Con cá mập yêu tinh mắc vào lưới ngư dân ở độ sâu khoảng 600 m ở ngoài khơi thành phố Key West, bang Florida, Mỹ vào ngày 19/4, AP đưa tin. Nó có một mũi khá dài để giấu hàm răng nhọn. Ban đầu nhóm ngư dân cảm thấy sốc khi thấy con vật quái dị màu hồng trong lưới. Răng của nó nhọn và sắc đến nỗi nhóm ngư dân không dám dùng thước để đo miệng nó.
“Tôi không biết nó là loài động vật nào. Răng của nó rất nhọn nên tôi không muốn đo đạc”, Carl Moore, một ngư dân trong nhóm, thừa nhận.
Giới khoa học chỉ biết cá mập yêu tinh sống ở vùng nước sâu. Trong hơn 10 năm qua, con người mới chỉ thấy loài động vật này một lần trong Vịnh Mexico. Trong làn nước sâu thẳm, màu hồng của chúng trở thành màu đen trong mắt các loài động vật khác. Vì thế cả kẻ thù lẫn con mồi đều không thể phát hiện chúng.
Thay vì giữ con cá để nghiên cứu, Moore chỉ chụp một ảnh bằng điện thoại di động rồi thả nó xuống biển. Mãi tới ngày 2/5, anh mới thông báo sự việc cho Cơ quan Hải dương và Khí quyển Quốc gia Mỹ (NOAA).
Ngư dân Carl Moore quyết định thả con cá xuống biển sau khi chụp ảnh nó. Ảnh:Carl Moore
Căn cứ vào bức ảnh, các nhà nghiên cứu của NOAA đoán đó là một con cá mập yêu tinh cái với chiều dài thân từ 5 m trở lên.
“Đây là một tin tuyệt vời. Nó là con cá mập yêu tinh thứ hai mà con người từng thấy trong Vịnh Mexico. Phần lớn cá mập yêu tinh sống ở biển Nhật Bản, Ấn Độ Dương hoặc xung quanh Nam Phi”, John Carlson, một chuyên gia của NOAA, phát biểu.
Cộng đồng khoa học tỏ ra phấn khích khi NOAA công bố hình ảnh con cá mập yêu tinh trên trang web. Họ vui vì con cá đã trở về với biển, nhưng cũng buồn vì không còn cơ hội tìm hiểu thêm về nó.
“Thậm chí chúng tôi còn không biết tuổi và khối lượng của nó”, Carlson nói.
Nhiều nhà khoa học tin rằng mũi dài của cá mập yêu tinh có các cảm biến điện nên chúng có thể phát hiện kẻ thù hoặc con mồi ngay cả khi chúng không nhìn hoặc nghe thấy âm thanh trong nước. Hàm răng nhọn hoắt giúp chúng bắt mồi dễ dàng trong môi trường tối đen.