Trở thành hoa hậu thế giới có lẽ là nỗi niềm mơ ước của hàng trăm triệu cô gái trên toàn thế giới. Thế nhưng, không phải ai cũng có đủ sắc đẹp, tài năng và phẩm chất để vươn tới tầm cỡ ấy. Mới đây, hoa hậu Trương Thị May, đại diện cho Việt Nam đã tỏa sáng tại cuộc thi Hoa hậu hoàn vũ 2013.
Người người nhìn cô với ánh mắt ngưỡng mộ, tự hào và khâm phục. Nhưng ít ai biết rằng, đằng sau những vinh quang ấy là quá trình khổ luyện khắt khe trong ngành công nghiệp chuyên đào tạo nhan sắc…
1. "Lò đào tạo" hoa hậu ở Venezuela
Cả thế giới coi hoa hậu là “đặc sản” của Venezuela. Nói như vậy bởi đất nước Nam Mỹ này là quê hương của 5 Hoa hậu Thế giới, 5 Hoa hậu Quốc tế, 6 Hoa hậu Hoàn vũ. Tất cả những thành công ấy đều bắt nguồn từ ngành công nghiệp đào tạo hoa hậu vô cùng chuyên nghiệp và có hệ thống ở quốc gia này.
Ở Venezuela, mọi người dân bị ám ảnh bởi sắc đẹp. Tất cả các bé gái ở đây đều mơ ước lớn lên trở thành hoa hậu. Khi lên 6 tuổi, các bé được bố mẹ gửi vào các trường đào tạo nhan sắc chuyên nghiệp. Một trong những trung tâm nổi tiếng nhất về khoản này chính là trường đào tạo hoa hậu Venezuela, phía Bắc thủ đô Caracas. Nơi này được mệnh danh là "trại huấn luyện Olympic sắc đẹp" cho những phụ nữ đẹp với “thầy phù thủy” biến những cô gái vô danh thành các nhan sắc nổi tiếng Osmel Sousa.
Mọi em bé đều bị ám ảnh bởi mong muốn trở thành hoa hậu ngay từ thuở bé
Các em được dạy dỗ phong cách từ A-Z
Tại các trường đào tạo, những bé gái Venezuela được dạy về khả năng diễn thuyết, kỹ năng trình diễn bằng giày cao gót, nghệ thuật trang điểm và làm tóc. Tất cả bước vào một cuộc đua tranh gay gắt, mong muốn lọt vào mắt xanh của các nhà quản lý, tuyển dụng.
Những cô gái may mắn nổi bật và được lựa chọn sẽ được chăm sóc, huấn luyện đặc biệt hơn. Họ trở thành đối tượng được các bác sĩ thẩm mỹ nghiên cứu, thảo luận xem đâu là những điểm khiếm khuyết trên cơ thể. Sau đó, người ta tiến hành phẫu thuật thẩm mỹ như chỉnh sửa mũi, nâng ngực,… cho các cô gái này để họ có vẻ đẹp hoàn hảo nhất.
Điểm khác biệt của các hoa hậu Venezuela so với các nước khác đó là kỷ luật nghiêm minh và khả năng giữ gìn hình ảnh. Hoa hậu không chỉ là thi tài và lên ngôi, đó là cả một quá trình quan trọng từ khi còn bé cho tới sau khi đạt vương miện. Những điều này đều được giáo dục cho các cô gái Venezuela từ thuở thiếu thời. Đó cũng là lý do các hoa hậu nước này sau khi đăng quang vẫn giữ được hình ảnh đẹp của mình trong mắt công chúng, không vướng vào các vụ lùm xùm, scandal.
Hình ảnh hoa hậu Venezuela luôn toát lên vẻ thánh thiện, trong sáng
2. Lò đào tạo hoa hậu ở Ấn Độ
Nhắc tới Ấn Độ, người ta thường nghĩ tới các tôn giáo lớn nhưng ít ai biết rằng, đây là một trong những quốc gia có ngành công nghiệp đào tạo hoa hậu rất phát triển.
Theo đó, các chuyên gia sắc đẹp của Ấn Độ đưa ra một công thức rõ ràng cho một hoa hậu thế giới. Công thức này trở thành chuẩn mực, tiêu chí cho mọi sự lựa chọn, huấn luyện các cô gái mong muốn một lần được đội vương miện sắc đẹp. Đó là: phải sống ở ngoại ô, tham gia các cuộc thi Hoa hậu Ấn Độ, ăn kiêng, chế độ tập luyện hà khắc, phẫu thuật cải thiện làn da, trò chuyện với các nữ tu sĩ nổi tiếng, biết quảng cáo hình ảnh bản thân và sử dụng đồ trang sức.
