Bi hài người Hà Nội phải dùng đồ giả để tránh… ăn cắp

Admin   Admin
Ngày đăng: 05/07/2018
0 bình luận

Sở hữu chiếc Porsche Panamera trị giá 4 tỉ, nhưng chị Hà chỉ dám lắp mặt gương fake với giá 200 nghìn đồng ở phố Nguyễn Công Trứ. Nếu không, “sểnh” ra là mất ngay chục triệu cho mặt gương xịn.

Với chủ xế hộp, cảnh mất mặt gương, thậm chí cả củ gương chỉ sau 5-10 phút rời chiếc xe thân yêu đã là điều “quá bình thường” ở đất Hà Nội. Nạn mất cắp phụ tùng ô tô hoành hành một cách ngang nhiên khiến các chủ xế hộp đứng ngồi không yên, và cách để họ “sống chung với lũ” thật đơn giản lại là “tuyệt chiêu” gương fake. Rất nhiều chủ nhân của những chiếc xế xịn như Mercerdes, Porsche, BMW…, sau khi không kiểm soát nổi nạn “vặt gương”, thay vì tìm gương xịn để thay thế, họ ra “chợ trời” chọn mặt gương giả để đương đầu với trộm.
 

Bi hài người Hà Nội phải dùng đồ giả để tránh… ăn cắp 1
Một chiếc xe bị trộm "vặt" cả củ gương - (Ảnh: Facebook Casa).


Mới đây, anh Việt Hùng (sống tại phố Quán Thánh, Hà Nội) chia sẻ trên mạng xã hội bức ảnh chiếc gương xe ở tình trạng đang bị trộm… tháo dở, với lời bình luận hóm hỉnh: “Các anh ý đang vặt dở cái gương, chắc thấy đểu nên vứt lại. Gương xịn đâu mà vặt lắm thế, mất 5-7 lần rồi đấy!”. Kể từ khi làm chủ chiếc Merc E250, số lần anh Hùng bị “vặt” mặt gương xấp xỉ con số 10.

Sau vài lần thảng thốt khi mới đỗ xe chưa đến 5 phút ra ngoài đã thấy 2 bên gương trống trơn, và méo mặt vào hãng mới biết chỉ bán cả củ gương giá lên tới mấy chục triệu chứ không bán mặt riêng, mua mặt ăn cắp cũng phải 2-3 triệu, thì anh Hùng trung thành với kế xài mặt đểu, chỉ 100 tới 200 nghìn đồng, bán nhan nhản khắp con phố Nguyễn Công Trứ, khu vực chợ Trời ở Hà Nội.
 

Bi hài người Hà Nội phải dùng đồ giả để tránh… ăn cắp 2
Mặt gương Mercerdes E250 của anh Hùng đang bị trộm "vặt" dở thì bỏ lại vì... phát hiện hàng fake.


Kể từ ngày xài mặt gương đểu, anh khá yên tâm khi phải để xe ở chỗ vắng vẻ. Cả củ gương đã được bảo hiểm, còn mặt gương thì hàng fake, đến trộm bây giờ cũng… chán sờ vào xe anh và mới đây, sau khi tháo dở mặt gương giả, trộm còn nản không thèm cạy tiếp.

Sở hữu chiếc Porsche Panamera trị giá 4 tỉ, nhưng chị Thu Hà (đang công tác tại Tập đoàn Viettel) chỉ dám lắp mặt gương fake với giá 200 nghìn đồng ở phố Nguyễn Công Trứ. Nếu không, “sểnh” ra là mất ngay chục triệu cho mặt gương xịn, ra chợ Trời mua lại đồ ăn cắp cũng phải 3-4 triệu. Sau vài lần mất mặt gương nhanh như chảo chớp, chị Hà cũng “theo xu hướng” xài mặt fake. 

 

“Trộm bây giờ cũng tinh lắm, nhìn qua là biết đồ đểu nên nó không thèm sờ đến. Những thứ khác đã có bảo hiểm nên không lo. Sống ở Hà Nội thì phải chơi chiêu này thôi, không thì tốn tiền mua gương lắm!”, chị Hà cho biết.

