Chàng tiến sĩ trẻ sáng tạo "mắt thần" cho người khiếm thị

Admin   Admin
Ngày đăng: 05/07/2018
0 bình luận

Với đôi mắt kiếng và bộ điều khiển nhỏ gọn, người mù có thể an tâm di chuyển trong nhà hay đi bộ trên đường mà không sợ bị va chạm và hoàn toàn có thể chủ động tránh né chướng ngại vật.

Ban đầu “mắt thần” có kích cỡ khá lớn, và bộ điều khiển đặt trong một chiếc ba lô rất to. Giờ đây, “mắt thần” đã nhỏ gọn đến mức người khiếm thị chỉ cần cất bộ điều khiển vào túi quần là có thể dễ dàng sử dụng. Đó là thành quả qua nhiều năm cải tiến của chàng tiến sĩ trẻ, nhiều hoài bão – Nguyễn Bá Hải.


Chàng tiến sĩ trẻ Nguyễn Bá Hải đã chung tay mang niềm hy vọng mới đến với những người mù lòa

Giới công nghệ cả nước và thành phố Hồ Chí Minh chắc không ai lạ gì cái tên Nguyễn Bá Hải– Giảng viên Trung tâm bồi dưỡng giáo viên và đào tạo nhân lực công nghệ cao, ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM. Đạt học vị tiến sĩ từ khi còn rất trẻ, kể từ đó đến nay, ngoài công việc nghiên cứu Bá Hải còn say mê với dự án “mắt thần” giá rẻ cho người khiếm thị nghèo. 

Chàng tiến sĩ 32 tuổi tâm sự: “Thời sinh viên, lúc còn đi học, mình thường cùng các bạn đến thăm các cô chú khiếm thị bên Hội người mù Thủ Đức. Sau nhiều thời gian gần gũi và tiếp xúc nhiều với người mù, mình biết rằng thật sự họ luôn rất cô đơn và sợ hãi, tệ hơn nữa là cảm giác họ không làm được việc gì. Kể từ đó, Hải luôn nung nấu ý định sáng tạo ra thứ gì đó để giúp cải thiện cuộc sống của những người khiếm thị”.


Mắt thần còn khá to và cồng kềnh khi chưa cải tiến

Để thực hiện ý tưởng của mình, trong những năm du học nước ngoài, Bá Hải đã tìm gặp được Giáo sư Jee Hwan Ryu – người đi đầu trong việc nghiên cứu công nghệ Hapties. Theo Nguyễn Bá Hải, Hapties còn được gọi là “the sense of touch”, tạm dịch: “cảm giác chạm, sờ”. Hải nói: “Công nghệ này vốn dĩ ứng dụng cho ô tô là chính, nhưng lúc đó mình đã nghĩ đến việc áp dụng Hapties cho các thiết bị hỗ trợ người mù”.

 “Mắt thần” giá rẻ

Nghĩ là làm Hải bắt đầu bằng ý tưởng một loại thiết bị gắn trên đầu có cảm biến rung động, sẽ giúp người mù có thể di chuyển một cách linh hoạt và an toàn hơn. Ròng rã suốt 3 năm,Bá Hải đã phải viết đi viết lại hàng chục bản thảo ý tưởng. Vì có ý tưởng khả thi, nhưng giá thành chế tạo quá đắt đỏ. Điều mà Hải mong muốn là thiết bị nhỏ gọn, tối giản và hữu dụng nhưng chi phí phải thật rẻ để bất cứ người khiếm thị nào cũng có cơ hội được sử dụng.

Đến đầu năm 2012, Nguyễn Bá Hải đã nảy ra ý tưởng chế tạo chiếc “mũ bảo hiểm” dành cho người mù khi đi trên đường. Sau ba tháng trời ròng rã nghiên cứu chế tạo cùng nhóm sinh viên đại học Sư phạm Kỹ thuật, sản phẩm đã được hoàn thành. Cấu tạo sản phẩm bao gồm 1 cảm biến laser (la-de) được nhóm của Bá Hải gọi là “mắt thần”.

Người mù chỉ cần lắc nhẹ đầu để “mắt thần” xác định vật cản từ khoảng cách 0,3 – 3m. Khi tia laser chạm phải chướng ngại vật, thiết bị sẽ chuyển thông tin thị giác thành thông tin xúc giác, tạo ra tín hiệu rung trên nón, ngay vị trí giữa trán người dùng. Khoảng cách chướng ngại vật càng xa thì tín hiệu rung càng nhẹ, do đó có thể giúp người mù xác định được vị trí chướng ngại vật để tránh va chạm.


 Mắt thần hiện tại đã nhỏ gọn vô cùng tiện dụng

Những ngày đầu sáng kiến ra sản phẩm, có người đã mua ý tưởng của Nguyễn Bá Hải với giá hàng tỷ đồng, nhưng Nguyễn Bá Hải không bán. Mong muốn của anh là tìm ra được nhà tài trợ chi phí sản xuất, để sản phẩm khi đem đến với người khiếm thị phải thực sự rẻ nhất hoặc hoàn toàn miễn phí. Không lâu sau, công ty Kiến Bình Minh đã tìm đến Bá Hải. Công ty Kiến Bình Minh đã hỗ trợ chi phí nghiên cứu, chế tạo cho Nguyễn Bá Hải

Khi mới ra mắt, chiếc mũ được nối với một bình ắc quy đựng trong ba lô để người dùng đeo trên lưng, khá cồng kềnh. Nhưng sau một thời gian dài nghiên cứu và nhận được sự hỗ trợ kinh phí từ công ty Kiến Bình Minh, Nguyễn Bá Hải đã cho ra đời phiên bản “mắt thần” với pin sạc chỉ nhỏ bằng một chiếc máy nghe nhạc cầm tay.

Kể từ đó Với mục đích phi lợi nhuận, cho đến nay, công ty Kiến Bình Minh và tiến sĩ Nguyễn Bá Hải đã mang “mắt thần” đến hàng trăm người khiếm thị trên khắp cả nước. 

“Mắt thần” là sản phẩm đoạt giải Nhân văn trong cuộc thi Tech Show Robocon 2012, giải Nhất tuần Nhà sáng chế Việt Nam 2013.

Theo Yan

Mời bạn xem thêm:

13 phát minh cho cuộc sống hiện đại mà ai cũng "thèm khát"

11 phát minh đầu tiên về xe hơi

Những phát minh của người Việt khiến thế giới 'ngả mũ'

Viết bình luận
Email sẽ không công khai khi bạn đăng bình luận
zalo