"Chữa bệnh" cho vũ khí ở Trường Sa

Admin   Admin
Ngày đăng: 05/07/2018
0 bình luận
Chúng tôi gọi cán bộ, công nhân viên hai nhà máy Z133 và Z751, Tổng cục Kỹ thuật, là những bác sĩ "chữa bệnh" cho vũ khí ở Trường Sa.
 

Bởi trong nhiều năm qua, với tinh thần trách nhiệm cao, họ đã sửa chữa, bảo dưỡng được nhiều vũ khí, trang bị kỹ thuật, góp phần nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu cho các đảo.

Thượng tá Vũ Quang Minh, Phó giám đốc Nhà máy Z133 kể lại: Đó là vào năm 1992, anh có chuyến công tác đầu tiên ở Trường Sa. Thời kỳ ấy, tàu đưa người ra đảo là loại tàu LCU chạy với tốc độ 2,7 hải lý/giờ. Nếu gặp thời tiết xấu, tàu có thể chạy với “tốc độ âm”. Chuyến ra Trường Sa năm ấy, đoàn sửa chữa của Nhà máy Z133 phải đi mất 5 ngày, 5 đêm.

Cán bộ, công nhân Nhà máy Z133 sửa chữa vũ khí, trang bị trên đảo.
 

- Nhiều lúc sóng to, gió lớn, để an toàn chúng tôi phải lấy dây dù cột mình vào các vị trí trên tàu. Tất cả anh em đều say sóng nằm mê man bất tỉnh, riêng tôi thì lại say đói, nghĩa là vừa ăn vào bụng chưa đầy tiếng đã thấy đói cồn cào đến hoa mắt chóng mặt, anh Minh nói.

Vất vả nhất cho lực lượng sửa chữa chính là việc đưa vật tư, trang thiết bị vào đảo. Mỗi chuyến đi của họ mang theo ít nhất cũng vài tấn vật tư. Mà vật tư mang ra đảo thì cái gì cũng quý. Sơ sảy để rơi xuống biển coi như không hoàn thành nhiệm vụ. Có lần, sóng to, đoàn sửa chữa của Nhà máy Z133 làm rơi 2 bình ô xi cao áp xuống biển, anh em cứ đứng tần ngần nhìn nhau lo lắng.
 
Chưa biết xử trí thế nào thì cán bộ, chiến sĩ trên đảo nói ngay: Chỗ này nước không sâu lắm, để khi thủy triều xuống, bớt sóng chúng tôi sẽ ra lặn vớt giúp các đồng chí. Mừng đến quên cả cảm ơn. Mãi tối hôm ấy, khi đảo tổ chức liên hoan đón đoàn sửa chữa, các anh mới mang vài cân rau, củ, quả ra… góp liên hoan.

Ra đảo, công việc chính của lính thợ kỹ thuật chính là “bắt mạch” cho từng loại vũ khí trang bị, sau đó “kê đơn, bốc thuốc”. Nói nghe thì rất dễ nhưng khi bắt tay vào làm lại vô cùng khó khăn, bởi điều kiện thời tiết ở đảo khắc nghiệt; sự xâm hại của nước mặn làm cho vũ khí, trang bị nhanh xuống cấp. Nếu không bảo quản, bảo dưỡng thường xuyên, đúng quy trình thì trang bị rất dễ hỏng hóc. Có một câu chuyện trong bảo quản vũ khí mà ngay sau đó cán bộ, chiến sĩ đảo đã rút kinh nghiệm kịp thời. Đó là khi tổ sửa chữa của Nhà máy Z133 ra kiểm tra pháo, thấy rất đẹp, sơn xanh, mới tinh, nhưng khi kiểm tra bên trong đã có hiện tượng han gỉ. Nhân sự việc này, tổ sửa chữa đã hướng dẫn cụ thể, tỉ mỉ hơn cách bảo quản vũ khí, trang bị cho bộ đội, nhất là phương pháp chống nước mặn xâm hại.

Thường thì trước khi ra đảo làm nhiệm vụ, cán bộ, công nhân viên hai nhà máy Z133 và Z751 đều nắm chắc các loại vũ khí trang bị đang gặp sự cố, hỏng hóc gì để chuẩn bị trang thiết bị mang theo, nhưng khi ra thực tế thì rất nhiều tình huống xảy ra ngoài dự kiến, đòi hỏi lính thợ kỹ thuật phải thật sự linh hoạt, sáng tạo mới có thể giải quyết được công việc ngay tại đảo.

Thượng tá Vũ Quang Minh nhắc lại chuyện sửa khẩu pháo A với chúng tôi như một bài học kinh nghiệm sâu sắc. Ngày ấy, khi kiểm tra nòng pháo A, theo đúng quy trình phải rút hẳn nòng mới lấy được bộ giảm lùi. Nếu ở bờ có hệ thống cẩu thì việc này rất đơn giản, nhưng trên đảo, phương tiện duy nhất là ba lăng xích 1,5 tấn cắm trên nền đất dùng sức người kéo.

Chưa biết tính toán thế nào thì nhóm thợ “lành nghề” gồm đồng chí Lê Quang Phương, Nguyễn Văn Chung, Phạm Thọ Khiết đã nhanh trí hiến kế: Phải phân tán trọng lượng bằng cách cẩu từng đầu một, sau đó tiến hành kê kích; khi kê kích xong đẩy pháo lên sẽ lấy được nòng ra. Sáng kiến này đã giúp các anh không chỉ sửa chữa nhanh chóng nòng pháo A, mà còn áp dụng trong nhiều trường hợp sửa chữa trang bị kỹ thuật khác.

Do tính chất nhiệm vụ nên mỗi chuyến ra đảo sửa chữa vũ khí, những người lính thợ thường phải xa gia đình từ 2 đến 3 tháng. Những năm trước, trên các đảo thuộc quần đảo Trường Sa chưa có điện thoại nên gần như không liên lạc được với đất liền. Rau xanh, lương thực, thực phẩm thiếu thốn đủ bề. Thời kỳ ấy nước ngọt phải chia nhau từng ca, bộ đội chủ yếu tắm biển rồi lên tráng lại bằng nước ngọt…

Thiếu thốn là vậy, nhưng vượt lên tất cả, những người lính thợ đã cùng với lính đảo chia ngọt sẻ bùi, kiên cường bám đảo, bám trang bị kỹ thuật để bảo dưỡng, sửa chữa, góp phần tạo nên sức mạnh và khả năng sẵn sàng chiến đấu tốt nhất cho quân dân Trường Sa.

Giờ ra Trường Sa làm nhiệm vụ không còn khó khăn như trước, nhưng với những người lính làm công tác kỹ thuật của hai nhà máy Z133 và Z751, mỗi chuyến ra đảo làm nhiệm vụ đều là những kỷ niệm không thể nào quên, đồng thời là những kinh nghiệm quý báu trong cơ động sửa chữa trang bị kỹ thuật cho tuyến đảo.

 

Theo Soha

Mời bạn xem thêm:

5 vũ khí phi sát thương kỳ dị nhất hành tinh

10 vũ khí nguy hiểm nhất thế giới

7 Vũ khí không giống ai vừa được công bố

Viết bình luận
Email sẽ không công khai khi bạn đăng bình luận
zalo