Rùng rợn trào lưu lột da như rắn để làm trắng

Admin   Admin
Ngày đăng: 05/07/2018
0 bình luận

Trào lưu lột da làm trắng đang rất "hot" với các chị em. Nhưng liệu nó có nguy hại?

Ở các đất nước Á Đông, quan điểm về làn da đẹp khác biệt nhiều so với nước phương Tây. Một nghịch lý là trong khi dân châu Âu, châu Mỹ ra sức tắm nắng để có được làn da mật ong, nâu ròn ấm áp thì dân châu Á lại ngụp lặn trong "bể" chứa đủ mọi loại kem dưỡng để sở hữu làn da Bạch Tuyết.

Dù với phương pháp nào thì việc cải tạo màu da không khoa học cũng đều có thể gây ra những hậu quả khó lường đối với sức khỏe của bạn.

Trong vài năm gần đây, thị trường các loại hình dịch vụ chăm sóc da và kinh doanh các sản phẩm dưỡng da ở Việt Nam xuất hiện ngày càng nhiều các loại kem dưỡng trắng có tác dụng thần tốc. Không chỉ thế, rất nhiều thẩm mỹ viện, spa đưa ra các hình thức làm trắng bằng cách... lột da.

Chỉ cần search cụm từ "lột da làm trắng" đã có tới 3 triệu kết quả trên công cụ tìm kiếm Google. Trên những trang mua bán, rao vặt, người ta có thể dễ dàng tìm thấy hàng trăm cơ sở tự xưng "thẩm mỹ viện" không rõ được cấp giấy phép hay chưa sẵn sàng lột da cho khách. Nhiều nơi tự tin tuyên bố với 3 không: "Không độc hại, không bắt nắng, không trắng da sẽ hoàn tiền".

Các nguyên liệu trong sản phẩm lột da luôn được các chủ cơ sở thẩm mỹ quảng cáo là được bào chế từ thiên nhiên, thảo mộc, thuốc bắc... có khả năng thẩm thấu và tẩy sáng da tức thì. 

Việc lột da làm trắng thường được thực hiện với chu trình như:

- Đầu tiên, nhân viên thẩm mỹ sẽ tẩy tế bào chết cho da bằng muối tắm, thường dùng loại muối abone (muối con bò) rẻ tiền.

- Sau đó họ sẽ đi găng tay hoặc dùng chổi quét to bản bôi trét một lớp thuốc lột thật dày lên khắp toàn thân.

-  Họ tiếp tục dùng nilon hoặc nhanh hơn là áo mưa trùm kín người khách hàng. Tiếp tục để nhưu thế trong vòng tối thiểu là ba tiếng. Theo một số nhân viên thẩm mỹ giải thích :"Nếu da quá lì thì có thể sẽ phải ủ tới 5 - 6 tiếng là chuyện thường".

- Sau khi hết thời gian ủ, thấy lớp da trên cùng hơi bong nhẹ hoặc phồng lên, nhân viên thẩm mỹ sẽ dùng khăn lau hết chỗ kem và đưa khách đi tắm. Tiếp đó, họ sẽ lần trên người khách tìm mối để lột và lột ra cả mảng lớn.

- Kết quả sau khi lột: Khách sẽ có được làn da trắng mịn, có thể hơi ửng đỏ nhưng các vết thâm nám sẽ bay mất như phép thần. 

Sau khi lột da, khách thường được yêu cầu dùng thêm kem của trung tâm thẩm mỹ. Giá cho một gói trị liệu da trắng gồm vài lần lột có thể lên tới cả chục triệu đồng.

Mặc dù giá không hề rẻ song điều kiện cơ sở vật chất của nhiều spa trông rất tồi tàn. Rất nhiều "spa" mở chui tại nhà riêng hoặc khách có thể thuê nhân viên thẩm mỹ đến tận nhà để làm. 

Làn da bong tróc sau khi ủ kem lột 

Nhiều hot girl "tự phong" trên mạng cũng mở ra các "spa" có dịch vụ lột da làm trắng. Hình ảnh trắng trẻo, xinh đẹp của họ khiến vô số chị em "mờ mắt" tìm tới lột da mà chẳng cần biết liệu có uy tín và an toàn không.

