống kính nếu muốn nâng cấp lên full frame sau này. Các nhà sản xuất cũng đưa ra những ký hiệu giúp người dùng dễ hình dung hơn, ví dụ với Nikon thì DX là máy APS-C còn FX là full frame.
Sau đây là ký hiệu ống kính cho cảm biến APS-C:
Ngàm ống kính (mount):
Trừ một vài trường hợp ngoại lệ thì mỗi nhà sản xuất lại đưa ra các ngàm khác nhau cho máy ảnh của mình. Ngàm đóng vai trò là các chốt khóa ống kính vào máy hình, do vậy bạn không thể đem ống Nikon gắn lên máy Canon hay ngược lại được. Nếu muốn thì ta phải dùng các bộ chuyển đổi nhưng tạm thời sẽ không nhắc đến nó ở đây do các giới hạn khác nhau. Chẳng hạn như nhiều nhà sản xuất cho ra mắt các ngàm chuyển đổi ống kính từ DSLR sang cho máy Four-Thirds nhưng lại gặp 1 vài giới hạn như phải lấy nét tay hoặc lấy nét tự động chậm....
Một số ngoại lệ có thể kể đến như là Olympus và Panasonic sử dụng chung 1 loại ngàm cho máy ảnh không gương thay đổi ống kính (ILC) nên bạn có thể dùng chung với nhau. Samsung DSLR thì dùng chung ngàm KAF với các máy Pentex nhưng hiện tại thì họ đã dùng ngàm NX riêng trên các máy ILC. Các nhà sản xuất thứ 3 như Sigma, Tamron và Tokina chế tạo ống kính cho nhiều hãng khác nhau nhưng phiên bản của hãng nào thì dùng ngàm hãng đó.
Lấy nét tự động (AF-Auto Focus):
Tính năng lấy nét tự động AF là 1 tính năng cực kỳ hữu ích nhưng không phải sự kết hợp nào giữa ống kính và máy ảnh cũng cho ra nó. Motor lấy nét tự động có thể đặt trên thân máy, ống kính hay cả 2. Hơn nữa, dù là trên ống kính thì nó cũng chia làm nhiều loại khác nhau. Có 3 cách chính để auto focus, cách đầu tiên là screw drive, cách thứ 2 là micromotor và cuối cùng là ultrasonic:
Như thường lệ, tên của các công nghệ lấy nét siêu âm Ultrasonic motors của các nhà sản xuất khác nhau:
Manual Focus Override:
Hầu hết các ống kính đòi hỏi người dùng phải gạt 1 nút bằng tay khi chuyển đổi giữa 2 chế độ lấy nét tự động và lấy nét tay, nếu bạn vẫn để ống kính ở chế độ lấy nét tự động mà lại đi vặn mạnh vòng lấy nét thì có thể ống kính đó sẽ bị hỏng. Một số ống kính có cơ chế cơ khí đặc biệt cho phép làm điều này mà không gây nguy hiểm gì tới ống kính, đặc biệt là với những ống mắc tiền ultrasonic motor. Một ưu điểm cho Pentax là hầu hếtc ác ống của họ đều hỗ trợ tính năng này, Pentax gọi là Quick Shift.
Lấy nét tay:
Vài công ty vẫn chẳng thèm quan tâm đến kỷ nguyên lấy nét tự động mà họ vẫn tiếp tục sản xuất các ống đòi hỏi người dùng phải vặn để lấy nét tay. Các ống kính kiểu này thường rất xịn, mắc tiền, cho chất lượng quang học cực kỳ cao và cấu tạo bằng kim loại. 2 cái tên có thể kể đến là Carl Zeiss và Voigtlander. Ngoài ra thì 1 số ống kính đặc biệt như ống tilt shift của Canon và Nikon cũng lấy nét tay.
Chất lượng ống và khả năng hoạt động trong mọi thời tiết:
Bỏ ra càng nhiều tiền thì bạn càng có 1 ống kính chất lượng tốt! Các ống kính kit đi kèm máy thường rất nhẹ và làm bằng nhựa. Nếu có thể thì bạn hãy mua các ống kính chống chọi được với bụi và nước. Thông thường các ống này khá mắc tiền nhưng Pentax và Olympus cũng trang bị chúng vào dòng sản phẩm trung cấp. Pentax thậm chí còn đi xa hơn khi cho tính năng này vào len kit đi kèm ống K7.
