Bạn có biết số vạch sóng trên điện thoại không đồng nghĩa với chất lượng cuộc gọi, laptop cũng không thể gây vô sinh và rằng các đột phá về công nghệ không đồng nghĩa với các bước tiến về chất lượng cuộc sống?
Công nghệ đã trở thành một phần vô cùng quan trọng trong cuộc sống con người. Một khi bất cứ ai cũng có thể tiếp cận với các sản phẩm được coi là đỉnh cao của khoa học, những suy nghĩ sai lầm cũng sẽ nhanh chóng xuất hiện. Hãy cùng điểm qua 15 quan niệm sai lầm nhưng lại... phổ biến của con người về smartphone, laptop và nhiều sản phẩm công nghệ khác.
Điện thoại càng nhiều vạch sóng thì chất lượng cuộc gọi càng tốt
Thực chất, số lượng vạch sóng chỉ thể hiện khoảng cách tính từ vị trí của bạn đến trạm truyền phát sóng di động gần nhất. Đây cũng là một yếu tố ảnh hưởng tới độ mạnh yếu của tín hiệu, song chất lượng cuộc gọi sẽ còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác, ví dụ như số lượng người đang cùng sử dụng mạng di động vào cùng một thời điểm.
Mac không thể bị nhiễm virus
Trojan Flashback với 600.000 nạn nhân là minh chứng rõ ràng nhất cho thấy quan niệm "Mac miễn nhiễm với mã độc" là hoàn toàn sai lầm. Tuy vậy, do Windows có lượng người dùng nói chung và lượng khách hàng doanh nghiệp nói riêng đông đảo hơn, hệ điều hành của Microsoft vẫn là đối tượng phổ biến nhất của các hacker và tội phạm mạng.
Dù sao, trong khi nguy cơ nhắm vào Mac OS là khá thấp, người dùng Mac cũng vẫn cần phải lưu ý rằng mã độc trên Mac cũng có thể gây thiệt hại không kém gì mã độc trên Windows.
Laptop có thể khiến nam giới bị vô sinh
Nhiều nghiên cứu đã từng kết luận rằng laptop và cả điện thoại di động hay sóng Wi-Fi là nguy cơ khiến cho nam giới có thể bị vô sinh. Tuy vậy, khoa học cơ bản cho thấy bản thân laptop không phải là vấn đề mà nhiệt lượng sinh ra từ laptop mới là mối đe dọa lớn nhất đối với sức khỏe sinh sản của các quý ông. Lý do tự nhiên thiết kế cho tinh hoàn nằm ngoài cơ thể con người là rất đơn giản: để "giữ mát" cho tinh hoàn.
Do đó, người dùng nam giới cần tránh đặt bất kỳ vật thể nào có nhiệt độ cao lên đùi trong một thời gian dài. Hiển nhiên, laptop là đối tượng rõ ràng nhất của lời khuyên này. Nếu bạn đặt laptop lên bàn học, bạn không có gì phải lo ngại cả.
Bố cục phím QWERTY giúp cho con người gõ phím nhanh nhất
Sự trường tồn của QWERTY là một trong những minh chứng cho thấy những phát minh khoa học nhất, mới mẻ nhất vẫn có thể chịu thua trước các công nghệ cũ. Khi bàn phím DVORAK, một loại bàn phím tập trung các nguyên âm và các phụ âm thường xuyên được sử dụng nhất vào khu vực trung tâm của bàn phím (nhằm giảm khoảng cách di chuyển của các ngón tay) được ra mắt, con người đã trở nên quá quen thuộc với bố cục phím QWERTY.
Tuy vậy, cũng phải chỉ ra rằng sự ra đời của QWERTY cũng đánh dấu một bước tiến về công nghệ: giải quyết vấn đề phím bị tắc trên các máy chữ vào cuối thế kỷ 19. Sau này, nhiều người thậm chí còn đặt ra giả thuyết rằng QWERTY được phát minh để giảm thiểu tốc độ gõ phím (nhờ đó giảm thiểu rủi ro 2 phím bị tắc khi được gõ cùng lúc) của người dùng thời kỳ đó, song thực tế các vấn đề về cấu tạo của máy chữ mới là nguyên nhân thúc đẩy sự ra đời của QWERTY.
Công nghệ càng hiện đại thì chất lượng càng cao
Có nhiều ví dụ cho thấy luận điểm này là sai lầm. Ví dụ, sự ra mắt của định dạng MP3 hay thành công của iPod giúp cho người dùng có thể tiếp cận và lưu trữ các bản nhạc ưa thích của mình một cách dễ dàng hơn. Tuy vậy, chất lượng của MP3 hay iPod vẫn bị coi là thấp hơn hẳn so với CD – lượng dữ liệu mất đi trong quá trình nén nhạc vẫn sẽ khiến chất lượng nhạc bị ảnh hưởng đáng kể.
