Sa bàn tái hiện cảnh Bệnh viện Bạch Mai bị bom Mỹ tàn phá năm 1972, đang được trưng bày tại Bảo tàng Công binh Hà Nội. Trong chiến tranh phá hoại miền Bắc, không quân Mỹ 4 lần ném bom bệnh viện này. |
Những tài liệu lịch sử ghi lại đêm ấy trời rét căm căm. Hầu hết bác sĩ, bệnh nhân đã được sơ tán. Mỗi khoa chỉ giữ lại vài ba người để trực cấp cứu. Có khoảng 300 bệnh nhân ở dưới hầm. |
Khoảng 4h sáng 22/12, nghe tiếng máy bay B52 gầm rú, tất cả bác sĩ, bệnh nhân chui xuống hầm. Hơn 100 quả bom trút xuống cơ sở y tế lớn nhất miền Bắc. Hầm bị sập, 28 người hy sinh, 22 người khác bị thương. |
Khi tiếng còi báo yên, tất cả mọi người trở lên mặt đất thì chỉ thấy cảnh hoang tàn. Bệnh viện gần như bị san phẳng, tiếng người kêu cứu khắp nơi. Khoa Da liễu và khoa Tai Mũi Họng là những nơi bị tàn phá nặng nề nhất. |
Cây cối trong khuôn viên bệnh viện đổ rạp dưới sức ép của bom. |
Có những khu không thể chen chân vì gạch đá, cây cối đổ ngổn ngang chắn hết lối đi. |
Hố bom còn nguyên dấu vết, nằm giữa sân bệnh viện. |
Hệ thống hầm Bạch Mai do người Pháp thiết kế rất vững chắc, bê tông rất dày cũng không chịu nổi sức ép của bom và đổ sập. Nhiều bệnh nhân và bác sĩ bị kẹt dưới hầm. Những người còn sống buộc phải tháo khớp người đã chết để đưa họ ra. Họ vừa làm vừa lo lắng máy bay B52 quay trở lại. |
Nhân viên bệnh viện tận dụng tất cả những gì có thể để cấp cứu những người bị thương. |
Đó là đêm dài nhất trong cuộc đời các bác sĩ từng chứng kiến cảnh Bệnh viện Bạch Mai bị đánh bom. |
Sau này, Đài tưởng niệm các y bác sĩ hy sinh trong trận ném bom năm ấy đã được xây dựng tại khuôn viên Bệnh viện Bạch Mai. |
Ông Đỗ Doãn Đại, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai thời kỳ 1969-1982, ghi chép lại: "Bạch Mai khi ấy làm nhiệm vụ cấp cứu cho cả vùng phía nam của Hà Nội và các tỉnh từ Hà Nam về Hà Nội. Vì vậy, Mỹ đánh bom bệnh viện không chỉ để uy hiếp tinh thần cán bộ, nhân viên trong viện mà còn muốn gây nao núng tinh thần người dân thủ đô". |
Hoàng Phương