Và quả thật chúng có khá nhiều điểm chung: sản phẩm đơn giản, có chút gì đó hài hước, ngớ ngẩn, tác giả là người không nổi tiếng. Điều khác biệt là: Gangnam Style thì được từ người dân cho đến tổng thống Hàn Quốc hết lòng ủng hộ, khen ngợi; còn Flappy Bird thì lại phải đối diện với các tin đồn ăn may, vi phạm bản quyền, trốn thuế, không cao cấp …
Tật xấu “ba người Việt thua ba người Nhật”, chúng ta đều quá rõ. Điều tôi muốn chia sẻ là những góc nhìn tích cực từ chính sự tiêu cực mà “cộng đồng mạng đang xôn xao” với chú chim Flappy Bird bé nhỏ, đáng yêu.
Tối giản chứ không phải đơn giản
Rất nhiều người cho rằng Flappy Bird là một sự ăn may, kiểu “chó ngáp phải ruồi”. Tôi công nhận, thành công của Flappy Bird có rất nhiều sự may mắn. Nhưng nếu lấy cái tinh thần “trúng vé số” ấy, để đánh giá chú chim này, rõ ràng bạn đã rất thiển cận, và đánh mất một cơ hội học hỏi vô cùng quý báu.
Nguyễn Hà Đông là một cựu sinh viên đại học Bách khoa Hà Nội. Anh được nhận giải thưởng về phát triển game đầu tiên khi vẫn còn là sinh viên Đại học Bách khoa. Hà Đông đã làm việc cho khá nhiều công ty phát triển game trong và ngoài nước và đã cho ra đời gần 30 game.
Nguyễn Hà Đông còn là tác giả của nhiều trò chơi máy tính khác: Super Ball Juggling, và Shuriken Block.
Bạn có thấy vô lý không, khi một người đã từng giành giải thưởng về phát triển game, từng cộng tác với hàng chục hãng game trong và ngoài nước, lại không hề biết những điều mà các bạn đang cố gắng “dạy dỗ” anh ta? Có bao giờ bạn nghĩ rằng, chính anh ta cố ý thiết kế game như thế? Nên nhớ Super Ball Juggling, và Shuriken Block cũng là hai tựa game cực kì “muốn ném điện thoại vào tường”.
Nên nhớ, anh ta là người rất có kinh nghiệm hơn bạn, chí ít là trong lĩnh vực này. Rõ ràng, anh Đông đã có sự quan sát, có ý tưởng và có sự dũng cảm khi dám “trêu ngươi” cả thế giới. Cách để bỏ một cái trứng vào một chai bia thì rất dễ, nhưng nghĩ ra cách để bó nó vào mới khó. Bạn đã “thấy” “nghĩ” và “làm” được chưa?
Một khía cạnh khác
Thế giới này đang “phẳng” đi. Thiết kế, văn chương, giáo dục,… Bắt đầu tiến dần đến sự GIẢN ĐƠN. Nhưng sự GIẢN ĐƠN này không hề đơn giản. Nó là sự loại bỏ các chi tiết thừa, để đi sâu vào cái cốt lõi. Xu thế này là xu thế tất yếu, vì con người đang bắt đầu quá tải thông tin, thậm chí có khi phát điên với các luồng thông tin trái chiều.
Nhưng bỏ cái gì, giữ cái gì, đó mới là vấn đề. TỐI GIẢN là sự phức tạp đã được đơn giản hóa, nó không phải là sự đơn giản. TỐI GIẢN cực kì quan trọng. Nó giúp cho cả thế giới có thêm khoảng trống để phát triển.
Một ví dụ về sự tối giản
Là một người viết, với cái mốc giới hạn 800 từ mà anh Huy khuyên, tôi cảm nhận rất rõ nét về sự tối giản. Bạn có tin không, có những bài tôi viết gần 5000 từ, nhưng cuối cùng, cắt, bỏ, chỉnh sửa lại chỉ hơn 1000 từ. Trong quá trình cắt bỏ ấy, từng dấu chấm câu, từng từ thay thế, từng lỗi chính tả v.v… diễn ra liên tục, phức tạp và mệt mỏi. Nhưng vẫn không xong.
