1. Ong bắp cầy khổng lồ châu Á
Nọc độc của loài ong bắp cầy khổng lồ châu Á có thể giết chết một người đàn ông trưởng thành. Ảnh: Grace Rain |
Kích thước ong bắp cầy khổng lồ châu Á to gần bằng một ngón tay cái. Sải cánh của chúng lớn hơn một số loài chim ruồi. Loài này khi bay đạt vận tốc 40km/h và có thể bay nhanh hơn khi chúng di chuyển theo đàn. Ong bắp cầy khổng lồ châu Á, còn gọi là ong bắp cầy khổng lồ Nhật Bản, là nguyên nhân của hàng loạt trường hợp tử vong tại đất nước mặt trời mọc mỗi năm.
Ngòi của loài ong này dài 6,35mm. Nọc của chúng, chứa Acetylcholine liều cao và một loại enzyme hòa tan các mô tế bào của con người, tấn công vào hệ thần kinh, làm tổn thương các mô của nạn nhân, gây ra sự đau đớn tột bậc và đe dọa tới tính mạng nếu không được chữa trị kịp thời. Một vết cắn của loài ong này cũng đủ giết chết một người đàn ông trưởng thành. Hơn thế nữa, nọc của chúng tiết ra một mùi đặc trưng và thu hút các con khác tới tấn công nạn nhân.
2. Ruổi xê xê
Một con ruồi xê xê đang đẻ ấu trùng. Ảnh: Warren Photographic |
Ruồi xê xê, tên khoa học là Glossina, là một loài côn trùng hút máu và truyền bệnh nguy hiểm nhất thế giới. Chúng sống tại vùng nhiệt đới châu Phi và truyền bệnh ngủ, loại bệnh nguy hiểm nhất nơi đây, tới con người và động vật. Khi bị loài ruồi này đốt, nạn nhân xuất hiện các triệu chứng như đau đầu nghiêm trọng, mệt mỏi, sốt, sưng tấy, nói lắp, động kinh,... sau đó là buồn ngủ và hôn mê sâu. Căn bệnh này sẽ gây tử vong nếu các nạn nhân không được cứu chữa kịp thời.
Glossina sinh sản 4 lần trong năm và tuổi thọ của chúng kéo dài từ một đến 3 tháng. Loài này hút máu và truyền trùng tripnanosoma vào cơ thể nạn nhân mỗi ngày, ảnh hưởng tới gần nửa triệu người dân của 36 nước châu Phi mỗi năm.
3. Sứa hộp
Một nhát cắn của sứa hộp cũng có thể gây chết người. Ảnh: Ronny Friman |
Sứa hộp là sinh vật biển giết người bằng những tua độc. Người ta có thể lầm tưởng sinh vật bé nhỏ và mỏng manh này là loài vô hại. Nhưng thực tế, độc tố của loài sinh vật này là loại độc mạnh nhất thế giới. Một nhát cắn của nó cũng có thể giết chết người. Sau khi thâm nhập vào trong cơ thể, nọc độc sẽ tấn công và gây tê liệt hệ thần kinh của nạn nhân trong vòng vài phút. Thậm chí nhiều người biết bơi đã chết đuối trước khi kịp vào bờ.
Loài sứa này ăn cá và bơi khá nhanh. Chúng hoạt động vào ban ngày và "ngủ" vào ban đêm.
4. Nhện lang thang Brazil
Tổ của một con nhện lang thang Brazil. Ảnh: 123 RF |
Khi đề cập đến các loài nhện đáng sợ, người ta thường nhắc đến "góa phụ đen" và nhện nâu ẩn dật. Nhưng nhện lang thang Brazil mới là loài nhện độc nhất thế giới. Tên khoa học của loài nhện đáng sợ này là Phoneutria, hay còn gọi là nhện chuối. Chúng khá nhỏ so với các loài nhện khác, ít di chuyển và kiếm mồi vào ban đêm.
Nọc của nhện chuối là loại độc ảnh hưởng tới thần kinh mạnh nhất trong họ nhà nhện. Khi bị cắn, chất độc nhanh chóng tấn công hệ thống canxi trong hệ thần kinh đảm nhiệm chức năng kiểm soát cơ và hô hấp khiến nạn nhân ngạt thở đến chết. Chỉ với 0,006 mg nọc đã có thể giết chết một con chuột. Loài nhện này rất hung hăng và sẵn sàng tấn công bất cứ kẻ nào xâm phạm lãnh thổ của chúng
5. Ếch độc phi tiêu vàng
Nọc độc của ếch độc phi tiêu vàng có thể giết chết 10 người trưởng thành. Ảnh: Cool Amphibians |
Ếch độc phi tiêu vàng, tên khoa học là Phyllobates terribilis, là một loài ếch phi tiêu độc đặc hữu sống ở bờ biển Thái Bình Dương của Colombia. Loài này thường sống trong rừng mưa nhiệt đới, nơi độ ẩm cao và sống thành bầy. Trên lớp da vàng óng của loài sinh vật lưỡng cư bé nhỏ này chứa một loại kịch độc với liều lượng đủ để giết chết 10 người trưởng thành. Chất độc này thấm qua da, tấn công nhanh vào hệ thần kinh khiến nạn nhân đau đớn, co giật, sốt và tê liệt.
6. Ốc nón
Ảnh: University of Melbourne |
Loài ốc nón xinh đẹp nhìn có vẻ chậm chạp này thực chất là một loài ốc biển cực độc có tên khoa học là Conus geographus. Kích thước của ốc nón dài khoảng 10 đến 15 cm, sống. Chúng sở hữu một loại chất độc phức tạp và là loại độc tố mạnh nhất thế giới. Chất độc này khiến nạn nhân dính phải run lẩy bẩy, tê liệt chân tay, mắt mờ đi và ngừng thở sau vài giờ đồng hồ. Tuy nhiên, loài ốc này chỉ sử dụng chất độc để tự vệ và săn mồi chứ không chủ động tấn công.