Thế giới độ xe không đơn thuần chỉ kỹ thuật mà còn nhiều thú chơi kỳ quặc, được nâng lên thành “văn hóa” xe.
Lăn bánh trên những đường phố Nam Florida từ cách đây hơn 1 thập kỷ, sau đó lan rộng ở Mỹ cùng nhiều quốc gia khác, Donk là thuật ngữ chỉ những chiếc xe ôtô sedan “lỗi mốt” như Chevrolet Impalas, Caprice nhưng được khoác lên mình lớp sơn màu mè và những thiết bị âm thanh đắt đỏ.
Đặc biệt, thu hút sự chú ý ngay từ cái nhìn đầu tiên là những bánh xe cỡ lớn giúp chúng có thể đạt đến chiều cao của những chiếc xe SUV.
Trào lưu Donk là một trong những cách để thể hiện sự giàu có. Không được đánh giá cao về sự an toàn, hiệu suất nhưng những chiếc xe độ theo phong cách này lại có một sức hút đối với fan hâm mộ xe hơi.
Chi phí để theo đuổi thú chơi này phụ thuộc rất nhiều vào kích thước và thương hiệu của bộ vành xe, cũng như mức độ sửa đổi của những chi tiết như khung và hệ thống treo. Ở hầu hết những chiếc xe được “trình diễn” trước công chúng, bộ vành còn có thể đắt hơn bản thân chiếc xe.
Raggare
Raggare là một tiểu văn hóa được tìm thấy chủ yếu ở Thụy Điển và một số phần ở Na Uy, Phần Lan, Đan Mạch, Đức, Áo và Nga.
Trào lưu bắt nguồn từ những năm 1950 như một dịp để những thành viên đến từ các thị trấn nhỏ thể hiện tình yêu dành cho nhạc rock, những chiếc áo khoác da và một yếu tố không thể không nhắc đến: Xe hơi.
Với họ, ôtô không chỉ là phương tiện đi lại thông thường, chúng trở thành chỗ ngủ, thậm chí địa điểm cho những bữa tiệc tùng đình đám.
Xe hơi là một phần quan trọng của văn hóa Raggare, đặc biệt những “cỗ máy” được trang bị động cơ V8 và những chiếc xe cớ lớn có nguồn gốc từ Mỹ.
Theo thống kê, phổ biến nhất là xe Pontiac Bonneville với đặc điểm như cổ điển, giá rẻ, ghế sau cỡ lớn, phù hợp cho những ai thích “tụ tập”.
Nhờ Raggare mà Thụy Điển trở thành một trung tâm phục chế những chiếc xe Mỹ của những năm 1950. Mỗi năm có khoảng 4.000-5.000 xe cổ được nhập khẩu từ Mỹ vào Thụy Điển.
Tuy nhiên, khi mới rộ lên, đây cũng là trào lưu khiến không ít người cảm thấy lo ngại về tình trạng bạo lực, rượu chè, lái xe quá tốc độ cho phép…
Spinning
Spinning là một trong những “cơn sốt” tại Nam Phi, đem đến ý nghĩa mới cho cụm từ “đốt lốp” mà các fan hâm mộ xe hơi đã rất quen thuộc.
Ban đầu, tài xế sẽ thực hiện một số động tác cho chiếc xe drift theo vòng tròn trong một khoảng thời gian nhất định. Một khi đã đủ “sung”, người chơi leo ra khỏi xe trong khi động cơ vẫn quay và những chiếc lốp rít lên.
Khi thực hiện những màn biểu diễn đến cấp độ táo bạo, các spinner đã chấp nhận đánh cược mạng sống và thách thức tử thần.
Đây là môn thể thao xuất hiện vào những năm 90 như một nghi lễ của xã hội đen tại các thị trấn của Nam Phi. Theo đó, khi một thành viên trong băng nhóm xã hội đen bị giết, đồng bọn sẽ ăn cắp một chiếc xe, drift xung quanh đám tang và cuối cùng đốt cháy nó nhằm thể hiện sự tôn kính.
Trong vài năm trở lại đây, spinning đã trở thành một môn thể thao hợp pháp với công cụ biểu diễn là những chiếc xe đã được thay đổi đáng kể cho phù hợp.
Bosozoku
Ý tưởng đằng sau việc tạo ra một chiếc xe theo phong cách này là trang bị cho phương tiện một bộ khí động học đặc biệt.
Thêm vào đó là các ống xả cỡ lớn, kéo dài về phía sau rồi vút lên không trung, lớp sơn, gương và những mảnh decal “lòe loẹt” hay bất cứ thứ gì khiến chúng nổi bật giữa đám đông.
Họa tiết trang trí trên thân xe thường lấy cảm hứng từ những nhân vật anh hùng trong truyện tranh hoặc nghệ thuật Pop Art.
Tương tự spinning, bosozoku cũng bắt nguồn từ những băng nhóm xã hội đen và dùng chung tên gọi với một trào lưu tương tự nhưng “nhân vật chính” là những chiếc xe mô tô.
Đua xe Ford cùng… lợn
Đua xe là một trong những môn thể thao khiến không ít fan hâm mộ xe hơi “phát cuồng”. Tuy nhiên, chắc chắn ít ai có cơ hội tham dự hoặc chứng kiến một giải đua xe với sự xuất hiện của những…chú heo.
Bắt nguồn tại Oregon, Mỹ, giải đua đầu tiên đã ra mắt công chúng cách đây hơn 90 năm và ngày càng phổ biến trong khu vực.
Trào lưu bắt đầu khi hai người nông dân địa phương đuổi theo một con heo xổng chuồng trên chiếc xe Ford cũ kĩ. Cuộc “rượt đuổi” đem lại cho họ những giây phút thoải mái và vui vẻ nên cả hai đã quyết định tạo ra một giải đua.
Theo đó, các tay đua sẽ sử dụng những chiếc Ford Model T đã được lược bỏ những bộ phận không cần thiết. Người chơi phải lái xe quanh một vòng tròn và “tóm” được chú lợn và tiếp tục chạy.
Người chơi thực hiện 3 vòng liên tiếp và càng bắt được nhiều lợn mà không làm rơi chúng, đó sẽ là người giành chiến thắng.
Theo Zing
Mời bạn xem thêm:
Hãng độ xe Nga mừng sinh nhật bằng đồng hồ giá nửa tỉ đồng
Dàn xe khủng trong nhà cao thủ độ xe 8X Hà Nội
Độ xe - thú tiêu khiển có thể thành trò nguy hiểm