Thú thật, ngay cả với những bài đã đăng, mỗi lần đọc lại, tôi đều phát hiện ra lỗi mới, chính tả, ý bị rời rạc, thiếu ý, lặp từ, từ thô…. Tối giản nó phức tạp lắm bạn ạ! Quan điểm của tôi, muốn có thành tựu, bạn phải truy tìm, nắm bắt và phát huy những TỐI GIẢN trong lĩnh vực bạn theo đuổi. Đó là niềm tin của tôi. Có thể nó sẽ sai đấy, nhưng tôi đang tin nó. Vậy là đủ!
Chỉ là vấn đề tiền thôi mà, có gì phải hoen ố nhau nhiều đến thế?
Kek, tác giả người Pháp của trò chơi Piou Piou vs. Cactus cũng đã lên tiếng về sự tương đồng quá lớn giữa hai trò chơi (Flappy Bird ra đời sau Piou Piou vs. Cactus khoảng 2 năm). Khi Kek liên hệ với Nguyễn Hà Đông thì Đông chối rằng “không hề biết gì về Piou Piou vs. Cactus”. Pocket Gamer cho rằng có lẽ đủ chứng cứ để khẳng định Flappy Bird là game nhái, nhưng Kek nói anh ta sẽ không kiện ra tòa mà sẽ dùng số tiền và thời gian đi thưa kiện để đầu tư làm game mới thì hơn.
Ok! Nintendo sẽ kiện! Ok! Sở thuế sẽ truy thu thuế! Thì kệ họ chứ! Vấn đề rất đơn giản, họ muốn phần bánh của mình. Công lý sẽ giải quyết hợp lí nhất, cho mình, cho họ, cho tất cả. Chúng ta đều là người văn minh, chúng ta không phải phường chợ búa, chúng ta không sợ bị cư xử một cách mọi rợ. Mọi phần sẽ được chia công bằng. Nếu anh Đông không tham, tôi nghĩ anh không tham vì anh khá điềm tĩnh, anh chẳng việc phải lo lắng cả. Và nếu giả như, trường hợp xấu nhất, anh gặp phải bất công gì, chẳng lẽ anh ấy không biết thuê luật sư để bảo vệ mình à?
Mà thật ra, tôi nghĩ Nintendo phải rất cẩn trọng ở trường hợp này. Vấn đề khi anh đã truy thu tiền bản quyền, thì phải truy thu tất cả. Và nếu truy thu tất cả, thì các hệ sinh thái sẽ bị ảnh hưởng. Nếu hệ sinh thái bị ảnh hưởng, người dùng sẽ ngừng chi tiêu. Google, Apple và mới đây là Microsoft sẽ để yên?
Vấn đề bản quyền này không phải là cuộc chiến giữa Samsung và Apple, vấn đề này là giữa một cộng đồng và một công ty. Chưa kể, cái cốt lõi của thành công của Flappy Bird là ĐỘ KHÓ, ĐỘ KHÓ, ĐỘ KHÓ. Nội cãi nhau về vụ này là vui dài dài. Tất nhiên, không ai cấm Nintendo kiện, nhưng kiện thế nào để đừng bỏ con tôm bắt lấy con tép, tôi nghĩ Nintendo biết rõ điều đó hơn tất cả chúng ta. Đừng lo dùm họ, bạn ạ!
Chưa kể, Kek, tác giả đi trước, còn rộng lượng như vậy, chẳng lẽ Nintendo lại hẹp hòi đến thế!
*Photo: Desiree Catani
Việt Nam là gì? Chỉ là một phố nhỏ của thế giới!
“Tự hào gì đi tự hào một con chim khùng điên! Bộ Việt Nam không còn gì hay ho hơn à?”
Vâng! Chúng ta có 4000 năm văn hiến, chúng ta có nền văn hóa lâu đời. Nhưng sự thực, chúng ta không phải là cường quốc, chúng ta không giàu, chúng ta không hiện đại như thế giới. Nên nhớ, Gangnam Style chỉ là một bài hát giải trí, thậm chí phần hình ảnh của nó còn khá lố bịch. Nhưng người Hàn, họ vẫn tự hào về nó. Không phải kiểu tự hào tự tôn dân tộc, mà đơn giản là kiểu tự hào của một người về tài lẻ mà thôi.
Nhưng, vấn đề là, sau khi họ cười giả lả với thế giới, họ tận dụng rất nhanh cơ hội. G-Dragon, một nghệ sĩ trẻ tài năng của Hàn Quốc, đã thông qua PSY để làm quen với nhiều nghệ sĩ nổi tiếng. Từ đấy, anh quảng bá âm nhạc của chính mình, nâng cáo sức ảnh hưởng. Không những thế, các đại gia giải trí còn lại cũng đã nhận được rất nhiều cái gật đầu hợp tác với các nhà sản xuất âm nhạc có tiếng trên thế giới. Ít nhất là Kbiz đã biết tận dụng cơ hội rất tốt. Việt Nam mình đã làm được chưa?