Điển hình như trường hợp Thúy K. từng gây ồn ào trên các diễn đàn với việc bán kem trắng da tự chế và lột da tại nhà kém chất lượng, khiến khách hàng bị hỏng da. 

Đáng ngại hơn, không khó để tìm thấy các công thức lột da và thậm chí là cả nơi bán thành phần hóa chất lột da trên mạng để chị em "thay da" ngay tại nhà. Điều đáng nói là các thành phần pha trộn có giá vô cùng rẻ, chỉ vài chục ngàn đồng. Để làm một hũ kem lột tính ra cũng chỉ khoảng trên dưới một trăm ngàn. Nếu mua buôn thì giá cả còn rẻ hơn nhiều. 

H.T.M (một người chuyên đổ buôn các sản phẩm để trộn kem trắng da, kem lột) tự tin khẳng định: "Mấy chỗ chuyên lột da tiền triệu đều lấy ở mấy mối như của tôi chứ ở đâu. Lột tiền triệu nhưng nguyên liệu vài trăm thì mới có lãi chứ."

Nhiều người sau khi sử dụng hình thức lột da cho biết, sau khi làm xong, da họ trắng lên rất nhanh nhưng dễ nổi mụn và nhanh bị bắt nắng. Không ít trường hợp bị hỏng da, nổi mụn cả tàng dày như cơm cháy. 

Minh Ngọc (nhân viên ngân hàng) - một người từng đi lột da và dùng kèm kem trắng da trôi nổi của thẩm mỹ viện, cho biết: "Mình từng dại dột đi lột trắng da. Chi phí rất đắt, 3 lần lột là 4,5 triệu đồng. Tính thêm tiền mua kem là 6 triệu đồng. Tuy nhiên da mình bị mẫn cảm, sau khi lột xong đỏ tấy như bị cháy nắng. Kèm theo đó là ngứa râm ran và mẩn mụn.

Mình phải tốn cả chục triệu đồng tiền "dại phí" để chữa trị ở bệnh viện da liễu. Mất một năm rưỡi, da mới chớm phục hồi."

Da hỏng do dùng kem trôi nổi​

Nhắc tới bi kịch lột da không thể quên cái chết tức tưởi của em Nguyễn Ngọc Bích, 15 tuổi ở Đồng Tháp. Cô gái trẻ này từng tử vong trong khi cuốn nilon quanh người để ủ kem lột trắng. 

Trao đổi về trào lưu lột da để làm trắng, tiến sĩ Vũ Mạnh Hùng - phó giám đốc bệnh viên Da liễu Hà Nội, cho biết: "Thực chất lột da là một phương pháp có được sử dụng trong thẩm mỹ. Trong đó, người ta sử dụng các hoạt chất bôi lên da, sau 15 - 20 phút, rửa sạch đi, hoạt chất sẽ mang theo các tế bào xấu trên da. Tuy nhiên phương pháp này rất phức tạp và đòi hỏi kỹ thuật cao. Vì vậy, không phải thẩm mỹ nào cũng có thẩm quyền thực hiện.

Thông thường phải chỉ định cho từng trường hợp và phải được bác sĩ thông qua. Tuy nhiên thực trạng ở Việt Nam là các thẩm mỹ viện không được cấp giấy phép và không có thẩm quyền vẫn làm. Điều này rất nguy hiểm, có thể gây nhiễm sắc tố sau viêm". 

Nguy hiểm hơn, cơ quan chức năng từng bắt được nhiều cơ sở pha chế kem lột có sử dụng thành phần chứa corticoid gây suy tuyến thượng thận, loãng xương, mỏng da, viêm nhiễm da và nhiều thành phần độc hại khác như thủy ngân, asen có thể gây ung thư. 

 

 

Theo Yan

Mời bạn xem thêm:

Rùng mình "tháp xương hàm" người sau phẫu thuật thẩm mỹ
Những món ăn 'thấy đã rùng mình' ở Việt Nam
Rùng mình bộ tộc ném trẻ sơ sinh cho cá sấu ăn

 

 

Viết bình luận
Email sẽ không công khai khi bạn đăng bình luận
zalo