7 điều bạn nên tuyệt đối tránh thể hiện trên mạng xã hội

Admin   Admin
Ngày đăng: 05/07/2018
0 bình luận

Thời đại công nghệ “bùng nổ” ngày nay, hẳn ai cũng sở hữu một vài trang cá nhân trên mạng xã hội. Song, không phải tất cả mọi người đều biết cách sử dụng mạng xã hội hiệu quả và thực sự đáp ứng đúng mục đích giải trí. Dưới đây là 7 điều bạn nên hạn chế để không bị trở thành “cái gai trong mắt” những người dùng khác.

1. Kể lể quá nhiều

 

Đồng ý rằng mục đích sử dụng mạng xã hội là để liên lạc và chia sẻ các câu chuyện hằng ngày, nhưng việc kể tất tần tật “mọi thứ trên đời” sẽ biến bạn thành một người kể lể dông dài. Bạn hãy chọn lọc chuyện đăng lên mạng xã hội để không gây nhàm chán và “ngộp thở” cho mọi người.


Phê phán và kể tường tận nội dung cãi nhau, giận dỗi với người yêu là điều không nên làm trên mạng xã hội.
 

Những điều bạn có thể “mạnh tay” chia sẻ: Niềm vui khi bạn vừa vượt qua vòng phỏng vấn công việc, đôi lời chúc mừng Ngày của Mẹ - Ngày của Bố, những câu chuyện hay ho bạn đọc được ở đâu đó, niềm hạnh phúc “vỡ òa” khi giá xăng giảm... chẳng hạn.

Tóm lại, nên hạn chế thói quen đăng tải tràn lan trên trang cá nhân - vừa làm giảm mức độ quan tâm của mọi người đối với bạn (vì những thứ bạn chia sẻ cứ lặp đi lặp lại đến chán ngấy và thực ra chẳng có ý nghĩa gì!), vừa dễ khiến người khác cảm thấy hơi phiền toái. Chỉ nên chọn lọc kể những câu chuyện dánh dấu một cột mốc hay chí ít mang tầm quan trọng nhất định, bạn nhé!

2. “Vô tư” chia sẻ thông tin cá nhân


Có thể thông tin cá nhân của bạn sẽ bị đánh cắp!
 

Mạng xã hội là nơi công cộng, bạn nên cẩn thận trong việc “bộc bạch” thông tin cá nhân như địa chỉ nhà, số điện thoại... Thậm chí khi “Check in” cũng phải dè chừng một chút, đừng để kẻ lạ dễ dàng “nắm thóp” những địa điểm quen thuộc bạn ghé qua. Tốt nhất nên cài đặt chế độ riêng tư, chỉ để “Bạn bè” (Friends) hoặc “Bạn của bạn” (Friends of friends) cập nhật được trang cá nhân của bạn thôi. 

Cũng nên thậm trọng khi truy cập các trang mạng không rõ nguồn gốc, các ứng dụng yêu cầu thông tin cá nhân của bạn. Họ có thể lợi dụng thông tin người dùng vào mục đích không chính đáng mà bạn không thể lường trước được!

3. Tranh cãi gay gắt về mọi vấn đề

Bất cứ ai cũng có quyền tự do ngôn luận - tuy nhiên, cần phải học cách vận dụng quyền này đúng lúc, đúng chỗ. Tham gia vào mọi cuộc tranh cãi trên mạng xã hội, luôn cho rằng lý lẽ của mình là đúng nhất, bác bỏ mọi ý kiến của người khác... dễ khiến bạn bị gắn mác “Anh hùng bàn phím”. 


Đừng để mình trở thành “Anh hùng bàn phím bình thiên hạ”, bạn nhé!
 

Tốt nhất bạn nên hạn chế bình luận các chủ đề “nhạy cảm” như tôn giáo, chủ quyền, giới tính... Điều này cũng áp dụng được trong cuộc sống thực: Hãy đưa ra suy nghĩ cá nhân, nhưng đừng để mình lún sâu vào các cuộc tranh cãi vô nghĩa. Nghĩ mà xem, cố cãi đến cùng để giành phần thắng nhất thời trong một vấn đề, nhưng lại làm mất lòng biết bao nhiêu người! Bạn chẳng “được” bao nhiêu so với phần “mất” cả. 


