Trong số 7.185 nhân viên của Facebook, có lẽ công việc khó nhất là của Arturo Bejar - đảm bảo mọi thành viên Facebook luôn cư xử tử tế với nhau.
Công việc của Arturo Bejar không phải là tăng doanh thu quảng cáo hay đảm bảo website Facebook hoạt động 24/7. Bejar có nhiệm vụ khó khăn hơn nhiều, đó là “dạy dỗ” 1,3 tỷ thành viên Facebook, đặc biệt là hàng chục triệu thành viên tuổi teen, về cách cư xử tử tế và tôn trọng nhau trên mạng xã hội.
Theo báo New York Times, tôn trọng nhau trên môi trường mạng xã hội là điều không bao giờ xảy ra. Và nếu Bejar nghĩ anh ta có thể khiến người dùng Facebook tử tế với nhau, thì Bejar quả thật ngốc nghếch!
Nhưng đó chính là nhiệm vụ mà Bejar phải làm. Là giám đốc của bộ phận Chăm sóc và Bảo vệ Facebook, Bejar tin rằng hầu hết người dùng không muốn tỏ ra thô lỗ, nhưng họ sẽ không rút lại một bình luận (ngay cả khi bình luận đó thật tệ), nếu họ nhận ra nó khiến một người khác bị tổn thương.
Bejar cho rằng, “thành công của một mạng xã hội phần lớn phụ thuộc vào việc giải quyết vấn đề này tốt hay không, vào việc người dùng có cư xử tử tế và cảm thông với nhau không. Hầu hết những người từ bỏ các dịch vụ như Twitter và Instagram mà tôi biết là vì người khác đưa ra những lời bình luận hằn học, nhạy cảm hoặc tục tĩu, gây bực bội”.
Theo một báo cáo vừa được công bố của Dự án Internet thuộc Trung tâm nghiên cứu Pew, 65% người trẻ trong độ tuổi từ 18-29 tại Mỹ nói họ đã từng bị quấy rối trên mạng, và 92% chứng kiến một người khác bị bắt nạt.
Nỗ lực ngăn chặn tình trạng tiêu cực trên Facebook và gia tăng những hành vi cư xử tử tế của người dùng Facebook có vẻ đang hoạt động tốt. Facebook cho biết, mỗi tuần có đến 8 triệu thành viên Facebook sử dụng các công cụ cho phép người dùng báo cáo về một bình luận, trạng thái hay bức ảnh nào đó gây tổn thương đến người khác. (Các công cụ này nằm trong phần mũi tên nhỏ trổ xuống trong góc bên phải của một trạng thái hoặc các nút tùy chọn ở dưới cùng của các bức ảnh).
Nhóm của Bejar đã thiết kế các công cụ này để mọi người biết ai đã làm tổn thương tình cảm của người khác, và hệ thống này thực sự hoạt động. Người dùng tuổi teen là đối tượng cần tập trung nhất, không chỉ vì họ dễ trở thành nạn nhân của tệ bắt nạn trên mạng mà vì đôi khi họ thiếu sự trưởng thành, kiềm chế trong tình cảm để xử lý các tình huống tiêu cực.
Điều đáng nói hơn nữa là người đăng các bức ảnh, trạng thái, status này không cố ý gây tổn thương, mà đó chỉ là những câu chuyện đùa không đúng lúc trên môi trường mạng. Khi Facebook khảo sát các thành viên tài sao họ chia sẻ một trạng thái gây tổn thương một ai đó, gần 90% nói họ nghĩ bạn bè sẽ thích nội dung đăng tải đó, hoặc sẽ nghĩ theo hướng hài hước, buồn cười. Chỉ 2% người dùng muốn “cảnh cáo” người khác.
Trong thời gian tới, Facebook cho biết đội của Bejar đang thử nghiệm những “âm thanh” giúp mọi người thể hiện cảm xúc của họ. Như thế, Facebook có thể không chỉ có những bình luận, nội dung bằng lời, bằng ảnh và bằng các biểu tượng cảm xúc, mà sẽ có cả những hiển thị bằng âm thanh. Hãy tưởng tượng, người dùng sẽ gửi đến người khác một âm thanh thể hiện sự thở dài, tiếng càu nhàu hay một tiếng cười rúc rích, tiếng vỗ tay tán thưởng. Nhưng Bejar thừa nhận: “Vẫn còn rất nhiều việc phải làm về mặt công nghệ để người dùng Facebook đối xử nhân đạo với nhau”. Có thể, ý tưởng này không hề ngốc nghếch chút nào.
Theo Zing
Mời bạn xem thêm:
Nhận ra con gái mất tích qua ảnh trên Facebook