Cơ hội cho những người nghèo tiếp cận với ánh sáng điện gần hơn bao giờ hết!
Có lẽ cô bé tài năng Maanasa Mendu đã tìm ra cách cung cấp được nguồn năng lượng gió và năng lượng Mặt Trời đến cho bất kì người dân nào sống trên Trái Đất này với một cái giá cực rẻ.
Thứ Ba vừa rồi, cô bé 13 tuổi tới từ Ohio đã giành được giải Thử thách Khám phá Những nhà khoa học trẻ tuổi 3M với phát minh “lá Mặt Trời”, một thiết bị tạo năng lượng với giá rất rẻ. Bên cạnh việc giành được danh hiệu Những nhà khoa học trẻ tuổi hàng đầu nước Mỹ, cô bé Mendu còn được thưởng số tiền 25.000 USD.
Những em đạt giải nhất, theo thứ tự từ trái sang phải gồm có Amelia Day - Rohan Wagh - Maanasa Mendu (giải Nhất) - Kaien Yang.
Những chiếc lá ấy được thiết kế cho những khu vực cần một nguồn cung cấp năng lượng rẻ, và tuyệt vời hơn là sản phẩm này chỉ tốn 5 USD để chế tạo.
Cô bé Mendu đã nghĩ ra ý tưởng sản xuất năng lượng giá rẻ trong một chuyến du lịch Ấn Độ, tại đó cô bé đã thấy nhiều người không có điện và nước sạch để sử dụng. Ban đầu, Mendu chỉ tính tới việc sản xuất năng lượng bằng sức gió.
Đây là sản phẩm nguyên mẫu, khi em bước vào cuộc thi này:
Nhưng trong quá trình tiếp tục nghiên cứu, cô bé cùng với người hướng dẫn Marguaz Mitera đã cải tiến cỗ máy, khiến chúng trở nên đa năng hơn. Được truyền cảm hứng từ cách thức hoạt động của một chiếc lá cây, họ đã tập trung vào chế tạo những chiếc lá Mặt Trời có thể thu thập được năng lượng rung động.
Đây là phương thức hoạt động của những chiếc lá ấy: chúng có thể lấy năng lượng từ sức mưa, sức gió và thậm chí cả ánh nắng Mặt Trời qua các tấm vật liệu áp điện. Tất cả chúng được biến thành năng lượng có thể sử dụng được.
Sản phẩm cuối cùng của cô bé Maanasa Mendu:
Hiện tại, cuộc thi đã kết thúc và cô bé Mendu nói rằng em muốn phát triển kĩ thuật này xa hơn nữa, áp dụng nhiều bài thử hơn nữa để sản phẩm này có thể được chính thức thương mại hóa.
Chỉ với cái giá vỏn vẹn 5 USD, những người dân nghèo ở các khu vực hẻo lánh và thiếu thốn sẽ có được điện năng để sử dụng. Quả là tương lai của Trái Đất đang nằm tại đôi bàn tay của thế hệ tiếp theo.
Theo Genk