Nhiệm vụ nguy hiểm ít người biết của tiếp viên hàng không

Admin   Admin
Ngày đăng: 05/07/2018
0 bình luận

Nếu máy bay bị không tặc, tiếp viên hàng không chính là người đàm phán trực tiếp, thậm chí lấy thân mình làm lá chắn bảo vệ an toàn cho hành khách.

Chuyến bay số hiệu 1549, hãng US Airways, đáp khẩn cấp trên sông Hudson.
 

Đằng sau nụ cười tươi phục vụ hành khách trên các chuyến bay, tiếp viên hàng không có thể đảm đương những nhiệm vụ khó khăn mà ít người biết nếu sự cố xảy ra trên không. Tạp chí Forbes điểm lại những công việc nguy hiểm của nữ tiếp viên trên các chuyến bay.

Khi máy bay hạ cánh xuống sông Hudson năm 2009

Dư luận ca ngợi cơ trưởng Chesley Sullenberger điều khiển chuyến bay số hiệu 1549, hãng US Airways, như vị anh hùng khi ông cho hạ cánh ngoạn mục xuống sông Hudson vào ngày 15/1/2009. Sự cố không để lại thương vong.

Góp phần vào thành tích này là nỗ lực lớn của những tiếp viên hàng không giúp hành khách rời máy bay an toàn. Tiếp viên Doreen Welsh ngụp lặn trong làn nước để sơ tán hành khách. Cô nhanh trí đề nghị mọi người nhảy qua các hàng ghế để thoát thân. Doreen thậm chí không biết mình bị thương ở chân cho đến khi rời khỏi máy bay. 

Sau này, chủ tịch US Airways, ông Douglas Parker, khen ngợi họ rằng: "Những người thể hiện trách nhiệm lớn lao nhất để bảo đảm an toàn cho hành khách chính là 3 tiếp viên trên máy bay".

Tai nạn máy bay hãng Asiana tại Mỹ

Khi chiếc Boeing 777 của hãng Asiana va chạm tại San Francisco vào tháng 7/2013 là lúc những tiếp viên hàng không chứng tỏ lòng dũng cảm và tận tụy phi thường.

 
Hiện trường tai nạn máy bay của hãng Asiana tại San Francisco năm 2013.

Các tiếp viên chạy tới lui trên máy bay đang bốc cháy, dùng dao cắt dây an toàn để giải phóng hành khách khỏi ghế ngồi. Tiếp viên trưởng Lee Yoon-hye dù bị gãy xương cụt nhưng vẫn cố giúp đỡ đồng nghiệp còn mắc kẹt trong máy bay vì đến nhầm lối thoát hiểm.

Động cơ máy bay bốc cháy

Năm 1968, động cơ của một máy bay thuộc hãng BOAC (tiền thân của British Airways ngày nay) bốc cháy ngay sau khi phi cơ rời sân bay Heathrow để đến Sydney. Máy bay buộc phải hạ cánh khẩn cấp.

Nữ tiếp viên Barbara Jane Harrison thiệt mạng trong lúc sơ tán hành khách
 

Tuy nhiên, tiếp viên Barbara Jane Harrison là một trong những người thiệt mạng sau vụ tai nạn. Nhân viên cứu hộ phát hiện thi thể Barbara ôm chặt một cụ bà khuyết tật mà cô đang cố sơ tán khỏi máy bay. Vì hành động dũng cảm này, Barbara được truy tặng huy chương George Cross, giải thưởng dân sự cao quý nhất của Anh.

Phóng hỏa trên máy bay

Một kỹ năng quan trọng của tiếp viên là phản ứng nhanh trước những tình huống bất thường. Chuyến bay 460 của hãng Etihad (Các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất) cất cánh từ Melbourne đến Abu Dhabi vào ngày 19/2/2014 xảy ra sự cố vì những kẻ phá hoại cố tình phóng hỏa tại 5 buồng vệ sinh trên phi cơ.

Cơ trưởng quyết định hạ cánh khẩn cấp tại Jakarta để điều tra sự việc. Khi cất cánh trở lại, các tiếp viên quyết định rời bỏ nhiệm vụ thường trực là phục vụ hành khách để đích thân canh gác tại 5 buồng vệ sinh, đồng thời giám sát động tĩnh xung quanh. Một số hành khách khen ngợi phi hành đoàn vì họ đã đặt sự an toàn lên hàng đầu.

Khi máy bay bị không tặc

Khoảng 10 phút sau khi chuyến bay 1737 của hãng Qantas Link rời phi trường ở Melbourne (Australia) vào ngày 29/5/2003, nam hành khách David Robinson rời chỗ ngồi, cầm theo hai thanh gỗ, một bình xịt và một bật lửa cố gắng xâm nhập buồng lái.