 

4. Đăng toàn những dòng trạng thái “đầy bi quan”

Mạng xã hội là nơi để giải trí mà, phải không? Việc đăng toàn những trạng thái buồn bã, bi quan sẽ khiến mọi người mệt mỏi. Bạn thử nghĩ xem, bỏ thời gian kể lể một câu chuyện thảm thiết lên mạng xã hội cũng chẳng ích lợi gì, mọi người không thể quan tâm bạn tới nơi tới chốn được đâu. 

 
 
 

Hãy biết phân biệt thế giới ảo với cuộc sống thực, bạn nhé! Thay vì than thở qua màn hình điện thoại, bạn nên hẹn nhóm bạn thân đi chơi và chia sẻ những chuyện buồn phiền cùng họ. Giao tiếp ngoài đời luôn mang lại nhiều tác dụng hơn những cuộc trò chuyện ảo trên mạng. Cảm xúc của bạn sẽ nhanh chóng được cải thiện đấy.

5. Khoe về “người ấy” với tần suất quá tải

Công khai người yêu là một điều tốt, mọi người sẽ vui vẻ chúc mừng đôi bạn. Đăng tải hình ảnh, cảm xúc về “gấu” còn thể hiện niềm tự hào nhất định về chuyện tình cảm hiện tại của bạn. 


“Các mối quan hệ sẽ bền vững hơn nếu mạng xã hội không biết về chúng.”
 

Song, khi trở nên... quá tự hào và mắc vào các lỗi “kể lể quá nhiều về người ấy”, “đăng hàng loạt hình ảnh ăn chơi trác táng cùng người ấy”, bạn sẽ làm các FA nói riêng và những người khác “ngứa mắt” đấy. Hãy giữ những cảm xúc riêng tư cho chính mình và “gấu”, điều đó sẽ đặc biệt hơn phải không nào?

 

6. Đăng tải vô vàn hình ảnh “ăn chơi trác táng”

Tưởng tượng một người trong danh sách bạn bè cứ cách ngày lại đăng một album hình “ăn chơi”, “check in” đủ kiểu – bạn có cảm thấy phiền phức không? Bạn có thể vui vẻ, “quẩy” hết mình trong một bữa tiệc, nhưng hãy giữ phần lớn những niềm vui đó cho riêng mình và những người bạn đồng hành lúc ấy. Thỉnh thoảng chia sẻ đôi chút thì được, đừng “tra tấn” mọi người bằng hàng loạt những hình ảnh từ các hoạt động giải trí cá nhân của bản thân, bạn nhé! 


 

7. Phàn nàn “thả ga” về công việc và gia đình

Bức xúc một vấn đề ở chỗ làm? Phản đối “ông chủ” nhưng không dám nói thẳng? Mạng xã hội quả là một nơi “mời gọi” bạn trút hết mọi bực tức thường ngày. Trút giận bằng các dòng trạng thái đôi khi là một cách giải khuây hiệu quả, bạn bè có thể an ủi, động viên khi đọc thấy các dòng trạng thái “stress vì công việc” này của bạn; song nếu không biết kiềm chế, dần dà bạn sẽ phủ đầy trang cá nhân của mình bằng các câu chuyện phàn nàn đầy... sát khí mất thôi!

Bên cạnh công việc, than vãn về gia đình cũng là một đề tài cấm kị. Không ít người đã bị cư dân mạng lên án, ném đá vì “chửi cha, mắng mẹ” trên mạng xã hội. Bạn có thể bực tức gia đình trong phút chốc, nhưng việc thể hiện tất cả lên thế giới ảo để phản kháng là hoàn toàn không hay ho. Hãy cẩn thận đừng để bị người khác xem cách cư xử của mình như “trẻ trâu”.

 

Theo Yan

Mời bạn xem thêm:

Cẩn thận với những “cái bẫy” lừa đảo trên mạng xã hội
5 thủ thuật hữu ích cho người sử dụng mạng xã hội
Lừa xem ảnh “nhạy cảm” để chiếm tài khoản mạng xã hội

Viết bình luận
Email sẽ không công khai khi bạn đăng bình luận
zalo