Trước đó, người dùng hoài cổ cũng cho rằng đĩa than có âm thanh hay hơn hẳn CD. Lý do là bởi đĩa than cho tín hiệu analog, còn đĩa CD cần phải nhờ tới một bộ giải mã số để chuyển tín hiệu số thành tín hiệu analog. Chất lượng của các bộ giải mã kém cỏi của thời kỳ đầu tiên sau khi CD ra mắt đã giúp cho đĩa than tiếp tục trường tồn tới ngày nay.
Tương tự như vậy, chất lượng ảnh chụp của cảm biến CMOS thời kỳ đầu bị coi là kém cỏi hơn hẳn so với chất lượng cảm biến CCD trên máy ảnh số. Tuy vậy, các yếu tố quan trọng như điện năng tiêu thụ hay chu trình sản xuất dễ dàng đã giúp cho CMOS vượt mặt CCD. Trong trường hợp của đĩa than, người dùng đã nhanh chóng lựa chọn độ bền của đĩa CD để thay thế cho những chiếc đĩa than có âm thanh ấm áp, nhưng lại rất dễ hỏng nếu bị xước.
Henry Ford là người sáng tạo ra xe hơi và sáng tạo ra mô hình dây chuyền lắp ráp
Karl Benz (một trong những nhà sáng lập của Mercedes-Benz) mới là người đầu tiên phát minh ra xe hơi, còn Ransom Eli Olds (nhà sáng lập của 2 thương hiệu xe hơi yểu mệnh Oldsmobile và REO) mới là người đầu tiên sử dụng chu trình sản xuất dây chuyền lắp ráp trong ngành công nghệ xe hơi.
Tuy vậy, Ford là người có công rất lớn trong lịch sử ngành sản xuất xe hơi toàn cầu: ông đã áp dụng dây chuyền lắp ráp một cách thành công để giảm giá thành sản phẩm và đưa xe hơi vào sản xuất hàng loạt, giúp cho phương tiện này có thể vươn tới tầng lớp trung lưu của Hoa Kỳ.
Dữ liệu bị xóa khỏi thùng rác sẽ biến mất hoàn toàn
Đây là một suy nghĩ rất sai lầm. Dữ liệu rất ít khi biến mất hoàn toàn khỏi phương tiện lưu trữ (ổ cứng, USB…). Các chuyên gia dữ liệu có thể hồi phục lại dữ liệu mà bạn đã xóa "vĩnh viễn" từ ổ cứng một cách khá dễ dàng.
Chỉ nên sạc khi pin đã cạn
Với các công nghệ pin sạc xưa cũ, đây là một bí quyết tương đối đúng. Song, các loại pin sạc lithium thế hệ mới được sử dụng phổ biến trong nhiều năm gần đây đã được cải tiến để giúp người dùng có thể sạc pin một cách thoải mái mà không lo ảnh hưởng tới tuổi thọ pin. Thực tế, các bài hướng dẫn giúp tăng cường tuổi thọ pin thường đưa ra một lời khuyên rằng người dùng không nên để pin smartphone hay laptop chạm mức 0%.
Máy ảnh càng nhiều "chấm" thì ảnh chụp càng đẹp
Trong thời đại nhiếp ảnh lên ngôi, nhiều người vẫn mang suy nghĩ sai lầm này. Do chất lượng ảnh chụp tương đồng với lượng ánh sáng mà cảm biến thu được, chất lượng của camera thực tế sẽ được quyết định bởi kích cỡ cảm biến. Đó chính là lý do vì sao máy ảnh full-frame (loại máy có cảm biến lớn nhất trong số các dòng máy ảnh người dùng cuối) lại là loại máy ảnh đắt tiền nhất và có chất lượng ảnh chụp tuyệt vời nhất.
Đó cũng là lý do vì sao các máy ảnh có số "chấm" chênh lệch lại có chất lượng ảnh chụp tương đồng: kích cỡ của từng pixel cũng quan trọng không kém gì số lượng megapixel có trên máy ảnh.
Các tên tuổi thống trị sẽ luôn kiếm bạc tỷ tiền lợi nhuận
Chúng ta không nói về những người hùng thất thế như Sony, Nintendo hay BlackBerry. Thay vào đó, chúng ta đang nói về những công ty vẫn đang đứng trong top đầu như Amazon hay Twitter. Trong năm 2014, Amazon ghi nhận doanh thu lên tới 89 tỷ USD: công ty do tỷ phú Jeff Bezos sáng lập và lãnh đạo vẫn đang là tên tuổi áp đảo trong lĩnh vực thương mại điện tử. Tuy vậy, khoản lỗ lên tới 241 triệu USD trong năm vừa qua cũng đã đặt những câu hỏi rất lớn về tính khả thi của mảng bán lẻ điện tử.
Tương tự như vậy, tương lai của các dịch vụ phát (stream) nhạc có mất phí như Spotify và Pandora vẫn chưa thực sự vững chắc. Dù gây ảnh hưởng khá mạnh mẽ tới doanh thu của ngành công nghệ bán nhạc số truyền thống mà điển hình là iTunes của Apple, 2 ông lớn này vẫn tiếp tục gặp những khoản lỗ lớn: Pandora lỗ 40 triệu USD trong quý 2/2014, còn Spotify thì lỗ tới hơn 100 triệu USD trong năm 2013. Càng mở rộng hoạt động, càng tăng doanh thu, các dịch vụ này càng… gia tăng mức lỗ: Hàng chục triệu người dùng không thể bù lấp cho chi phí bản quyền khổng lồ mà Spotify phải gánh chịu.
