Những cuộc dạo chơi khi đi xem kịch hiện đang tạo thành một làn sóng mới ở Anh. Tại đây, người ta bắt đầu thấy xuất hiện những vở kịch yêu cầu người xem phải di chuyển thật nhiều. Người xem thậm chí không biết khi vở kịch kết thúc, mình sẽ dừng chân ở đâu.
Việc xem kịch ở khắp nơi trên thế giới hầu hết đều yêu cầu khán giả phải ngồi xem trong suốt chiều dài vở kịch - một trạng thái tĩnh tại.
Để thay đổi hình thức xem kịch theo kiểu truyền thống này, một số nhà hát ở Anh đã bắt đầu thử nghiệm hình thức “xem kịch dạo chơi”, nghĩa là mỗi khi vở kịch chuyển sang một hồi mới, hoặc một phân cảnh mới, người xem sẽ đứng lên, di chuyển sang một địa điểm khác với bối cảnh khác. Đôi khi trong quá trình di chuyển, diễn viên vẫn tiếp tục diễn, đó thường là những cảnh hành động.
Sự di chuyển lúc này trở thành một phần của nghệ thuật. Việc một đoàn người đi theo những diễn viên dẫn đường lúc này không chỉ đơn thuần là một sự di chuyển, nó còn là một đoàn rước nghệ thuật. Lúc này, diễn viên và người xem hòa hợp thành một, có những sự tương tác thú vị. Bản thân người xem cũng có tương tác rộng hơn với những người xem khác.
Kết quả là khi vở kịch kết thúc, người ta sẽ không chỉ thưởng thức nghệ thuật, mà sẽ được vận động, được giao lưu trò chuyện, vì vậy, hoạt động xem kịch lúc này mang tính giải trí cao.
Các nhà sản xuất còn khéo léo đưa vào những yếu tố có vai trò gần như “thôi miên” khán giả. Khi họ cùng đi về một hướng, với cùng một tốc độ và lắng nghe cùng một giai điệu, họ sẽ có cảm tưởng như mình đang tham gia vào một cuộc hành trình thần thánh. Trong quá trình di chuyển, người ta thường đưa vào những bản nhạc giúp tạo thành nhịp điệu di chuyển.
Nếu việc ngồi yên trong rạp xem kịch đôi khi bị xem là tù túng, bức bối thì với kiểu “xem kịch dạo chơi” này, khán giả sẽ có cảm giác được giải phóng khỏi sự gò bó.
Việc di chuyển cũng đồng thời thúc đẩy sự linh hoạt của trí não, khiến người xem tuyệt đối không rơi vào tình trạng buồn ngủ, thậm chí sẽ cảm nhận vở kịch được tốt hơn. Nếu đối với các nhà văn, việc đi lại giúp họ đạt tới trạng thái tâm lý thích hợp cho việc sáng tác, thì với người xem kịch, việc di chuyển cũng giúp họ có được tâm thế tích cực hơn để đón nhận tác phẩm.
Khi di chuyển, các giác quan được đánh thức, vì thế, việc tiếp nhận, thấu hiểu vở kịch cũng diễn ra mạnh mẽ hơn so với việc thụ động ngồi trước sân khấu theo dõi các diễn tiến.
Việc di chuyển cũng đồng thời làm gián đoạn sự tập trung đáng lẽ sẽ kéo dài liên tục cho tới khi vở kịch kết thúc. Khi có những đoạn nghỉ giữa chừng như thế, sự tập trung sau đó sẽ được tăng lên, người xem cũng bớt đi cảm giác mệt mỏi hoặc cảm thấy vở kịch kéo dài lê thê.