Theo báo cáo của GFK về thị trường điện thoại di động tại Việt Nam 6 tháng đầu năm 2014, doanh số của smartphone có giá dưới 4.5 triệu đồng (bao gồm hai phân khúc dưới 2 triệu đồng và từ 2 - 4,5 triệu đồng) chiếm tổng cộng 72% doanh số, tương đương 45% doanh thu của thị trường smartphone.
Tuy nhiên, dù doanh số tăng nhưng theo báo cáo Entry-level smartphones của Buzzmetrics quý I/2014, điện thoại giá rẻ chủ yếu nhận được lời chê hơn là khen từ phía người tiêu dùng trên mạng xã hội
Báo cáo của BuzzMetrics thu thập dữ liệu từ người dùng trên các mạng xã hội như blogs, forums, Facebook, Twitter, Youtube,..
Thống kê cho thấy, có tới hơn 600.000 thông điệp trên mạng xã hội liên quan tới các thiết bị di động, cao gấp nhiều lần những chủ đề được quan tâm khác như Chăm sóc bản thân (196.000 thông điệp) hay đồ uống giải khát, ô tô,...
Mặc dù vậy, điện thoại giá rẻ ít nhận được sự quan tâm trong các cuộc thảo luận trên mạng xã hội. Mọi người thích thú với những dòng điện thoại cao cấp đắt tiền (premium) như iPhone hơn, với 47% bình luận quan tâm tới phân khúc này. Tiếp theo là các dòng điện thoại bậc trung (29%). Điện thoại giá rẻ chỉ chiếm 17% tổng số lượng thông điệp.
Điện thoại giá rẻ ít nhận được sự quan tâm, thảo luận của người tiêu dùng trên mạng xã hội
Không chỉ ít được nhắc tới, Smartphones giá rẻ còn nhận được nhiều lời đánh giá khắt khe. Phản ánh chung của cộng đồng đó là tiêu cực đối với dòng sản phẩm này.
Dù giá thấp, các bình luận cho rằng những chiếc điện thoại này vẫn không đáng giá so với hiệu năng mà nó cung cấp. Cấu hình thấp, hệ điều hành kém thân thiện, ít tùy chọn và pin yếu là những bình luận phổ biến nhất về những thiết bị giá rẻ.
Chẳng hạn Nokia, một trong những cái tên được quan tâm nhất ở phân khúc giá rẻ nhận được khá nhiều lời chê từ hệ điều hành Window Phone khó sử dụng và pin yếu. Trong khi đó, các sản phẩm giá rẻ của Samsung được đánh giá tốt hơn với hệ điều hành Android quen thuộc và camera khá tốt.
Xét về độ nổi tiếng của các thương hiệu, Nokia là tên tuổi lớn nhất ở phân khúc giá rẻ khi được nhắc tới nhiều nhất, tiếp theo là Samsung và Mobiistar - hãng điện thoại của Việt Nam. Hầu hết những thảo luận đến từ các Website của hãng bán lẻ. Chỉ có Nokia, Samsung và Asus là được thảo luận nhiều trên Facebook.
Đáng chú ý là sinh viên lại chỉ chiếm 1% về số lượng thảo luận. Tỉ lệ này khá thấp khi có tới 10% nhóm đối tượng sẽ mua điện thoại giá rẻ cho biết họ là sinh viên không có nhiều tiền. Sinh viên và những người già là đối tượng mục tiêu của phân khúc điện thoại này.
Đối với một chiếc smartphones giá rẻ bị hạn chế tính năng, camera là lợi thế cạnh tranh lớn. Trong số các tính năng được người dùng mong muốn ở smartphone thì camera được ưu tiên nhất, trên cả cấu hình hay thời lượng pin.
Camera chính là tính năng người dùng quan tâm nhất đối ở một chiếc smartphone giá rẻ
Theo Infonet
Mời bạn xem thêm: