Người ta đặt tên cho văn hóa sử dụng điện thoại nắp gập của người Nhật là Garakei.
Điện thoại nắp gập rất thịnh hành ở Nhật Bản.
Nhật Bản từng là quốc gia dẫn đầu thế giới về phát triển điện thoại di động. Rất lâu trước khi iPhone ra mắt, những chiếc điện thoại Nhật đã có thể lướt web. Hãng viễn thông khổng lồ Nhật Bản NTT Docomo ra mắt dịch vụ lướt web di động có tên i-mode vào năm 1999.
Ở thời điểm người Nhật chơi game, lướt web, thậm chí xem truyền hình trên những chiếc di động nắp gập, người dùng tại Mỹ và các nước khác vẫn chủ yếu sử dụng điện thoại để gọi điện và nhắn tin trên những màn hình tí hon.
Công nghệ di động tiên tiến của người Nhật không bao giờ ra khỏi biên giới nước này, sau nhiều năm trôi qua. Người ta yêu mến đặt họ cái tên garakei – từ nối giữa "Galapagos" và "keitai" (keitai nghĩa là điện thoại trong tiếng Nhật). Cách gọi Galapagos là nhằm so sánh với cuộc sống biệt lập trên hòn đảo Galapagos. Giống với garakei ở Nhật Bản, các loại động thực vật trên đảo Galapagos độc đáo đến mức người ta không thể tìm thấy chúng ở bất cứ đâu trên thế giới.
Thậm chí, người ta còn mở rộng định nghĩa của từ này bằng cách nói về một "hội chứng Galaxypagos", ám chỉ những phát minh lạ lùng của người Nhật - thứ họ không phổ biến ra quốc tế.
Garakei cũng là một cách khác để nói về những chiếc điện thoại giá rẻ, không thời trang và lỗi thời – được một số nhóm người dùng tại Nhật sử dụng. Tuy nhiên, Garakei đang hồi sinh tại Nhật Bản.
Theo thống kê từ Asahi Shimbun, số lượng điện thoại phổ thông (garakei) bán ra tại Nhật năm 2014 tăng 5,8% so với năm 2013, đạt mức 10,58 triệu máy. Đây là năm đầu tiên sau 7 năm, doanh số điện thoại phổ thông ghi nhận tăng trưởng dương. Trong khi đó, doanh số smartphone tại nước này chỉ đạt 27,7 triệu máy, giảm 5,3% so với một năm trước.
Có vài lý giải cho sự gia tăng này, theo Forbes. Một trong số đó là do sự thay đổi về nhân khẩu học của Nhật Bản. Nước này nổi tiếng với tỷ lệ sinh thấp, kết hợp với tình trạng dân số già. Thông thường, người già không có xu hướng thích những chiếc điện thoại màn hình cảm ứng với hàng loạt ứng dụng, thay vào đó là những chiếc di động cơ bản để gọi điện, nhắn tin.
Một lý do đơn giản khác là di động phổ thông rẻ hơn nhiều so với smartphone. Ngoài ra, nó cũng bền hơn. Cuối cùng, điện thoại nắp gập có thời lượng pin ăn đứt smartphone. Họ muốn giữ những chiếc điện thoại của mình rời xa khỏi ổ cắm lâu hơn mức 1 ngày.
Những chiếc di động nắp gập tại đất nước mặt trời mọc được trang bị công nghệ tiên tiến như camera chất lượng cao, kết nối LTE.
Ngoài ra, điện thoại nắp gập tại Nhật Bản cũng khá khác biệt so với những gì người ta thường biết đến. Chúng vẫn được phát triển liên tục, mặc dù chậm hơn smartphone. Nhà mạng nhật liên tục ra mắt khoảng 1 đến 2 model mới mỗi năm với hàng loạt cải tiến.
Chẳng hạn, năm 2015 KKDI hợp tác với Sharp cho ra mắt chiếc Aquos K – điện thoại nắp gập cao cấp với kết nối LTE, chip lõi tứ và màn hình cảm ứng. Thiết bị này cũng có thể chạy ứng dụng. Aquos K ra mắt sau 9 tháng lên kế hoạch kỹ lưỡng và khảo sát người dùng.
"Thông thường, chúng tôi tập trung vào những ứng dụng họ đã sử dụng, bao gồm ứng dụng nhắn tin miễn phí, thời tiết, tin tức hoặc các game giải đố - nhưng nó không giống smartphone. Nếu họ muốn sử dụng một lượng ứng dụng lớn. Chúng tôi sẽ khuyên họ mua smartphone", người phát ngôn của nhà mạng KDDI chia sẻ với Engadget. "Nhiều khách hàng vẫn yêu mến chiếc di động nắp gập. Keitai gắn liền với văn hóa của người Nhật", vị đại diện này nhận xét.
Theo Vnreview
Mời bạn xem thêm:
“Văn hóa” đánh ghen: Từ thời tay chân đến hồi công nghệ
Xem 2.600 năm văn hóa di cư của loài người trong 5 phút
CÔNG VIÊN BỒN CẦU VÀ VĂN HÓA “!” CỦA NGƯỜI HÀN QUỐC