Hẳn bạn sẽ kinh ngạc trước chế độ ăn "khủng khiếp" mỗi ngày của các vận động viên.
Mới đây, vận động viên Ánh Viên - niềm tự hào của bơi lội Việt Nam vừa tiết lộ khẩu phần dinh dưỡng của mình trong quá trình tập luyện cho Olympic năm nay. Theo đó, mỗi bữa, Ánh Viên phải ăn 1kg thịt bò, 50 con tôm, một đĩa mỳ to và một đĩa rau trộn. Ngoài ra, em phải uống 2 lít sữa mỗi ngày chưa kể trái cây và các loại nước ép khác.
Để vô địch Olympic, thói quen ăn uống và thực đơn của các vận động viên đỉnh cao là ngoài sức tưởng tượng của người thường. Ít ai biết rằng, chế độ dinh dưỡng "khủng" đã được các chuyên gia áp dụng cho các các vận động viên áp dụng từ những năm đầu tiên của Thế vận hội Olympic và nó đã góp phần không nhỏ tới sức khỏe, sự thắng bại của vận động viên.
Từ chế độ ăn của các vận động viên thời Olympic cổ đại...
Các kỳ Olympic ngày nay thay đổi đáng kể so với thuở khai sinh vào năm 776 TCN. Từ thời đó, các vận động viên đã rất quan tâm tới chế độ ăn uống. Theo tài liệu ghi chép lại từ thờii Hy Lạp và La Mã, một bữa ăn bình thường bao gồm chủ yếu bánh mì, rau và hoa quả. Cá là thức ăn mặn phổ biến nhất ở những khu làng chài.
Các vận động viên Olympic cổ đại thường đến từ tầng lớp quý tộc, bởi gia đình giàu có thì mới có thể chu cấp cho con mình nhiều thịt, rau, đậu giàu protein để phát triển cơ bắp.
Bản ghi chép sớm nhất nói về một chế độ ăn uống nhiều hoa quả và pho mát, dành riêng cho các vận động viên Olympic đầu tiên. Nhưng đến một thời điểm nào đó, tâm điểm trong bữa ăn được chuyển sang thịt.
Cuốn sách The Deipnosophists (hay còn gọi là cuốn Bữa tiệc của các triết gia) đã kể về câu chuyện của đô vật Milon vùng Croton - người giành chiến thắng trong 6 kỳ Olympic khác nhau. Theo đó, Milon thường xuyên ăn 9kg thịt mỗi ngày cùng rất nhiều bánh mì. Anh ta còn uống 3 vò rượu.
Tại Olympic, anh đã nâng một con bò mộng 4 tuổi (nặng khoảng chừng 700kg - 1 tấn) trên vai và vác đi khắp sân vận động. Sau đó, anh đã xẻ thịt nó ra và một mình ăn hết trong một ngày. Không chỉ có đô vật mà ngay cả vận động viên chạy Olympic thời xưa cũng tuân theo chế độ ăn nhiều thịt.
... đến chế độ ăn Olympic ở thời hiện đại
Để đạt được mục tiêu chiến thắng, các vận động viên phải cố gắng đến giới hạn cuối cùng. Với cường độ tập luyện lên tới 6 - 7 tiếng/ngày, 6 ngày/tuần, cùng với các bài tập khắt khe, nhất là ở những môn đòi hỏi thể lực cao, các vận động viên luôn phải duy trì một chế độ ăn uống phù hợp.
Chế độ ăn của nữ đô vật người Thổ Nhĩ Kỳ - Elif Jale Yesilirmak tham dự Olympic London 2012.
Ví dụ ở các môn như điền kinh, đô vật, cử tạ, ném lao... các vận động viên phải duy trì khoảng 3.000 calo mỗi ngày cùng với các món ăn đảm bảo đầy đủ dinh dưỡng từ thịt, rau xanh, ngũ cốc, hoa quả, các loại vitamin và uống khoảng 4 - 5 lít nước.
Với mật độ tập luyện dày đặc nên mức tiêu thụ thực phẩm, dinh dưỡng của các vận động viên luôn thuộc hàng khủng và ngoài sức tưởng tượng với chúng ta. Như nhà vô địch thế giới 100m người Jamaica, Blake cho biết, anh ăn đến 16 trái chuối/ngày hay cựu vô địch marathon Olympic (Sydney 2000) người Nhật Bản - Naoko Takahashi tiêu thụ 2kg cá sau mỗi buổi tập.
Vận động viên marathon người Australia - Sisay Bezabeh - người tham gia Olympic Athens 2004 chia sẻ, anh từng ăn ngấu nghiến nhiều đĩa thịt băm sống xay nhuyễn trong khẩu phần ăn của mình.
Ít ai biết rằng, kình ngư Michael Phelps đã và đang áp dụng một thực đơn khắc nghiệt trong chế độ tập luyện của mình. Để chuẩn bị cho Olympic, Phelps phải áp dụng chế độ tập luyện và ăn uống hợp lý. Hàng ngày, anh tập 3 lần, mỗi lần bơi khoảng 4km. Để bù lại năng lượng đã mất, anh ăn cực nhiều.
Trung bình mỗi ngày, Phelps tiêu thụ 12.000 calo, một con số quá khác biệt so với các vận động viên khác. Bữa sáng của anh gồm: 3 bánh sandwich kẹp trứng, 3 bánh chuối chocolate, 5 quả trứng rán, 3 bánh mỳ bọc đường kiểu Pháp, một bát cháo yến mạch.
Bữa trưa là 1/2 kg mỳ ống, 2 bánh sandwich cỡ to kẹp jambon, 3,7 lít nước dinh dưỡng bổ sung năng lượng. Bữa tối anh ăn hết 1/2 kg mỳ ống, bánh pizza và nước uống dinh dưỡng đặc biệt. Ước tính sơ sơ, sức ăn của anh phải bằng 6 người bình thường cộng lại. Có lẽ, chính vì chế độ ăn khác thường như vậy mà anh mới có thể rinh về nhiều huy chương và được gọi là “kình ngư”.
* Bài viết sử dụng tư liệu tham khảo từ các nguồn: Fitness Magazine, CNN, Prevention...