Bộ TT&TT cho biết sẽ lấy ý kiến của người dân, và tham chiếu theo các điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia và tham khảo quy định của các quốc gia khác trong vấn đề quản lí dịch vụ xuyên biên giới.
Bộ TT&TT tổ chức họp báo về việc ban hành Nghị định số 72 về quản lí, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng.
Tại buổi họp báo về việc ban hành Nghị định số 72/2003/NĐ-CP về việc quản lí, cung cấp, sủ dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng, Thứ trưởng Bộ TT&TT Lê Nam Thắng cho biết Nghị định mới ra đời nhằm thay thế Nghị định số 97 cũ về lĩnh vực này. Nghị định 72 sẽ bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/9 tới.
Nghị định 72 bổ sung, hoàn thiện các quy định về quản lí, cung cấp và sử dụng dịch vụ và thông tin lên mạng Internet theo hướng thúc đẩy cạnh tranh, tạo môi trường kinh doanh công bằng, minh bạch cho các doanh nghiệp, tăng cường đảm bảo an toàn và an ninh thông tin trên mạng, cải cách thủ tục hành chính.
Thứ trưởng Lê Nam Thắng cho rằng Internet là rất quan trọng đối với Việt Nam, là cơ sở hạ tầng thông tin, hạ tầng này giống như xa lộ, trên đó phải có ứng dụng, dịch vụ, nội dung thì mới tạo điều kiện phát triển internet. “Nghị định này đưa ra khung pháp lí quan trọng để thúc đẩy phát triển các loại hình thông tin. Cách đây nhiều năm, chúng ta có thông tin báo chí, nhưng Internet xuất hiện có nhiều loại hình thông tin mới, khuôn khổ pháp luật chưa được bao quát”.
Nghị định 72 gồm 6 chương, 46 điều, quy định chi tiết về dịch vụ Internet, tài nguyên Internet, nguyên tắc quản lí, cung cấp, sử dụng thông tin trên mạng, quản lí việc thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội, việc cung cấp dịch vụ nội dung thông tin trên mạng viễn thông, việc cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử trên mạng, bảo đảo an ninh thông tin và an ninh thông tin trên mạng.
Nghị định mới có một quy định về việc quản lí thông tin công cộng qua biên giới. Cụ thể, tại điều 22 mục 1 của Nghị định 72 quy định các doanh nghiệp nước ngoài như Facebook và Google khi cung cấp thông tin công cộng qua biên giới có người sử dụng tại Việt Nam hoặc có truy cập từ Việt Nam cần tuân thủ cac quy định của pháp luật liên quan của Việt Nam.
“Internet là thế giới phẳng, tin tức khi đưa ra ở bất kì đâu cũng có thể nắm bắt được ngay. Việc tạo điều kiện thúc đẩy cho thông tin luân chuyển, giao lưu hợp tác quốc tế, thương mại điện tử là điểm mạnh của Internet, Khi xây dựng Nghị định, chúng tôi cũng bảo đảm làm sao để giao lưu quốc tế, thương mại điện tử. Bên canh đó, các thông tin dùng tên miền ,vn hay quốc tế khi cung cấp tới người dùng Việt Nam, luân chuyển trên lãnh thổ Việt phải tuân thủ theo quy định của Việt Nam”, Thứ trưởng nhấn mạnh.
Trả lời báo giới về việc việc cơ chế quản lí đối với các doanh nghiệp cung cấp thông tin xuyên biên giới, Thứ trưởng cho biết Bộ TT&TT tiếp tục xây dựng Thông tư hướng dẫn nội dung này, về nguyên tắc vẫn phải tuân thủ Nghị định, Luật Viễn thông, các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia.
Đánh giá về thách thức trong việc xây dựng luật và quản lí doanh nghiệp cung cấp thông tin xuyên biên giới, Thứ trưởng Lê Nam Thắng cho rằng: “Internet là phát minh lớn của loài người, làm cho cuộc sống tốt đẹp hơn nhiều. Nhưng thách thức là người tốt hay kẻ xấu đều có thể lợi dụng thành tựu công nghệ vi phạm pháp luật. Nếu trong điều kiện trên lãnh thổ từng nước thì dễ quản lí, nhưng xuyên biên giới thì là thách thức lớn, cần sự nỗ lực không chỉ của mỗi nước mà cộng đồng mỗi nước như các hiệp định, tổ chức viễn thông thế giới… có điều khoản tăng cường an toàn an ninh thông tin trên mạng”.
Thứ trưởng cho rằng việc quản lí các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ thông tin xuyên biên giới, như Google và Facebook không chỉ liên quan đến tổ chức, cá nhân trên lãnh thổ mà còn ngoài lãnh thổ, thế nên, Bộ TT&TT cho biết sẽ lấy ý kiến của người dân, và tham chiếu theo các điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia và tham khảo quy định của các quốc gia khác trong vấn đề quản lí dịch vụ xuyên biên giới.
Cũng tham dự buổi họp báo, Cục trưởng Cục Viễn Thông ông Phạm Hồng Hải cho biết Cục đã xây dựng dự thảo về việc quản lí quản lí thông tin công cộng qua biên giới, nhưng đang lấy ý kiến của đơn vị liên quan. Qua quá trình sẽ lấy ý kiến tất cả đông đảo người dân thông qua website, phương tiện khác để thông qua.
Ông Hải cho biết Cục Viễn thông muốn ban hành sớm quy định trên nhưng hiện tại chưa có mốc thời gian cụ thể.
Theo Dân Trí