Ống zoom hay ống fix:
Ống kính zoom ngày càng trở nên phổ biến ở khắp mọi nơi bởi vì khi mới mua máy thì người ta nghĩ bỏ tiền ra mua 1 ống có tiêu cự cố định thì thật là vô nghĩa. Tuy nhiên, ống fix có rất nhiều ưu điểm khác mà những người mới dùng DSLR chưa thể cảm nhận được, chẳng hạn như nó thường gọn nhẹ hơn, mở khẩu tối đa lớn hơn và cho ảnh sắc nét hơn. Những đặc điểm này làm cho ống fix trở nên cực kỳ hữu ích trong những trường hợp đặc biệt như ánh sáng kém.
Một số kiểu ống kính phổ biến:
Ống Zoom cơ bản:
Một ống zoom cơ bản là những ống được tạo ra cho nhiều điều kiện chụp hằng ngày khác nhau, từ góc rộng cho đến tele. Những ống phổ biến trong tầm này có thể kể đến 18-55mm F3.5-5.6 vốn thường được dùng cho các máy cơ bản như là ống kính “kit” đi kèm. Ngoài ra, một số nhà sản xuất cũng đưa ra các bản nâng cấp cho dải tiêu cự này, làm cho chúng cao cấp hơn nhiều với các lớp phủ đặc biệt và khẩu độ lớn như F2.8.
Ống zoom xa:
Sau khi mua các ống zoom cơ bản thì chúng ta chuyển sang các ống zoom tầm xa, chẳng hạn như 55-200mm F4.5-5.6 hay 75-300mm F4-5.6.. Các ống kính này thích hợp cho chụp thể thao, động vật hay trẻ em từ xa.
Ống kính siêu zoom:
Đây là loại ống kính tất cả trong một chứa đầy đủ dải tiêu cự từ góc rộng bình thường đến ống tele siêu dài. Với đầy đủ dải tiêu cự, ống kính siêu zoom thích hợp cho những người hay di chuyển nhiều. Tất nhiên, với kiểu ống kính này thì chất lượng quang học sẽ không tốt bằng các ống kính riêng biệt nhưng sự tiện lợi của nó cũng đủ để đánh đổi đối với nhiều người.
Ống kính zoom góc rộng:
Các ống kính này cho phép bạn gom nhiều vật thể hơn trong 1 bức ảnh, thích hợp để chụp cảnh, kiến trúc hay nội thất.
Ống kính Macro:
Macro thường dùng để chỉ các ống kính có khả năng lấy nét ở khoảng cách gần so với chủ thể, thích hợp để chụp hoa hay côn trùng. Có nhiều nhà sản xuất thêm chữ macro vào tên ống kính zoom của họ nhằm nhấn mạnh rằng nó có thể lấy nét gần hơn so với các ống kính tương đương. Tuy vậy, 1 ống kính macro thật sự phải là ống kính fix. Các ống có tiêu cự xa hơn thì tầm lấy nét tối thiểu sẽ xa hơn ống tiêu cự ngắn, Nikon gọi loại ống này là Micro thay cho Macro.
Ống fix khẩu độ lớn:
Các ống kính tiêu cự cố định xuất hiện ở rất nhiều khẩu độ khác nhau nhưng chúng đều có thể mở khẩu lớn so với các ống zoom. Ngoài ra, ống fix còn rất nhỏ và nhẹ, khá là rẻ so với ống zoom bao trùm dải tiêu cự đó. Ống fix có thể đi từ những ống rẻ như 50 F1.8 cho đến mắc tiền 85F1.4....
Ống kính Pancake:
Người ta gọi các ống kính này là pancake vì nó khá giống bánh pancake! Các ống kính pancake là những ống mỏng được thiết kế ra với mục đích làm cho máy ảnh nhỏ gọn nhất có thể. Thông thường các ống pancake được tạo ra cho máy ảnh không gương nhưng có 1 vài ống được dùng cho DSLR nữa, chủ yếu là từ Pentax.
Lời cuối:
Bên cạnh máy ảnh thì ống kính cũng là 1 nhân tố cực kỳ quan trọng để cho ra những bức hình đẹp. Nếu như bạn chỉ dùng máy ảnh vài năm rồi thay máy khác thì ống kính có thể theo bạn cả chục năm. Do vậy, hãy cố gắng bổ thêm 1 ít tiền để có được chất lượng thấu kính và phần cứng tốt hơn. Ống kính cũng rất ít bị mất giá, bạn hãy yên tâm nhé.