Nghiên cứu mới đây đã cho thấy các "anh hùng bàn phím" có xu hướng lành tính hơn gấp 2 lần trên mạng xã hội Facebook so với các website hay diễn đàn mở.
Chắc chẳng cần nhắc tới, khái niệm "anh hùng bàn phím" hay "Internet Troll" giờ đây đã trở thành cụm từ quen thuộc của cư dân mạng. Từ các mạng xã hội, các diễn đàn cho tới cả các trang thông tin điện tử, sự xuất hiện ngày một nhiều của thành phần này đang làm cho môi trường internet trở nên ô nhiễm hơn.
Đặc điểm thường thấy nhất ở những "anh hùng bàn phím" là thái độ gay gắt với người khác trên internet, họ luôn cho rằng quan điểm của họ đúng, họ là số 1 (là anh hùng) và tự đặt mình ở vị trí cao hơn những người còn lại.
Sự phát triển của anh hùng bàn phím nở rộ sau khi các mạng xã hội bùng nổ, việc giấu mình sau màn hình khiến cho một bộ phận người dùng internet mạnh dạn hơn với các bình luận của mình, thẳng thắn chỉ trích người khác mặc dù họ không hề biết quan điểm của mình có đúng hay không.
Giống như nhiều quốc gia khác trên thế giới, anh hùng bàn phím tại Việt Nam phát triển không ngừng sau khi Facebook xuất hiện. Tuy nhiên, nghiên cứu mới đây cho thấy mặc dù là nơi sản sinh ra những anh hùng bàn phím thế nhưng Facebook lại là đất dữ cho những hảo hán này.
Nghiên cứu mới đây nhất của giáo sư Ian Rowe tại trường Đại học Kent, London cho hay các anh hùng bàn phím có xu hướng hiền lành hơn trên Facebook, khác xa với những gì họ thể hiện trên các diễn đàn hoặc các trang thông tin mở. Nghiên cứu này được ông đưa ra sau khi khảo sát rất nhiều website mở trên thế giới đồng thời là mạng xã hội Facebook.
Sau khi so sánh tâm lý bình luận trên các website mở đồng thời trên Facebook cá nhân của những anh hùng bàn phím, Rowe cho hay họ có xu hướng hiền lành hơn tới 2 lần. Những bình luận trên Facebook luôn kém gay gắt, đay nghiệt và không... nguy hiểm như các bình luận trên website mở.
Theo như Jimmy Orr, tổng biên tập của trang thông tin điện tử LA Times thì những anh hùng bàn phím không muốn lộ rõ bản chất trước mặt bạn bè vì họ có thể bị "bóc mẽ" cũng như ảnh hưởng trực tiếp tới thể diện ngoài đời sống thực.
Nhiều website trên thế giới đã đồng bộ hóa hệ thống bình luận với Facebook để giảm bớt độ "nguy hiểm" từ những bình luận của anh hùng bàn phím, Google đã giảm thiếu được một phần không nhỏ các bình luận "rác" trên YouTube bằng cách đồng bộ chúng với mạng xã hội Google+. Điều này chứng tỏ không chỉ người dùng, mà cả những người làm quản trị website cũng không ưa gì anh hùng bàn phím.
Ở một số quốc gia phát triển, những bộ luật về internet đã được ban hành, ép buộc người dùng phải sử dụng tên thật để giảm thiểu tình trạng bình luận bẩn. Tuy nhiên, điều này không thật sự hiệu quả do vẫn còn nhiều bất cập cũng như giới hạn trong công nghệ.
Để kết thúc bài viết, nếu bạn là một người ghét anh hùng bàn phím cũng như thường xuyên đối mặt với anh hùng bàn phím, hãy đừng lên tiếng cho dù điều này có làm bạn khó chịu. Vì sự khó chịu của bạn chính là thành công cho những anh hùng bàn phím, hơn thế nữa im lặng chính là... đỉnh cao của sự khinh bỉ.
Theo Trí Thức Trẻ