Vẻ đẹp dựng tóc gáy của các loài sinh vật dưới lòng đại dương

Admin   Admin
Ngày đăng: 05/07/2018
0 bình luận

Đi tìm cái đẹp hoàn hảo pha lẫn chút đáng sợ tạo nên từ những loài sinh vật kì dị dưới đáy biển khơi.

Con người dường như đã len lỏi, khám phá từng milimet những điều bí ẩn trên mặt đất nhưng có lẽ đại dương là nơi cuối cùng trên hành tinh chúng ta không thể tìm hiểu hết. 

Có tới hàng trăm hàng ngàn sinh vật chúng ta đã khám phá và bảo tồn đến ngày nay, tuy nhiên theo ước tính của các nhà khoa học vẫn còn hàng vạn loài sinh vật đang tồn tại dưới đáy sâu đại dương mà chúng ta chưa hề biết đến. 

Chúng ẩn nấp trong đại dương bao la rộng lớn không chỉ ở những ngọn núi cao mà còn sinh tồn quanh các ngọn núi lửa dưới nước. 

Dưới đây là một số hình ảnh sinh vật biển đẹp đến "mê hồn" khi con người khám phá độ sâu của đại dương.

 


 

Sứa thuyền hay sứa velella trưởng thành có màu xanh đậm cùng độ dài cơ thể không quá 7cm. Loài vật này có chiếc vây trong suốt giống như cánh buồm cứng nhỏ ở phía trên giúp chúng di chuyển trên mặt biển nhờ sức gió và dòng chảy của nước.

Sứa Velella là loài ăn thịt. Chúng thường sử dụng những xúc tu chứa chất độc để khiến con mồi tê liệt tại chỗ. Mặc dù những chất độc này có thể làm hại đến con mồi nhưng hầu như không ảnh hưởng đến con người bởi chúng không thể đi qua da. 

 

 

Uớc tính có hơn 3.000 loài hải sâm khác nhau hiện đang sống dưới đại dương.

Hải sâm là loại động vật thân mềm, có màu sắc đặc biệt và hình dáng nổi bật. Thức ăn của chúng là những sinh vật độc hại như san hô và cỏ chân ngỗng. 

Nhờ vậy, hải sâm có khả năng chuyển hóa những chất độc này để trở thành vũ khí độc cho riêng mình chống lại kẻ thù. 

 

Ốc lưỡi sống phổ biến ở khắp các rạn san hô thuộc vùng biển Caribe, Đại Tây Dương và vịnh Mexico. Thức ăn của chúng là các loại san hô sừng. Ốc lưỡi có khả năng hấp thụ độc tố, vì vậy bản thân chúng tự nhiên trở thành chất độc. 

 

 

Mực thủy tinh là một trong những sinh vật lạ bậc nhất cư trú dưới đáy đại dương với cơ thể trong suốt, đôi mắt to và có khả năng tự phát sáng đặc biệt. 

Chúng có chiều dài lớp vỏ từ 10cm - 3m, thường được tìm thấy trên mặt nước và những nơi có độ sâu trung bình trên khắp các đại dương. 

 

 

Giun cây Giáng sinh phân bố rộng rãi khắp các đại dương nhiệt đới trên thế giới, từ vùng biển Caribe đến Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương. Tên gọi của loài này xuất phát từ cấu trúc xoắn phân thành nhiều lớp rất giống cây thông Noel.

Chúng thường được tìm thấy ở các rạn san hô lớn. Sinh vật này có cơ thể hình ống, xung quanh bao phủ nhiều lông, các chi rất nhỏ giúp chúng có thể di chuyển và bắt sinh vật phù du ăn. Đồng thời, những chi ấy cũng chính là cơ quan hô hấp của chúng.

 

 

 

Giun ống khổng lồ có chiều dài lên tới 2,4m với đường kính cơ thể 4cm. Chúng được phát hiện ở độ sâu hơn 1.500m tại những địa điểm khắc nghiệt nhất của đại dương: gần miệng núi lửa, hay những lỗ phun khí thải độc hại.

 

 

"Ống ma" là một tổ hợp của hàng ngàn loài sinh vật tí hon có tên gọi là Tunicate. Tất cả thức ăn chúng ăn được sẽ cùng di chuyển với cơ thể tạo thành một khối thống nhất. 

Tổ hợp này có chiều dài lên tới 4,5m và có khả năng phát sáng nhờ những phản ứng hóa học trong cơ thể.

 

 

Cá mập yêu tinh rất hiếm khi được tìm thấy bởi chúng ở vùng biển sâu, rất sâu nơi mà ánh nắng Mặt trời khó có thể chạm tới (độ sâu khoảng 200m). Chúng được biết đến nhiều nhất là ở vùng biển quanh Nhật Bản.

