Vênh mặt với cả làng
Trong một lần đi chơi xa bằng ô tô với bạn bè, tuy chưa có bằng lái, anh Nguyễn Mạnh Hà (Đan Phượng, Hà Nội) vẫn được bạn bè cho cầm vô lăng tập lái những chỗ vắng người. Thấy lái xe thú vị, anh Hà đăng ký đi học để lấy bằng ngay.
Sau 3 tháng học, anh Hà rất phấn chấn khi được cấp giấy phép lái xe. Buổi đầu tiên có bằng, anh thuê xe tự lái chở vợ con đi chơi một vòng Hà Nội. Nhưng thuê xe nhiều và thấy tốn kém, anh bàn với vợ mua ô tô riêng để gia đình đi lại chủ động.
Mặc dù rất đắn đo với mức thu nhập 10 triệu đồng/tháng của cả hai vợ chồng, nhưng được vợ cổ vũ, anh vẫn nhất quyết mua xe riêng, bằng mọi giá. Có xe, anh được lái, vợ thì giải quyết được “khâu oai” với bạn bè. Vì thế, khi tài sản tích cóp của hai vợ chồng chỉ đủ mua nửa chiếc xe giá gần 400 triệu, vợ chồng anh hỏi vay bạn bè, bố mẹ, người thân, quyết mua bằng được.
Sở hữu những chiếc xe như thế này là mơ ước của nhiều người (ảnh minh họa)
Nói đến độ “máu” sở hữu ô tô riêng phải kể đến vợ chồng anh N.Q.Đạt và chị N.T.Hằng (Ý Yên, Nam Định). Hai vợ chồng đang ở nhà thuê ở Hoàng Mai, Hà Nội cùng với cậu con trai 3 tuổi. Mệt mỏi với cảnh chen chúc trên xe khách mỗi lần về quê, nhất là khi có con nhỏ vất vả, chuyện mua xe 4 bánh bắt đầu được bàn tới.
Với thu nhập 15 triệu đồng/tháng của hai vợ chồng, số tiền tiết kiệm được sau hơn 5 năm chi tiêu chắt bóp cũng khó đủ để mua chiếc xe “cà tàng”, huống chi là xe tiền tỷ. Nhưng được sự đồng thuận của vợ, anh Đạt quyết định vay 300 triệu để mua chiếc Kia Morning, bất chấp sự phản đối của bố mẹ đẻ.
Anh Nguyên Văn Chuyên (Gia Lâm, Hà Nội), một giáo viên dạy lái xe, cho biết, nhiều người đi học lái ô tô cũng chỉ theo phong trào, cho vui, đề phòng nếu có đi đâu xa thì thuê xe tự lái. Học xong rồi, tấm bằng cất trong ví thì lại muốn có xe riêng chứ không thích thuê.
“Tâm lý lần đầu ngồi cầm vô lăng làm cho người ta rất dễ nghiện, rồi trở nên yêu xe và muốn được sở hữu nó. Họ tham gia vào các chuyến đi chơi xa, thuê xe tự lái, sau đó về đòi gia đình mua xe bằng được”, anh Chuyên cho biết.
Anh Hà và anh Đạt là hai trường hợp điển hình trong số rất nhiều “khổ chủ” sở hữu ô tô riêng. Trong đó, không ít người chưa thể lường trước được khoản phí khổng lồ để nuôi xe, đành phải tống “của nợ” đi để “giải phóng” khỏi cảnh nợ nần.
Bán rẻ chạy nợ
Sau khi thỏa mãn cơn thèm được ngồi vô lăng, nhiều người mới nghĩ đến bài toán kinh tế khi mà hàng tháng phải trả khoản tiền đáng kể để duy trì xe.
Khi xảy ra va chạm giao thông hay xe ô tô bị hỏng thì việc sửa chữa cũng tốn kém một khoản không nhỏ.
Anh Dương Ngọc Minh (Cầu Giấy, Hà Nội) đang than ngắn thở dài về chiếc xe hàng tháng ngốn của vợ chồng anh đống tiền. “Tôi đang muốn tống quách nó đi, rẻ cũng bán, chứ để nằm đây thì phải đắp bao nhiêu tiền vào nuôi nó. Ban đầu mua xe chỉ tính việc đi chơi, sĩ diện với bạn bè. Thôi, sau 3 tháng, hai vợ chồng gồng mình kiếm thêm để bù vào khoản xăng xe mỗi khi đi đâu”, anh Minh kể.
“Trước kia chưa có xe hơi, cả nhà thỉnh thoảng đi ăn nhà hàng. Từ khi có nó, gia đình hầu như không được ra ngoài ăn nữa. Mặc dù có xe, đi thì không nhiều, nhưng tính ra như phải nuôi thêm một thành viên mới, rất tốn kém”, anh Minh nói thêm.
Còn vợ chồng anh Trần Thanh Bình (Thanh Xuân, Hà Nội), sở hữu xe Daewoo Lacetti cũng lâm vào cảnh phải bán xe cho rảnh nợ, khi mỗi tháng phải chi gần 10 triệu đồng nuôi xe. “Nhà mình ở chung cư cũ, phải thuê chỗ gửi xe, tính ra hết 1-1,5 triệu đồng/tháng. Tiền xăng xe đi lại ít cũng mất 2-3 triệu; rồi tiền sửa xe, tiền mua bảo hiểm, phí đăng kiểm...
Chưa kể, thỉnh thoảng bị mấy chú công an gọi vào phạt cũng phải mất đôi triệu nếu vi phạm giao thông. Khoản thu nhập 15 triệu đồng của hai vợ chồng tháng nào cũng hết sạch”, anh Bình tâm sự.
Theo một số chuyên gia xe hơi, khi sở hữu một chiếc xe gia đình, nhiều “khổ chủ” không lường được chi phí trong quá trình vận hành xe. Thông thường, cứ 10 người thì có tới 7 người không quan tâm nhiều đến điều đó, cuối tháng mới ngã ngửa vì tốn kém, buộc phải “bỏ của chạy lấy người”, rao bán với giá chỉ bằng 20-50% giá trị lúc mua vào.
Vợ chồng anh Hùng, chị Hương (Hà Đông, Hà Nội) vừa thoát được “của nợ” là chiếc Kia Morning đời 2008, kể cả khi việc bán xe lỗ gần 20 triệu đồng, nhưng anh chị thấy như trút được một gánh nặng. “Từ nay chi tiêu sẽ thoải mái hơn, nếu có đi đâu thuê xe tự lái rẻ hoặc đi taxi, vẫn rẻ hơn nhiều so với có xe riêng”, chị Hương đúc kết.
Một chuyên gia tư vấn tài chính cho rằng, với dòng xe phân khúc thấp nhất hiện nay như Kia Morning, Daewoo Gentra, Spark... có giá từ 300-350 triệu đồng, nếu muốn sở hữu thì thu nhập cả gia đình ít nhất cũng phải trên 20 triệu đồng/tháng mới nên mua.