Góc khuất dưới những tòa nhà chọc trời ở Dubai

Admin   Admin
Ngày đăng: 05/07/2018
0 bình luận

Trái ngược với vẻ hào phóng và rực rỡ trong mắt khách phương tây, tỷ phú bản địa, Dubai dưới cái nhìn của những lao động nhập cư là công trường xây dựng khắc nghiệt nhất thế giới.
 

The đó hình ảnh của Sheikh Mohammed - người cai trị tuyệt đối của Dubai - thường hiển thị trên tất cả các tòa nhà lớn ở đất nước này, dày đặc hơn cả biển hiệu McDonald với khuôn miệng luôn mở rộng, tươi cười.

Đây là người đàn ông đã biến Dubai trở thành thành phố trong câu chuyện cổ tích Nghìn lẻ một đêm, một Shangri-La ở Trung Đông trên vùng sa mạc. Thậm chí, với những dự án đang theo đuổi, Sheikh Mohammed có thể coi là người tiên phong vươn tay tới trời cao, nhờ những công trình không tưởng của Dubai.

Thế nhưng có điều gì đó chập chờn trong nụ cười của Sheikh Mohammed. Những cái bóng của cần cẩu in hình trên đường chân trời, dường như bị mắc kẹt lại trong thời gian.

Vô số tòa nhà chưa được hoàn thiện, bị bỏ lại và biến Dubai thành đại công trường dang dở. Khách sạn Atlantis mãi chưa được khoác tấm áo đẹp như phối cảnh của nó, dù đã tiêu tốn tới 1.000 ngày công và 1,5 tỷ USD. Giờ đây, nó chỉ để nước mưa làm hoen gỉ, gạch vữa rữa mục.

Cư dân của Dubai được chia thành 3 nhóm người: dân bản địa, khách du lịch - người nước ngoài, và lao động chân tay nhập cư.

Trong mắt những người lao động, thành phố này không giống như những gì người ta tưởng tượng, tình cảnh nghèo đói khá phổ biến. Và khi cơn bùng nổ xây dựng địa ốc dừng lại, còn Dubai ngập trong nợ nần, họ càng nghèo đói hơn.


Những người lao động nhập cư chủ yếu làm việc tại các công trường xây dựng.
 

Khu vực tập trung nhiều người nghèo nhất tại Dubai là Sonapur - nghĩa trong tiếng Hindu là "thành phố vàng". Theo miêu tả của PV, đây thực chất là khu nhà kéo dài hàng dặm với những khối bê tông giống hệt nhau, chia thành hàng nghìn phòng với 6 giường nhưng thường chứa tới 8 hay 12 người, ngập trong mùi mồ hôi và nước thải.

Sahinal Monir, 24 tuổi, một lao động nhập cư đến Bangladesh, đã sống tại Sonapur trong nhiều năm. 4 năm trước, khi một đại lý tuyển mộ công nhân tìm tới ngôi làng của Sahinal ở miền Nam Bangladesh, họ nói với anh rằng, có thể kiếm được khoảng 400 bảng một tháng trong 9 năm làm việc trên công trường ở Dubai.


Nhóm công nhân chờ xe buýt để về khu vực sống tập trung, bỏ lại phía sau thành phố Dubai hoa lệ trong mắt khách du lịch.
 

"Họ nói với tôi về một Dubai thiên đường, nơi công nhân được cung cấp chỗ ở, thức ăn và đối xử tốt. Việc duy nhất chúng tôi phải làm là lo liệu số tiền 2.300 bảng để được cấp visa lao động với lời hứa khoản phí này sẽ được hoàn trả hết ngay trong 6 tháng đầu tiên". Thế là Sahinal bán đất của gia đình, vay một khoản tiền và mang theo ước mơ về cuộc sống tốt đẹp ở Dubai.

Thế nhưng, sau khi đến vùng Vịnh, hộ chiếu của anh bị công ty xây dựng thu lại. "Ông chủ cộc cằn nói với tôi rằng, giờ anh sẽ phải làm việc 14 tiếng một ngày ngoài trời dưới cái nóng 55 độ ở sa mạc (nhiệt độ mà chẳng khách du lịch nào chịu nổi quá 5 phút), với mức lương 90 bảng một tháng, chưa bằng một phần tư họ đã hứa. Họ nói nếu không thích làm thì cứ về nhà. Nhưng tôi làm sao có thể về, khi không hộ chiếu, không tiền mua vé máy bay. Thế là phải làm việc, suốt 4 năm".

Sahinal hoảng sợ ở nơi xứ người, trong khi gia đình anh - con trai, con gái, vợ và bố mẹ - đang chờ tiền anh gửi về từ Dubai. Thế nhưng, suốt 2 năm làm việc ròng rã, Sahinal chỉ để dành được đủ số tiền phải chi làm visa, ít hơn cả thu nhập mà anh có thể kiếm được tại Bangladesh.

Người thanh niên Bangladesh chỉ cho phóng viên của The Independent căn phòng anh đang sống: một khoang bê tông nhỏ với 3 chiếc giường tầng, nơi 12 người đàn ông chen chúc. Tất cả đồ đạc được xếp chồng lên giường, gồm ba chiếc áo dài, một đôi quần ống và một chiếc điện thoại di động. Không điều hòa, không quạt và "nóng không thể chịu nổi, không thể ngủ, chỉ có thể đổ mồ hôi và gãi cả đêm".


Sonapur - nơi tập trung phần lớn lao động nhập cư tại Dubai - được miêu tả là một khu vực bẩn thỉu thiếu điện, nước.
 

Mỗi ngày, Sahinal phụ trách vận chuyển hàng trăm kg gạch khối để phục vụ xây dựng tại tầng 67 của một tòa tháp chọc trời mới. Anh không biết tên của tòa nhà này, cũng như chưa từng thấy Dubai hoa lệ theo cách phương Tây vẫn thấy. "Mặt trời thiêu đốt trên da tôi, mất nước, mệt mỏi, nhưng không thể dừng lại, không được ngã quỵ. Bởi nếu ốm, tiền lương sẽ bị cắt, và những ngày tháng mắc kẹt tại nơi đây sẽ còn kéo dài hơn nữa. Tôi nhớ đất nước của tôi, gia đình của tôi".

Kể từ khi Dubai lâm vào cảnh nợ nần, hàng loạt công ty xây dựng phá sản và nhiều công trình bị đình thi công. Những người lao động nhập cư như Sahinal bị cắt điện, cắt nước, quỵt tiền công. Những ông chủ công ty biến mất cùng tiền lương và hộ chiếu của họ.

"Chúng tôi đã bị cướp tất cả mọi thứ. Ngay cả nếu bằng cách nào đó, chúng tôi trở lại được Bangladesh, những con cá mập cho vay sẽ yêu cầu chúng tôi hoàn trả món nợ ngay lập tức. Nếu không có tiền trả, chúng tôi sẽ phải vào tù", Sahinal tuyệt vọng nói.

 

Theo Yan

Mời bạn xem thêm:

"Người nhện" lau nhà chọc trời Dubai bằng cách nào?
Choáng với phong cách dùng vàng có 1-0-2 tại Dubai
Chiêm ngưỡng biệt thự "đẹp như mơ" trên biển dành cho giới siêu giàu tại Dubai

Viết bình luận
Email sẽ không công khai khi bạn đăng bình luận
zalo