4 loại tàu ngầm thành công nhất mọi thời đại

Admin   Admin
Ngày đăng: 05/07/2018
0 bình luận

Sự ra đời của tàu ngầm làm thay đổi bản chất của chiến tranh trên biển, khiến những cuộc đối đầu trở nên khốc liệt và đẫm máu hơn.
 

Tờ National Interest của Mỹ dựa vào 3 yếu tố bao gồm vai trò của các loại tàu ngầm trong sách lược mỗi quốc gia, khả năng của chúng so với các tàu cùng loại và những điểm đột phá trong thiết kế để chọn ra những tàu ngầm tốt nhất mọi thời đại.

Tàu ngầm SM U-31 của Đức

11 chiếc tàu ngầm SM U-31 của Đức được chế tạo giữa năm 1912 và 1915. Dù chúng không phải là thiết kế đột phá nhưng nó sở hữu những công nghệ hiện đại nhất của quân đội Đức trong thời gian này. Nó sở hữu súng trên boong để phá hủy các loại tàu nhỏ, tốc độ nhanh. Ngoài ra, tàu còn được trang bị 4 ống phóng ngư lôi cỡ nòng 500 mm để phá hủy tàu lớn.

Tàu ngầm thuộc lớp SM U-31 của Đức và thủy thủ đoàn.

Tàu ngầm SM U-31 có chiều dài 64,7 m, rộng 6,32 m và cao 7,68 m. Nó sở hữu động cơ diesel và động cơ điện, cho phép tàu di chuyển với vận tốc 16,4 hải lý khi nổi và 9,7 hải lý khi chìm. Phạm vi hoạt động của tàu đạt 8.790 dặm khi di chuyển với vận tốc 8 hải lý lúc nổi và 80 dặm khi chuyển với vận tốc 5 hải lý lúc lặn. Tàu chỉ có thể lặn sâu tối đa 50 m.

Các tàu ngầm lớp SM U-31 nằm trong 329 tàu ngầm Đế quốc Đức tham gia Thế chiến 1. Sau những trận chiến trên biển với Hải quân Anh và đồng minh, chỉ 3 tàu ngầm lớp SM U-31 của Đức không bị đánh chìm. Sau khi Đế quốc Đức thất bại, thủy thủ đoàn đưa chúng đầu hàng quân đồng minh.

 

Tàu ngầm lớp Balao của Mỹ

Đây là lớp tàu thành công nhất của Hải quân Mỹ trong Thế chiến II với tổng cộng 122 chiếc được chế tạo. Tại thời điểm ra mắt, chúng là tàu ngầm lớn nhất của Mỹ, được phát triển từ các tàu ngầm lớp GATO. Những cải tiến đáng kể về vật liệu và kết cấu thân giúp chúng lặn sâu tới 187 m. Trong tác chiến, tàu tiếp tục xuống sâu hơn nữa trong những lần chạy trốn tàu khu trục của kẻ thù.

Tàu ngầm USS Pampanito (SS-383) lớp Balao của Mỹ tại Hawaii.

Trong Thế chiến II, Balao ra đời nhằm chặn tuyến đường cung cấp tài nguyên cho phát xít Nhật từ các nước thuộc địa. Do nước Nhật không có nhiều tài nguyên nên các nhà máy chế tạo vũ khí của Tokyo phải dựa chủ yếu vào nguồn tài nguyên từ các nước bị chiếm đóng. Chặn con đường vận chuyển tài nguyên là điểm mấu chốt để quân đồng minh đánh bại Nhật.

Trên thực tế, sức mạnh của Balao không tới từ thiết kế và động cơ mà do cách Hải quân Mỹ sử dụng nó. So với các loại tàu ngầm cùng thời của Đức, Balao hoạt động ở vùng biển ấm, nhiệt độ nước tương đối ổn định. Trong khi đó, khả năng chống ngầm của Hải quân Nhật Bản không mạnh khiến tàu ngầm lớp Balao thỏa sức tung hoành. Trong Thế chiến II, Mỹ chỉ mất 11 tàu ngầm loại này. Số còn lại tiếp tục được Mỹ và các nước đồng minh của Mỹ sử dụng.