Tuy có bề ngoài màu hồng có phần "đáng yêu" nhưng cá mập yêu tinh lại mang những đặc tính sát thủ giống như họ hàng của mình: đó là bộ hàm sắc nhọn, có khả năng co duỗi ra ngoài để đớp con mồi.

 

 

Basket Star là sinh vật có họ hàng xa với sao biển với chiều dài cơ thể khoảng 70cm và đường kính 14cm. Chúng sống trong môi trường biển sâu với tuổi thọ lên đến 35 năm. 

Điểm đặc biệt ở loài này đó là hệ thống các chân phân nhánh của chúng phát triển như dây leo, có tác dụng bắt giữ và quấn chặt lấy con mồi.

 

 

"Hải long lá" là loài cá ngựa sống ở vùng biển Tây và Nam Australia. Chúng sở hữu khả năng ngụy trang tinh vi nhất trong tất cả các loài sinh vật đại dương. Sự tinh tế của chúng cùng với hình dạng giống chiếc lá giúp chúng dễ dàng ẩn mình trong đám rong biển. 

Loài này có thể đứng yên một chỗ lâu đến 68 giờ liền và sẵn sàng di chuyển với tốc độ tối đa 150m/h trong một khoảng thời gian khá dài khi cần thiết.

 

 

Cá rắn Viper được biết đến là một trong những sinh vật hung tợn nhất đại dương. Những chiếc răng nhọn hoắt như kim thậm chí to đến mức chúng không thể ngậm hết miệng giúp cá rắn Viper sở hữu cú đớp vô cùng khủng khiếp. 

Chiến thuật săn mồi của loài này được đánh giá rất cao. Vào ban đêm, chúng chuyển cả cơ thể sang màu đen và bắt đầu phát quang một số bộ phận trên cơ thể để nhử con mồi, sau đó tung ra cú đòn chết người kết liễu đối thủ.

 

 

Cá ếch là loài cá nhỏ, ngắn và có khả năng thay đổi màu sắc theo điều kiện môi trường như tắc kè hoa trên mặt đất. 

Chúng được biết đến như những bậc thầy về ngụy trang với mục đích bảo vệ bản thân khỏi kẻ thù đồng thời thu hút các con mồi. 

 

 

Cá mập mang xếp có vẻ ngoài vô cùng dữ tợn trông như một con quái vật biển. Đây là loài cá sống chủ yếu ở vùng biển sâu (trên 1.500m), phân bố không liên tục trên cả Đại Tây Dương và Thái Bình Dương. 

Sở hữu đặc điểm của loài cá mập nguyên thủy, chúng được coi là hóa thạch sống dưới đáy biển từ thời kỳ khủng long với chiều dài lên tới 2m, cơ thể màu nâu sẫm giống con lươn nhưng có sáu cặp khe mang. 

Đặc biệt, chúng có hàm răng nhỏ nhưng cực nhọn, xếp thành 25 hàng chéo song song với nhau.

 

 

Dưa chuột biển có màu sắc, hình dạng vô cùng phong phú và đa dạng. Đây là loài động vật thân mềm, có thể được tìm thấy ở khắp nơi, từ các rạn san hô cạn đến đáy biển sâu, từ vùng nhiệt đới ấm áp đến các vùng biển băng giá của Nam Cực. 

Chúng đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc vệ sinh đáy biển bằng cách ăn xác chết của động vật ở đó. Độc đáo hơn nữa, màu sắc rực rỡ của dưa chuột biển được tạo nên từ những gì chúng ăn. Con mồi càng rực rỡ bao nhiêu thì dưa chuột biển càng đẹp đẽ bấy nhiêu.

 

Noctiluca scintillan là một loài tảo giáp sống ở biển với khả năng phát quang xanh ở dưới nước. Ban đêm, tập hợp những cá thể tảo này có thể làm bừng sáng cả một góc đại dương. 

Tuy nhiên, đằng sau vẻ đẹp ấy, Noctiluca scintillan lại rất có hại. Chúng có khả năng tích tụ amoniac với hàm lượng cao rồi giải phóng vào môi trường nước, nên khi ở mật độ cao chúng có thể gây tình trạng cạn kiệt oxy trong vực nước, từ đó giết chết rất nhiều thủy sản.

 

 

Gymnosomata là một loại động vật thân mềm, do đặc điểm có đôi cánh trên thân nên chúng được đặt cho một cái tên khá là mỹ miều: Thiên thần biển. Chúng bơi tự do khắp các đại dương và thức ăn của chúng là các động vật thân mềm khác. 

 

Theo Kênh14

 

Mời bạn xem thêm:

Vẻ đẹp kỳ ảo của động vật phát quang trong đại dương

Khám phá kho xe cổ tồn tại 70 năm dưới lòng đại dương

7 sinh vật đại dương kỳ dị đáng sợ nhất

 

Viết bình luận
Email sẽ không công khai khi bạn đăng bình luận
zalo