Chuyện thưởng tiền kỳ lạ tại EVN với những khoản mục lên đến hàng tỷ đồng, trước khi Chính phủ có nghị định riêng về quy chế quản tài chính tập đoàn này.
Những kỹ sư, công nhân vất vả trực tiếp thi công đường dây 500kV Pleiku - Mỹ Phước - Cầu Bông đã thực nhận được bao nhiêu tiền thưởng?
Gần nhất có thể kể đến khoản thưởng đột xuất 2 tỷ đồng dành cho các tập thể, cá nhân đã có thành tích đóng góp đảm bảo tiến độ thi công đường dây 500kV Pleiku - Mỹ Phước - Cầu Bông.
“Nhận và phân bổ”
Khoản thưởng “khủng” này được nói là trích từ Quỹ khen thưởng của EVN. Theo đó, riêng Ban quản lý các công trình điện miền Trung (Ban AMT) được “nhận và phân bổ” 850 triệu đồng. Ngoài ra, Ban này được giao “nhận và phân bổ” thêm 300 triệu cho các tập thể, cá nhân thuộc các địa phương có đường dây đi qua “theo thành tích thực tế”.
Các nhà thầu hoàn thành tốt tiến độ và chất lượng công trình cũng được “thơm lây” dù không “bõ bèn” gì so với chủ đầu tư, theo đó mỗi đơn vị được thưởng khoảng 10-15 triệu đồng.
Trước đó, vào chiều 5/5, Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia (EVNNPT) đã đóng điện thành công và đưa vào vận hành an toàn đường dây 500kV Pleiku - Mỹ Phước - Cầu Bông, gần như kịp tiến độ so với yêu cầu của Thủ tướng (30/4).
Đường dây 500kV Pleiku - Mỹ Phước - Cầu Bông có chiều dài hơn 437,5km, gồm 926 vị trí, từ trạm biến áp (TBA) 500kV Pleiku đến TBA 500kV Cầu Bông, đi qua 5 tỉnh là Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Bình Phước, Bình Dương và TP.HCM. Đây là dự án trọng điểm với mục tiêu đảm bảo cung cấp điện cho nhu cầu tăng trưởng phụ tải khu vực miền Nam giai đoạn 2014-2015.
Với tổng mức đầu tư hơn 9.288,5 tỷ đồng, nguồn vốn vay xây dựng đường dây từ Ngân hàng Thế giới (WB) cho công tác tư vấn thiết kế; Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cho các gói thầu dây dẫn, dây chống sét, cáp quang và phụ kiện; Ngân hàng Tái thiết Đức (AFD) cho các gói thầu vật tư thiết bị trạm, cột thép, cách điện và phụ kiện; Ngân hàng Công Thương Việt Nam (Vietinbank) cho các gói thầu xây lắp; Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) cho công tác đền bù, di dân, tái định cư và vốn vay tín dụng thương mại do EVNNPT thu xếp.
Kỷ lục ký 18 quyết định thưởng tiền trong 1 ngày
Khoản thưởng tiền này có thể lập kỷ lục về con số, nhưng còn một kỷ lục khác không kém phần ngoạn mục cũng được xác lập tại EVN, là việc một Phó tổng giám đốc Tổng công ty EVNNPT ký tới 18 quyết định thưởng tiền chỉ trong một ngày. Tổng số tiền thưởng lên tới 1 tỷ 221 triệu đồng, được nói là trích từ “Quỹ khen thưởng tập trung” của tổng công ty.
Ngày “vàng” với “mưa” quyết định này là ngày 21/11/2012. Trong đó, riêng Ban AMT cũng được thưởng tới 2 lần. Tờ quyết định thứ nhất, “thưởng đột xuất công tác chỉ đạo, điều hành năm 2012” cho Ban này 40 triệu đồng. Tờ quyết định thứ hai, “thưởng thành tích hoàn thành tiến độ công trình năm 2012” cho Ban này 80 triệu đồng. Tổng tiền thưởng AMT được nhận là 120 triệu đồng.