Song, bất ngờ lớn nhất có lẽ là Twitter: cứ mỗi quý tài chính qua đi, Twitter lại tiếp tục gia tăng... mức lỗ, dù mạng xã hội này hiện vẫn chỉ xếp sau Facebook về mức độ phổ biến. Trong quý 3 năm ngoái, mạng xã hội này đã để mất tới 175 triệu USD. Khác với Facebook, có lẽ Twitter sẽ phải tiếp tục vật lộn với bài toán kiếm tiền từ người dùng trong thời gian rất dài.
Các công nghệ đột phá thường sẽ được đón nhận rất tích cực
Chỉ trong vòng 30 năm vừa qua, chúng ta đã được chứng kiến một loạt các cuộc cách mạng công nghệ góp phần thay đổi hoàn toàn cuộc sống của con người, ví dụ như cuộc cách mạng PC hay cuộc cách mạng smartphone. Các sản phẩm mới thường đem đến cho các công ty tiên phong những khoản lợi nhuận khổng lồ, điển hình nhất là Apple nhờ đón đầu được trào lưu smartphone dành cho người tiêu dùng phổ thông mà vươn lên trở thành ông lớn số 1 thế giới từ chỗ "sống dở, chết dở" chỉ hơn 10 năm trước.
Ấy vậy mà đã có lúc các đột phá khoa học, công nghệ lại bị chính con người ruồng bỏ. Ví dụ được nhiều người biết đến nhất chính là phong trào đập phá máy móc vào đầu thế kỷ 19 do các công nhân lo sợ mất việc làm. Tiếp đó là… chiếc điện thoại, một công cụ liên lạc đột phá. Khi mới được phát minh, chiếc điện thoại bị người dân tại Mỹ và Anh vô cùng căm ghét – họ coi đây là một vật dụng gây ảnh hưởng trầm trọng tới cuộc sống gia đình riêng tư của họ.
TV LED tốt hơn TV LCD
Đây là một suy nghĩ vô cùng sai lầm nhưng lại vô cùng phổ biến, nhưng những người có hiểu biết căn bản đều hiểu rằng TV LED thực chất chỉ là một loại TV LCD. Thực tế, 2 cụm từ "LED" và "LCD" được dùng để chỉ 2 bộ phận hoàn toàn khác nhau của TV, trong đó LCD được dùng để chỉ tấm màn tinh thể lỏng, còn LED là phần đèn nền chiếu sáng cho màn hình TV.
Đâu là lý do tạo ra quan niệm sai lầm này? Có lẽ là bởi cụm từ "TV LCD chiếu sáng bằng đèn LED" là quá dài, khiến cho mọi người phải rút ngắn lại thành "TV LED". Trong phép so sánh "LCD và LED" xưa cũ, "TV LCD" là cụm từ chỉ các dòng LCD loại cũ sử dụng công nghệ chiếu sáng CCFL, một công nghệ có độ tương phản và độ sâu của màu kém hơn hẳn LED. Quan niệm "TV LED đẹp hơn TV LCD" có lẽ đã bắt đầu từ đây.
Bạn không còn cần phải quá lo lắng về phép so sánh này nữa. Trong những năm gần đây, gần như hầu hết các mẫu TV và màn hình máy tính mới đều sử dụng công nghệ LED.
Phó tổng thống Al Gore phát minh ra Internet?
Cựu phó tổng thống Mỹ Al Gore thường bị các đối thủ chính trị chỉ trích nặng nề vì tự nhận đã "phát minh" ra Internet, song thực tế là ông Al Gore không phải là người phát minh ra mạng máy tính toàn cầu, và cũng chưa một lần dám "nổ" như vậy.
Điều đó không có nghĩa là Al Gore không góp công lớn vào sự ra đời của Internet. Ông Gore đã góp phần lớn giúp Nghị viện Mỹ thông qua các dự luật quan trọng để "mở" Internet tới tay toàn bộ công chúng, ví dụ như Dự luật về Điện toán Tốc độ cao và Truyền thông, vốn còn được gọi là "Dự luật Gore". Vị phó tổng thống này đã tự nhận mình "đóng vai trò tiên phong trong việc tạo ra Internet", và sự thật là như vậy.
Thomas Edison là người phát minh ra bóng đèn
Có rất nhiều người đã phát minh ra bóng đèn trước cả Edison. Nhà sáng chế lừng danh này là người đã tạo ra một loại bóng đèn điện có thể được sản xuất hàng loạt vào năm 1897. Song, trước đó gần một thế kỷ, vào năm 1800, Alessandro Volta (nhà sáng chế đã tạo ra pin) đã có thể tạo ra các loại dây điện phát sáng, trong khi chỉ 2 năm sau, một nhà sáng chế người Anh có tên Humphry Davy đã tạo ra được một mẫu "đèn điện cong".
Theo Vnreview
Mời bạn xem thêm: