Nguyên nhân gì khiến những con vật rủ nhau "tự sát tập thể" đến nay vẫn khiến nhiều nhà khoa học cảm thấy đau đầu.
Các nghiên cứu khoa học gần đây đã chứng minh rằng loài người không phải là động vật duy nhất có cảm xúc. Không quá ngạc nhiên vì điều này khi bạn quan sát những con vật thân quen hàng ngày như cún, mèo… và nhận ra chúng cũng hay vui buồn, hờn dỗi, mè nheo… chẳng khác gì chúng ta. Theo các nhà khoa học thì "cảm xúc" có thể là nguyên nhân dẫn đến một hiện tượng khá kì lạ trong thế giới động vật: tự sát tập thể.
Hiện tượng bí ẩn làm đau đầu giới khoa học
Hàng nghìn con chim rủ nhau lao xuống mặt đất, cả bầy cá heo nối đuôi nhau mắc cạn dù cho khả năng dò đường bằng sóng siêu âm của chúng là "siêu đẳng"… Hiện tượng này chẳng khác nào một đội quân nhận được lệnh "quyết tử" trên chiến trường và điều này làm cho các nhà khoa học cảm thấy "đau đầu". Có hay không một mệnh lệnh nào đó khiến những con vật này đồng loạt hành động như vậy.
Những con cừu bỗng nhiên "tự sát hàng loạt" tại Thổ Nhĩ Kì
Ngày 26-8-2007, tại tỉnh Van phía Đông Thổ Nhĩ Kỳ (gần Iran), hàng nghìn con cừu đã theo con đầu đàn nhảy xuống một khe núi để... chết. Khoảng 450 con cừu "hi sinh" trong phút chốc trước sự bất lực của người chăn cừu dù trước đó chúng không hề bị một tác động nào gây hoảng loạn.
Cá heo cũng rủ nhau đi "chết"
Đây không phải là trường hợp động vật tự sát tự thể duy nhất được ghi nhận từ trước đến nay. Hầu như cứ vài năm người ta lại thông báo về những trường hợp "tự sát tập thể" của các loài cá heo, cá mập và đặc biệt là những con cá voi khổng lồ trên các bãi biển.
Những ngư dân ở vùng Nam và Bắc Mỹ, Nam Ohio, quần đảo Tasmania của Australia và cả Nhật Bản... từng chứng kiến nhiều trường hợp hàng chục con cá voi hay cá heo rủ nhau cùng tìm đến cái chết, thường vào khoảng thời gian từ tháng 12 đến tháng 3 hàng năm. Có những trường hợp người dân đã tìm cách đưa những chú cá mắc cạn trở về với nước nhưng chúng lại tiếp tục ngoi lên bờ giống như tâm nguyện duy nhất là muốn được "chết".
Có vẻ như đặc quyền "tự sát tập thể" không chỉ dành cho cá heo mà nó còn lan sang các loài vật khác như chuột, chim và cả mối. Tháng 5-1995, tại một khu rừng rộng thuộc khu vực tự trị Tân Cương (Trung Quốc) hàng loạt con chuột đã tổ chức tự sát tập thể mà không ai rõ nguyên nhân là gì. Những con chuột đồng với đôi mắt rất to mà dân cư trong vùng quen gọi là "quỷ mắt lồi" đã cắn đuôi nhau từng cặp lao xuống các ao, hồ để tự sát như những cặp uyên ương quyên sinh vì tình yêu bị cấm đoán.
Loài mối Globitermes sulfureus lại "tự sát tập thể" trong lúc chiến đấu chống lại kẻ thù. Chỉ cần phát hiện sự tấn công của những con kiến, những chú mối thợ từ trong ra ngoài đều tự co cơ bụng lên đến khi chúng vỡ ra tạo thành một loại chất nhờn có khả năng làm cho những con kiến chết ngay tại chỗ khi bị dính phải. Tất nhiên, những chú mối tội nghiệp cũng không thể sống sót sau hành động "quả cảm" này.
Kì bí nhất có lẽ là câu chuyện liên quan đến cây cầu Overtoun, Scotland. 50 năm qua, khoảng 50 con chó đã nhảy xuống cây cầu này tự sát. Kì lạ hơn nữa là những con chó lại cùng nhảy từ một vị trí. Rất nhiều câu chuyện huyền bí đã được cư dân bản địa thêu dệt quanh bí ẩn của cây cầu và những cái chết của những con chó.
Nguyên nhân đằng sau những vụ tự sát của động vật
Theo tờ nhật báo Radikal của Thổ Nhĩ Kỳ thì những con cừu tự sát do chúng đói rét và bị những người chăn cừu bỏ bê. Nhưng giả thuyết này ngay sau đó đã bị giới khoa học bác bỏ. Họ cho rằng động vật hay con người luôn có bản năng sinh tồn, cho dù hoàn cảnh sống có khắc nghiệt đến đâu.
Trong khi đó, các nhà khoa học ở Australia (nơi thường xuyên diễn ra những màn tự sát của động vật biển) đã thành lập hẳn một tổ chức để nghiên cứu về hiện tượng này. Họ làm việc miệt mài hết năm này qua năm khác, nhưng vẫn chưa xác định được nguyên nhân cụ thể của hiện tượng trên là gì.
Loài mối "đánh bom tự sát" khi chiến đấu với kẻ thù
Theo một hướng nghiên cứu khác, các nhà khoa học cho rằng những loài động vật như mối, chuột, cá heo… đã mang sẵn trong người "gen tự sát". Việc chúng "quyên sinh" trong một tình huống nào đó có thể xem như một hành động theo bản năng di truyền và điều này có ích cho sự tồn tại của giống loài đó. Ví dụ, những con chuột ở Trung Quốc có thể tự sát do chúng thấy mật độ "dân số" đã quá đông, dẫn đến thiếu thốn nguồn lương thực để sinh tồn và cần có một số cá thể hi sinh vì lợi ích chung của cộng đồng.
Còn theo kinh nghiệm dân gian thì việc động vật "tự sát tập thể" có thể là "điềm" báo trước một thiên tai nào đó, hoặc có thể đó là sự nổi giận và trừng phạt của thần linh.
Tuy nhiên, không phải tất cả những nghiên cứu khoa học về hiện tượng này đều vô ích. Chí ít cũng có một số luận điểm bước đầu lí giải được phần nào bản chất của hiện tượng. Một trong những nguyên nhân nghe có vẻ như lấy ra từ phim khoa học giả tưởng: đó là sự xuất hiện của zombie. Nhưng đây là sự thật, một số loài kí sinh vật khi bám vào vật chủ sẽ tác động vào hệ thần kinh và làm thay đổi hành vi của chúng. Điển hình là trường hợp của loài dế và châu chấu bị giun móc Spinochordodes tellinii kí sinh. Khi giun móc xâm nhập thân thể dế hay châu chấu, chúng ăn chất dinh dưỡng và buộc hai loài này phải nhảy xuống nước tự sát. Sau đó, giun móc chui ra và tiếp tục vòng đời của mình.
Riêng với trường hợp tự sát của động vật biển, các nhà khoa học cho rằng nguyên nhân sâu xa có thể xuất phát từ sự biến đổi của môi trường sống và khí hậu. Khi nguồn nước trở nên ô nhiễm, thức ăn thiếu thốn, những con cá heo sẽ lựa chọn tự sát để không phải chịu những "đau khổ đời thường", giống như con người luôn muốn thoát ra khỏi "cơm, áo, gạo, tiền" hàng ngày.
Các nhà khoa học cũng khẳng định, động vật ở một mức độ nào đó cũng có những cảm xúc nhất định. Đặc biệt, khi rơi vào tình huống bị kích động, hoảng loạn thì thường chúng cũng sẽ bị thiếu kiểm soát hành vi giống như con người. Điều này dễ dẫn đến một hiện tượng gọi là "tâm lí bầy đàn", nghĩa là khi một cá thể tự sát, sẽ kéo theo hàng loạt các cá thể khác quyết tâm làm theo.
Hay như bí ẩn về những chú chó tự sát trên cầu Overtoun, cũng đã được các nhà khoa học tìm ra sau nhiều năm nghiên cứu. Chuyên gia về tâm lí loài chó David Sands đã tới cầu Overtoun để khảo sát và tiến hành nhiều thí nghiệm. Ông nhận ra, vào những ngày trời hanh khô, mùi chồn hôi rất nồng dưới chân cầu Overtoun và điều này rất thu hút loài chó. Do có những vị trí thành cầu khá cao khiến những con chó không nhìn được xung quanh. Đó là lúc khứu giác chúng phát huy khả năng của mình và hệ quả là khi ngửi thấy mùi chồn hôi, các chú chó sẽ nhảy qua thành cầu để tìm kiếm mùi hương này và vô tình… tự sát.
Theo Yan
Mời bạn xem thêm:
Bí ẩn gương mặt dã thú trong bức họa kinh điển Mona Lisa
Những bí ẩn lớn nhất của thế giới chưa được giải mã
Bí ẩn đĩa bay chở 9 người ngoài hành tinh- tài liệu mật nổi tiếng của FBI