Thôi! Ok! Cứ giả như Việt Nam cúng ta cao cấp hơn, khí chất hơn bọn Hàn Quốc đi! Chúng ta cóc cần cái cơ hội “bé tí ti” đấy. Nhưng mà thực tế, có rất nhiều nơi trên thế giới vẫn nghĩ Việt Nam đang chiến tranh, Việt Nam là một Triều Tiên của Đông Nam Á, hoàn toàn đóng cửa lạc hậu. Bạn giỏi nhưng bạn không cất tiếng, không ai biết bạn là ai cả. Nhưng khi bạn cất tiếng, cả thế giới có nghe không, và đặc biệt lại miễn phí?
Các quốc gia cứ đua nhau tổ chức thế vấn hội, World Cup,v.v… Dù tốn hàng trăm tỷ đô để làm gì? Họ đâu có điên. Họ muốn quảng bá đất nước họ. Tôi nghĩ, chính phủ Việt Nam phải tận dụng cơ hội này để đặt quảng cáo du lịch trên Flappy Bird, hơn là bỏ thí vào các công ty quảng cáo bá vơ.
Cuối cùng, chúng ta chẳng là ai cả. Thậm chí, không ít người trong chúng ta còn cảm thấy chán ghét đất nước của mình. Thế nên, nếu bạn cứ tự ái, cứ tự ái đi… Nhưng, tự ái là thiệt nhiều lắm đó!
Bạn hãy cứ vẽ, cứ viết, cứ lập trình… Phần còn lại thế giới sẽ lo
Tôi xin chia sẻ một bí mật này, không biết anh Huy có cạo đầu tôi không. Trong khi các tác giả khác, ngoài viết, họ còn phải tự mình thiết kế bài viết của mình, tôi thì lại cứ quăng đại một đống chữ lên THĐP. Thật ra, tôi tự thiết kế cũng được. Nhưng rõ ràng, hình tôi cung cấp không đẹp bằng hình admin THĐP chọn, cách chia đoạn, trình bày của tôi nhiều khi không có thẩm mỹ lắm, trích dẫn tôi không đắc như anh Huy chọn.
Rõ ràng tôi kém những lĩnh vực ấy. Vậy tại sao tôi lại phí thời gian vào những điều tôi không giỏi? Rất nhiều người thích ôm đồm nhiều thứ, nhiều việc, nhiều chuyên môn, v.v… Thật ra, bởi vì, họ tham, họ muốn thống trị, họ muốn đạp đầu thiên hạ. Tôi thấy việc đó khá mỏi chân, thế nên tôi chỉ viết thôi. Tôi là một phần của xã hội. Tôi chẳng muốn nắm đầu ai cả, mệt lắm. Như thế này là đủ rồi! Tôi còn gia đình, còn công việc, còn các thú vui, còn cả cuộc đời tôi mà!
Thế nên, hãy cứ vẽ, cứ viết, cứ lập trình, cứ làm điều bạn giỏi nhất. Đừng tự cao, tự đại, đừng huênh hoang, khoác lác, rồi cả thế giới sẽ giúp bạn thôi. Ai cũng cần công việc, ai cũng cần nguồn thu nhập, ai cũng cần tôn trọng, mà bạn! Người này không cần, người khác sẽ cần! Người này gian dối, cơ hội, không có tư chất, sẽ có người khác thay thế. Có điều, bạn thực đã đủ tốt để chinh phục cả thế giới chưa? Đó mới là vấn đề quan trọng!
Nói vậy thôi, chứ thế giới này, “Thạch Sanh thì ít, Lý Thông thì nhiều.” Nhất là những Lý Thông đang ăn hôi con Flappy Bird để đánh bóng bản thân mình. Điển hình nhất là con chim đang viết bài này nè! Nên cẩn thận với những gì bạn đọc!
Nhưng lo lắng quá làm gì, cứ giỏi đi rồi hãy tính!
Bài viết thể hiện quan điểm của thành viên Triết Học Đường Phô - Diều Hâu Đuôi Đỏ
Một số thông tin trong bài tham khảo từ: Wikipedia