 

Tàu ngầm lớp Type XXI của Phát xít Đức

Type XXI là tàu ngầm đầu tiên của Đức ra đời nhằm hoạt động hoàn toàn dưới nước thay vì chủ yếu hoạt động trên mặt biển so với các mẫu tàu ngầm trong Thế chiến I. Đức không gắn ụ súng trên thân cho Type XXI để đổi lấy khả năng di chuyển nhanh, khó bị tàu địch phát hiện. Type XXI được xem là thiết kế tối ưu của thế hệ tàu ngầm hiện đại.

Tàu ngầm lớp Type XXI.

Tuy nhiên, Type XXI xuất hiện quá muộn khiến nó không thể thay đổi cục diện chiến tranh. Ra đời năm 1944, khi phát xít Đức chuẩn bị thất bại nhưng Type XXI vẫn khiến kẻ thù khiếp sợ. Các tàu ngầm thời kỳ này được thiết kế để chiến đấu dưới nước nhưng chúng gần như không thể chống lại tàu ngầm có khả năng di chuyển với vận tốc 20 hải lý khi lặn như Type XXI.

Trên thực tế, tàu ngầm loại này của Đức có thể tàng hình để tránh bị phát hiện khi áp sát tàu địch. Sau khi bắn ngư lôi, nó sử dụng tốc độ để tẩu thoát. Đức chế tạo tổng cộng 118 tàu ngầm loại này nhưng chỉ 4 chiếc có khả năng chiến đấu. Tất cả các nước đồng minh đều chiếm tàu lớp Type XXI của Đức để phát triển tàu ngầm của riêng mình và nghiên cứu công nghệ chống ngầm.

 

Tàu ngầm hạt nhân George Washington

Lớp tàu ngầm mang tên Tổng thống đầu tiên của Mỹ ra đời nhằm mục đích răn đe hạt nhân chiến lược tầm xa với các loại tên lửa có khả năng trang bị đầu đạn hạt nhân. 5 chiếc tàu ngầm đảm trách vai trò là một phần trong bộ 3 hạt nhân chiến lược của Mỹ trong suốt quá trình phục vụ Hải quân từ năm 1959 đến năm 1985.

Hạ thủy tàu ngầm USS George Washington (SSBN-598) thuộc lớp tàu ngầm cùng tên của Hải quân Mỹ.
 

Các tàu lớp George Washington được trang bị 16 tên lửa đạn đạo liên lục địa Polaris. Chúng có khả năng tấn công các mục tiêu nằm trong phạm vi 1.600 km với các đầu đạn hạt nhân sức công phá 600 Kt. Các tàu ngầm sau được trang bị tên lửa Polaris A3 với tầm bắn 3.500 km cùng 3 đầu đạn hạt nhân. Tuy di chuyển chậm nhưng các tàu lớp George Washington tạo ra ít tiếng ồn, giúp chúng dễ dàng náu mình dưới nước.

Cùng thời các tàu lớp George Washington của Mỹ, các tàu ngầm của Liên Xô chỉ có khả năng trang bị 3 tên lửa đạn đạo liên lục địa. Tàu của Liên Xô phải nổi lên mặt nước khi phóng tên lửa, khiến giá trị răn đe hạt nhân của chúng suy giảm. Sau nhiều thập niên, Pháp và Trung Quốc mới sở hữu loại tàu tương tự George Washington.

 

Theo Zing

Mời bạn xem thêm:

Tàu ngầm Yết Kiêu sẽ sản xuất và lắp đặt tại Malaysia
10 tàu ngầm sang trọng đắt nhất thế giới
Khám phá công nghệ tàng hình AIP trên tàu ngầm

Viết bình luận
Email sẽ không công khai khi bạn đăng bình luận
zalo