Với quyết tâm thực hiện giấc mơ thời thơ ấu là lái một chiếc máy bay, một người đàn ông Ethiopia đã tự mày mò học cách chế tạo ra máy bay chủ yếu bằng việc đọc sách hàng không và xem hướng dẫn qua Youtube.
Học viện Hàng không Ethiopian Airlines đã từ chối cho Asmelash Zerefu theo học lớp dạy cách chế tạo một chiếc máy bay của riêng mình cách đây hơn chục năm. Đó là một thử thách vô cùng khó khăn, thế nhưng anh đã có thể làm được một điều không tưởng – tự tay chế tạo ra một chiếc máy bay "handmade" đầu tiên bắt đầu từ con số 0.
“Tôi gọi nó là K-570A. K là chữ cái đầu tiên của tên mẹ tôi, Kiros, và 570 tượng trưng cho số ngày mà tôi đã bỏ ra để hoàn thành chiếc máy bay này. Và A là Máy bay (Aircraft)", anh cho biết.
Những thông tin, hình ảnh về Zerefu trên phương tiện truyền thông đủ để chứng minh niềm đam mê mãnh liệt của anh đối với lĩnh vực hàng không – đầy ắp những bức ảnh về nỗ lực và thất bại của anh, lời tán dương dành cho những người anh hùng mà anh yêu mến, anh em nhà Wright, người mở đường cho ngành hàng không.
Mục tiêu duy nhất của anh kể từ khi còn nhỏ đó là trở thành một phi công, mặc dù có điểm tổng kết trung bình (GPA) cao thế nhưng anh vẫn trượt đại học và không đủ điều kiện theo học Học viện Hàng không Ethiopian Airlines khoảng 15 năm trước đây. Lý do khiến anh bị từ chối là bởi anh thấp hơn 1cm so với yêu cầu chiều cao tối thiểu.
Tuy nhiên, Zerefu đã kiên quyết không để thất bại này làm thay đổi mục tiêu cuối cùng của mình. "Đó là một bước ngoặt trong cuộc đời tôi. Đó là khi tôi quyết định chế tạo ra một chiếc máy bay để hoàn thành giấc mơ về một chuyến bay của đời mình. Khi ấy là năm 2001", anh nhớ lại.
Anh lao vào nghiên cứu các cuốn sách của FAA (Cục Hàng không Liên Bang), tìm kiếm thông tin trên mạng cho bản thiết kế máy bay, và tất nhiên, xem hàng trăm bài hướng dẫn trên Youtube. Sau đó, anh thu thập tất cả các tài liệu mà anh cần và dành hơn 1 năm để nghiên cứu chúng cho tới khi chiếc máy bay trong mơ của anh cuối cùng cũng đã sẵn sàng.
Trong quá trình thực hiện, Zerefu đã kết hợp thiết kế của Clark-Y Airfoil Wing cho kế hoạch độc đáo của mình. Anh cũng lùng sục khắp các garage, nhà xưởng và Merkato – khu chợ lớn nhất châu Phi – để tìm kiếm các nguyên vật liệu mới và đã qua sử dụng để chế tạo chiếc máy bay.
Đầu tiên, anh xây dựng phần thân máy bay bằng gỗ sau đó gắn nó vào khoảng cách giữa hai trục bánh xe của một chiếc xe máy Suzuki cũ. Những chiếc cánh cũng mất đến hàng tháng để hoàn thành và khi chúng đã sẵn sàng, anh gắn chúng vào phần thân.
Sau đó, Zerefu tập trung vào chế tạo động cơ. "Máy bay của tôi sử dụng động cơ Volkswagen Beetle cũ. Nó là động cơ kiểu xi lanh xếp nằm ngang 40 mã lực; 4 thì, 4 xi lanh và có thể chạy với vận tốc lên đến 3.000 rpm. Ở những công đoạn cuối cùng, anh thêm vào cánh quạt bằng gỗ tự làm trước khi cho chiếc máy bay "chiếc áo" sơn màu trắng.
Chiếc K-570A gồm 2 chỗ ngồi, là loại máy bay hạng nhẹ, được thiết kế để bay "chậm và thấp". Toàn bộ chi phí của dự án của Zerefu là 160.000 Ethiopian Birr (hơn 7.500 $). "Tôi đã gặp phải rất nhiều, rất nhiều thử thách để tạo nên chiếc máy bay. Mọi người xung quanh tôi xem tôi như một kẻ điên, và tôi đã phải trải qua rất nhiều lần thử nghiệm và sai sót mới có thể cho ra được sản phẩm cuối cùng. Các vấn đề tài chính cũng là một hạn chế khác. Thế nhưng bất chấp khó khăn và trở ngại, tôi đã tiến gần đến việc hoàn thành giấc mơ của mình", anh cho biết.
Mặc dù chiếc máy bay đã hoàn tất thế nhưng Zerefu vẫn chưa bay thành công. Anh đã thử lái chiếc máy bay vào tháng 6 năm nay, nhưng cánh quạt đã bị vỡ do ma sát và làm hỏng bộ phận thoát khói của máy bay. Anh đã buộc phải quay trở lại bàn vẽ để thay đổi một vài điểm, thế nhưng anh xác định phải lái được chiếc K-570A ít nhất một lần trước khi năm nay kết thúc .
“Tôi muốn bay cao được 10m so với mặt đất. Bằng cách này, tôi sẽ là người đầu tiên trong lịch sử hàng không châu Phi chế tạo thành công một chiếc máy bay có thể bay cao trên bầu trời. Tôi muốn xuất hiện trên phương tiện truyền thông quốc tế và quảng bá châu Phi trong lĩnh vực khoa học và công nghệ”, anh cho biết.
Tổng hợp
Mời bạn xem thêm:
Tự chế máy chiếu mini cho smartphone bằng kính lúp
Chiếc đèn pin tự chế 1000W sáng nhất trên thế giới
Xe 3 bánh tự chế độc đáo của thợ Bình Định