 
Tiếp viên Denise Hickson và Greg Khan bị thương khi khống chế một tên không tặc.
 

Trông thấy sự việc, tiếp viên Denise Hickson quyết định chặn đường không tặc. David rút ra một con dao và đâm Denise. Tiếp viên Greg Khan nhanh chóng chạy tới chống trả David, anh cũng hứng hai vết đâm. Sau đó, một số hành khách cùng tham gia khống chế kẻ âm mưu cướp máy bay.

Tiếp viên hàng không trở thành lá chắn sống

Cô Neerja Bhanot (người Ấn Độ) là tiếp viên trưởng trên chuyến bay số hiệu 73 của hãng Pan Am (Mỹ, đã ngưng hoạt động năm 1991). Vào ngày 5/9/1986, 4 phần tử vũ trang đã tổ chức đánh cướp máy bay khi nó hạ cánh tại sân bay Karachi, Pakistan. Bhanot nhanh chóng cảnh báo buồng lái về vụ không tặc. Các phi công đã rời bỏ máy bay khi nó đang chạy trên đường băng. Cô Bhanot trở thành người có trách nhiệm cao nhất còn lại trên máy bay.

Tiếp viên Neerja Bhanot qua đời vì bị bắn trúng khi dùng thân che chắn cho 3 hành khách nhỏ.
 

Những tên khủng bố ra lệnh cho Bhanot và các tiếp viên thu thập hộ chiếu của các hành khách, để bọn chúng xác định ai là công dân Mỹ. Các cô đã giấu hộ chiếu của 41 hành khách Mỹ để bảo vệ hành khách. Khi những tay súng châm ngòi khối thuốc nổ, Bhanot mở cửa thoát hiểm để sơ tán một số khách.

Bhanot lẽ ra là người có thể thoát thân đầu tiên sau khi cô mở cửa thoát hiểm, nhưng cô quyết định ở lại để sơ tán hành khách. Một tay súng đã bắn chết cô trong lúc cô che chở cho 3 đứa trẻ.

Vì sự gan dạ của mình, cô Bhanot trở thành người Ấn Độ trẻ nhất được truy tặng giải thưởng dân sự cao quý nhất của nước này, Ashok Chakra.

Đàm phán với khủng bố

Khi chuyến bay số hiệu 918 của hãng Canjet bị không tặc vào năm 2009, các tiếp viên Santizo Arriola và Nicole Foren trở thành anh hùng quốc gia. Cô Arriola đã khẩn nài những tên khủng bố hãy trả tự do cho 159 hành khách mà chỉ bắt phi hành đoàn và một nhân viên quốc phòng làm con tin. Arriola cũng thuyết phục bọn chúng từ bỏ ý định tấn công các con tin nam còn lại.

Khi lực lượng an ninh xông vào máy bay, một tên dí súng vào đầu nữ tiếp viên Foren để cảnh báo cảnh sát không lại gần. Tuy nhiên, cô Foren nhanh chóng chớp thời cơ và cướp khẩu súng từ tay kẻ không tặc. Sự gan dạ và nhanh trí của hai nữ tiếp viên đã cứu mạng sống của chính họ và toàn bộ hành khách. 

Tiếp viên Nicole Foren nhận huy chương vì hành động gan dạ.

Bác sĩ bất đắc dĩ

Các hãng hàng không sử dụng dịch vụ MedLink nhằm giúp phi hành đoàn kết nối với các bác sĩ trên mặt đất, và những thiết bị chẩn đoán từ xa như Tempus IC. Sử dụng thành thạo các thiết bị này là kỹ năng bắt buộc của tiếp viên hàng không.  

Cô Karen Cornelius là tiếp viên trưởng trên chuyến bay số hiệu A330, hãng hàng không BMI (Anh), cất cánh rời Chicago đến Manchester vào cuối tháng 5/2004. Trên chuyến bay, cô Karen phát hiện hành khách Stephen Clarke, 51 tuổi, có triệu chứng đau tim, nhưng trên khoang lại không có bác sĩ. Nhờ sự bình tĩnh và nhanh nhạy, cô Karen giúp ông Clarke không bị ngừng tuần hoàn (tình trạng tim ngừng đập) trên suốt chuyến bay, cho đến khi máy bay hạ cánh an toàn và đội y tế mặt đất nhanh chóng đưa ông đến bệnh viện để chăm sóc đặc biệt.

 

Theo Zing

Mời bạn xem thêm:

Sự thật sau vẻ hào nhoáng của các tiếp viên hàng không
Thực hư chuyện tiếp viên Trung Quốc chết khi dùng iPhone 5 đang sạc
Tiếp viên hàng không xinh đẹp tử vong vì iPhone 5

Viết bình luận
Email sẽ không công khai khi bạn đăng bình luận
zalo