Gần đây, báo Đời sống & Pháp luật đưa tin tình trạng các đồ tể, tiểu thương “hô biến” thịt lợn sề hết “date” thành thịt bò khiến nhiều người tiêu dùng lo lắng. Một số mẹo nhỏ sau sẽ giúp các bà nội trợ phân biệt được đâu là thịt bò thật, đâu là thịt bò giả.
Màu sắc
Thịt bò thật có màu đỏ au.
Thịt bò thật có màu đỏ au còn thịt lợn đỏ nhưng màu nhạt hơn. Thớ thịt bò bé, phần mỡ có màu vàng nhạt, còn thịt lợn thớ to hơn và mỡ màu trắng.
Dùng tay ấn vào thịt
Khi mua thịt, bạn nên dùng ngón tay ấn vào miếng thịt sẽ thấy rõ sự khác biệt. Nếu là thịt lợn, cảm giác hơi mềm còn ấn vào thịt bò (đặc biệt là phần mông) sẽ thấy thịt mềm, cảm giác thịt dính theo tay.
Mùi
Thịt bò “nặng mùi” hơn thịt lợn, nếu sờ tay vào sẽ ngửi thấy mùi tanh.
Màu sắc lạ dính vào tay
Để tạo được thịt bò từ 1g thịt lợn sẽ cần đến 2-2,5g phụ gia. Cho thịt lợn tẩm phụ gia ướp trong 30 phút, thịt lợn chuyển sang màu nâu sẫm. Cho thịt này hầm khoảng 1 giờ sẽ được loại thịt giống thịt bò, nhìn bằng mặt thường hoặc ăn cũng khó nhận ra.
Thịt bò được làm từ thịt lợn thường phải nhuộm bằng phẩm màu cho có màu đỏ thẫm nên nếu người tiêu dùng miết tay vào miếng thịt mà thấy có màu đỏ lạ ở tay thì chắc chắn thịt đã bị nhuộm hóa chất.
Phân biệt thịt bò được làm giả từ thịt trâu
Nếu quan sát kỹ, người mua cũng không khó phân biệt vì thịt trâu có màu sẫm đen, mỡ thịt trâu trắng, thớ thịt trâu rất to, thô hơn nhiều so với thịt bò.
Một nhận dạng tuy có phần muộn nhưng chắc chắn bà nội trợ nào cũng nhận ra đó là, khi chế biến thịt lợn giả bò sẽ nhanh chóng biến chuyển sang màu trắng và mùi vị nhạt, không còn mùi bò.
Vì vậy, để chọn được thịt bò tươi ngon, người tiêu dùng nên quan sát màu (màu đỏ đặc trưng), độ đàn hồi tốt, bề mặt thịt mịn và khô.
Theo Đời Sống Pháp Luật