Người Ấn Độ cho rằng chỉ có sống ở nông thôn hay các vùng nghèo khó, các cô gái mới có đủ quyết tâm để trở thành hoa hậu
Trên thực tế, các cô gái đẹp không phải nhân vật chính trong ngành công nghiệp này ở Ấn Độ mà chỉ là “gà công nghiệp” được các chuyên gia chăm sóc, đào tạo mà thôi. Họ tuân theo triệt để công thức trên cũng như các bước mà các chuyên gia tư vấn.
Đầu tiên, sau khi được tuyển chọn gắt gao và kỹ lưỡng từ các vùng khác nhau, các ứng viên bước vào quá trình rèn luyện gắt gao để trở thành hoa hậu. Họ được đưa tới chỗ các chuyên gia làm đẹp, bác sĩ thẩm mỹ để trang điểm, trùng tu nhan sắc, thậm chí là lột da để trắng hơn. Ở Ấn Độ, người ta quan niệm: các cô gái không được phép yêu cầu chuyên gia trang điểm cho mình như thế nào, bởi đơn giản họ là các bậc thầy trong lĩnh vực ấy.
Đồ ăn, thức uống luôn hướng tới sự cân bằng dinh dưỡng cho các ứng viên hoa hậu
Sau đó, những cô gái đẹp tiếp tục được kê chế độ ăn uống dinh dưỡng, trải qua thử thách giảm cân và bắt uống một loại nước đặc biệt – thứ nước uống tâm linh tổng hợp từ các tôn giáo khác nhau. Cùng với đó, họ được giáo dục và dạy cách trả lời các câu hỏi ứng xử một cách trau chuốt, nhuần nhuyễn và thông minh.
Kết thúc quá trình này, sản phẩm ra “lò” chính là các người đẹp vừa có nhan sắc, biết cách làm đẹp nhưng đồng thời rất tài năng trong ứng xử, kiến thức.
3. Lò đào tạo hoa hậu ở Nhật Bản
Không có các trường đào tạo chuyên nghiệp như ở Venezuela, nhưng ngành công nghiệp hoa hậu ở Nhật Bản cũng được xem là đình đám trên thế giới.
Xét về khoa học làm đẹp, Nhật Bản lại càng nổi tiếng khi xếp tốp đầu thế giới bởi hệ thống dịch vụ chăm sóc sắc đẹp tiên tiến. Họ có những thương hiệu mỹ phẩm uy tín như Shiseido, Kose, Kanebo, được các tập đoàn danh tiếng như Sony, Panasonic sản xuất các dụng cụ làm đẹp như máy uốn tóc, thiết bị sóng siêu âm…
Bắt đầu từ năm 1997, với sự xuất hiện của người phụ nữ Pháp Ines Ligron, công nghệ đào tạo hoa hậu hoàn vũ ở Nhật Bản bước sang một trang mới hoàn toàn. Miss Universe Japan do Ligron đứng đầu nhanh chóng trở thành một “lò” cho sản sinh ra rất nhiều người đẹp nổi tiếng thế giới. Trong vòng 16 năm qua, 3 cô gái do Ines Ligron đào tạo đã lọt vào top 5 hoa hậu hoàn vũ thế giới, trong đó có 1 á hậu và 1 hoa khôi.
Chân dung Ines Ligron - người được coi là "bà tổ" ngành công nghiệp hoa hậu ở xứ sở hoa anh đào
Ligron tận tình chăm sóc những đứa "con cưng" của mình
Tại khóa huấn luyện của mình, các cô gái của Ines Ligron sẽ được giải phóng theo đúng nghĩa đen. Câu nói nổi tiếng của Ligron nói với các học viên của mình trong những ngày đầu tiên là “ Được rồi, các cô gái, tôi muốn nhìn tất cả trong các bộ đồ lót. Ngay bây giờ”.
Các cô gái ở Nhật phải khổ luyện để có thân hình hoàn hảo
Với chuyên môn của mình, bà huấn luyện các cô gái Nhật rất khắt khe, cho họ sống cùng các chuyên gia trang điểm, làm đẹp, dạy họ “cách để trở thành một người phụ nữ, một phụ nữ gaijin (ngoại quốc)”.
Chân dung hoa hậu hoàn vũ thế giới người Nhật Bản Riyo Mori
Theo Kênh 14
* Bài viết có sử dụng tư liệu tham khảo từ các nguồn BBC Magazine, IndiaTogether, Wikipedia...