Kể từ khi báo chí đưa tin các vụ cướp giật ngoài đường phố, khiến không ít nạn nhân đã mất đồ còn gặp phải tai nạn giao thông, nhiều chị em đã bàn nhau hạn chế mang túi xịn hoặc đeo dây, nhẫn kim cương xịn ra đường “làm mồi” cho cướp. Là phụ nữ, nhiều lúc đi ra ngoài vẫn không muốn “trống trơn” trên cổ, trên tay hoặc “xách theo cái bị” cho xong chuyện, nên xài hàng giả được xem như giải pháp tạm thời bởi họ cho rằng: “Trộm bây giờ cũng khôn lắm, thấy hàng giả nó không giật đâu!”.

Thủy Tiên (Hàng Bè, Hà Nội) vốn là cô gái rất thời trang, sử dụng hàng hiệu thành thói quen bởi người nhà cô ở nước ngoài thường xuyên gửi túi, phụ kiện về. Mỗi khi ra ngoài, Thủy Tiên “lấp lánh” từ đầu đến chân toàn hàng xịn, và đây có lẽ là nguyên nhân biến cô thành nạn nhân bị giật túi trên phố Trần Nhật Duật vào đầu năm nay. Chiếc túi LV trị giá 40 triệu đồng, kèm theo điện thoại và tiền bên trong đã ra đi cùng kẻ cướp, thế nhưng đen đủi là Tiên còn bị ngã sóng xoài giữa đường, chân tay xây xước hết cả.

Tiếc đứt ruột chiếc túi hiệu, Tiên còn phải mất 2 tuần để các vết thương lành hẳn. Sau vụ đó, nếu phải đi xe máy ngoài đường, Tiên sử dụng một chiếc túi fake đựng son phấn, đồ linh tinh. Còn ví đựng giấy tờ hoặc điện thoại thì cho vào cốp. Giải pháp này giúp Thủy Tiên đựng được hết đống đồ lỉnh kỉnh của con gái, mà vẫn bảo đảm được thứ quan trọng dưới cốp xe. Theo cô: “Chỉ khi được đón bằng ô tô, hoặc đi taxi, tôi mới dùng túi xịn. Nếu bị giật chiếc túi fake này cũng không tiếc của nữa! Trộm vía từ hồi đeo túi fake ra đường, kể cả có đeo trên vai cũng chưa bị giật lần nào, chắc trộm biết phân biệt thật/giả?!”.

Cũng vì sợ bị cướp giật, chị Mai Trang (chủ một cửa hàng thời trang trên phố Trần Quốc Toản, Hà Nội) đã chuyển sang đeo trang sức bằng bạc trắng, thay vì bộ vàng trắng kim cương đắt đỏ mà chị hay sử dụng. Chị cho rằng, là phụ nữ nên đeo một vài món trang sức, nhất là hàng ngày tiếp xúc với khách hàng như chị. Ngày trước, chị tự tin ra cửa hàng với chiếc nhẫn kim cương ổ 2 carat và dây vàng trắng, tuy nhiên để tránh “lọt vào mắt xanh” của trộm cướp, chị đổi bằng bộ bạc trắng chưa tới 1 triệu. Nhiều người bạn khuyên chị Trang rằng trộm bây giờ “tinh” hơn người thường, nhìn thấy đồ giả sẽ không thèm ra tay cho thêm “phiền”.

Tuy nhiên, đây vẫn chưa phải cách hay để tránh bị cướp hỏi thăm, bởi nhiều trường hợp vẫn bị giật túi, dây chuyền mặc dù đã ngụy trang bằng hàng mỹ ký. Xem ra, cuộc chiến giữa chị em đi xe máy với “phường trộm cắp” vẫn còn đầy gian nan, không đơn giản như việc thay mặt gương giả của giới đi xế hộp.

Viết bình luận
Email sẽ không công khai khi bạn đăng bình luận
zalo