Công ty Truyền tải điện 2 còn được thưởng tới 3 lần trong ngày. Trong đó, 2 lần dành cho tập thể, một lần dành riêng cho Ban Giám đốc công ty. Cụ thể, “thưởng vận hành an toàn và phòng chống lụt bão năm 2012” 90 triệu đồng; “thưởng thành tích hoàn thành tiến độ công trình năm 2012” 40 triệu đồng. Ban Giám đốc được 50 triệu đồng tiền “thưởng đột xuất công tác chỉ đạo, điều hành năm 2012”. Tổng cộng 3 khoản thưởng, cả lãnh đạo và cán bộ nhân viên công ty Truyền tải điện 2 được nhận 180 triệu đồng dịp này...
Ký thưởng như vậy, nhưng tổ chức họp báo sau đó đúng một tháng, cụ thể vào ngày 21/12/2012, Phó tổng giám đốc EVN vẫn nói: “Mặc dù năm nay kinh doanh có lãi, song Tập đoàn vẫn không có kế hoạch thưởng Tết cho cán bộ công nhân viên”.
Nhiều cán bộ lâu năm trong ngành điện cho rằng, mấy khoản thưởng kể trên có thể mới chỉ là“phần nổi của tảng băng chìm”. Nguồn tin phóng viên cũng cung cấp thêm nhiều khoản thưởng kỳ lạ khác, như khoản dành cho một số... ngân hàng vào dịp 2/9 năm ngoái.Chúng tôi sẽ xác minh và cập nhật tới độc giả.
Trước đây, quy định về quản lý tài chính đối với EVN được ban hành bởi một quyết định của Bộ trưởng Bộ Tài chính (Quyết định số 1876/QĐ-BTC ngày 5/8/2011). Những chuyện như kể trên, có thể là một trong những nguyên nhân để Chính phủ “nâng cấp” quản lý tập đoàn này bằng một văn bản pháp lý có hiệu lực cao hơn nhiều, đó là Nghị định 82/2014/NĐ-CP vừa được Thủ tướng ký ngày 25/8, bắt đầu có hiệu lực thi hành từ ngày 15/10/2014.
Lãnh đạo EVN chỉ được thưởng cao nhất 1,5 tháng lương
Theo Quy chế tài chính của EVN vừa được ban hành kèm Nghị định 82/2014/NĐ-CP ngày 25/8/2014, lợi nhuận của tập đoàn sau khi bù đắp lỗ năm trước, trích quỹ phát triển khoa học công nghệ, nộp thuế TNDN thì phần còn lại sẽ được chia lãi cho các thành viên góp vốn.
Sau khi trừ các khoản, số còn lại tiếp tục được phân phối với tỷ lệ 30% cho quỹ đầu tư phát triển và trích quỹ khen thưởng, phúc lợi, quỹ thưởng viên chức quản lý.
Nếu xếp loại A, EVN được trích tối đa 3 tháng lương cho quỹ khen thưởng, phúc lợi, nếu không được xếp loại thì không được trích quỹ.
Quỹ khen thưởng không được dùng để chi thưởng cho viên chức quản lý. Việc thưởng cho viên chức quản lý phải được lấy từ quỹ thưởng viên chức riêng. Theo đó, trường hợp các viên chức quản lý của EVN được xếp loại A thì được trích tối đa 1,5 tháng lương, loại B thưởng không quá một tháng lương. Nếu quản lý bị xếp loại C hoặc không được xếp loại thì không được thưởng.
Đặc biệt, EVN chỉ được chi các quỹ khen thưởng, phúc lợi, quỹ thưởng viên chức quản lý sau khi thanh toán đủ các khoản nợ và các nghĩa vụ tài sản khác đến hạn phải trả.
|
Theo Thế giới Doanh nhân
Mời bạn xem thêm
Sau tai nạn giao thông, chàng trai người Úc... thành người Trung Quốc
Những “ông trùm” công nghệ xuất thân từ Havard
Dân London hết hồn với xe hơi bay