Kỳ lạ ngôi nhà làm từ phân trâu, bền 2 thập kỷ

Admin   Admin
Ngày đăng: 05/07/2018
0 bình luận

Dùng phân trâu làm nhà

Từ trong nghèo khó, những người dân ở một số huyện miền núi tỉnh Thanh Hóa đã nghĩ ra cách làm nhà cực kỳ đặc biệt từ phân trâu, bò.

Theo nhiều người dân địa phương thì mặc dù đây không phải là kiểu nhà truyền thống nhưng nó đã tồn tại rải rác ở một bộ phận người dân tộc Mường huyện Cẩm Thủy, tỉnh Thanh Hóa cả thế kỷ nay.

Anh Trương Công Lệ, ở thôn Phi Long, xã Cẩm Long, huyện Cẩm Thủy dẫn chúng tôi đến ngôi nhà làm từ phân trâu của gia đình mình rồi tiết lộ: "Cột nhà làm bằng gỗ xoan ngâm tôi trồng được trong vườn, tre luồng dùng để đan vách, làm dui, mè thì đi xin hàng xóm, mái nhà làm từ lá mía, còn phân trâu dùng để trát vách thì cũng đi xin bà con chòm xóm... 

Hôm dựng nhà, tôi phải mượn mấy anh em trong làng đến giúp. Khi làm xong, hai vợ chồng bàn nhau thịt con chó để liên hoan nhà mới". Nói là nhà mới vậy nhưng chỉ là dựng phần khung, còn bờ vách phải làm đến cả tháng vì phải đợi trâu thải ra thì mới có nguyên liệu để trát.

Anh Lệ dùng phân trâu trát vào những chỗ còn hở của bờ vách.
Anh Lệ dùng phân trâu trát vào những chỗ còn hở của bờ vách.

Theo người dân địa phương thì gia đình anh Lệ quanh năm tứ thời phải đi làm thuê kiếm ăn, cùng cực lắm anh mới phải làm nhà từ phân trâu theo cách mà bao đời nay cha ông vẫn thường làm để lấy chỗ tránh mưa, nắng.

"Vợ chồng tôi đi làm thuê ở trong xã mỗi ngày kiếm được 80.000đ. Số tiền này chỉ đủ trang trải ăn uống hằng ngày rồi cho con ăn học chứ nói gì đến chuyện tích cóp tiền làm nhà xây, thế nên vợ chồng vẫn phải ăn đời ở kiếp trong ngôi nhà làm từ phân trâu như thế này. Tôi định sẽ đi vào miền Nam kiếm tiền về xây nhà, nhưng mà đứa con còn bé quá, đợi vài năm nữa nó cứng cáp, biết giúp đỡ mẹ tôi sẽ vào trong đó, chắc làm lụng vài năm cũng đủ tiền xây nhà", anh Lệ cho biết.

Rời gia đình anh Lệ, chúng tôi đến nhà chị Phạm Thị Quyên ở xã Điền Trung, huyện Bác Thước để mục kích ngôi nhà kỳ lạ còn sót lại. Ngôi nhà của gia đình chị được làm cách đây 7 năm, phần mái tranh đã mục nát, cột nhà cũng bị mối ăn gần đứt nhưng bờ vách trát phân trâu thì vẫn còn khá bền.

Chị Quyên kể lại: "Ngày trước vợ chồng tôi phải đi khắp xóm xin phân trâu. Hồi đó, nhà nào nuôi trâu thì chỉ có một đến hai con, lượng phân chúng thải ra không đủ để làm nhà. Thế nên khoảng 2 - 3 ngày vợ chồng tôi lại đi lượn một vòng quanh làng xin phân trâu, phải mất hơn một tuần như thế mới xong. Khi trát vách thì phải nhằm ngày nắng, nếu phân trâu chưa khô mà bị mưa thì sẽ nhão ra như bùn, hôi thối nồng nặc".

Bế đứa con nhỏ trên tay, chị Quyên chần chừ dẫn chúng tôi ra hiên nhà rồi bảo: "Vài ngày nữa tôi sẽ phá ngôi nhà này để xây nhà mới khang trang hơn, đẹp hơn chứ không ở nhà này nữa. Xung quanh đây bà con, hàng xóm người ta đi làm ăn xây được nhà mới mà mình ở mãi trong ngôi nhà cũ kỹ thế này cũng ngại lắm. Năm ngoái chồng tôi đi miền nam làm ăn, hai vợ chồng tôi tích cóp được mấy chục triệu. Trước tết năm nay gia đình tôi sẽ có một ngôi nhà mới để ở chứ không phải ở cái chỗ dột nát này nữa".

Độ bền 20 năm

Dẫn chúng tôi đến bên bức vách mới trát phân trâu còn bốc mùi thum thủm, anh Lệ tiết lộ: "Làm nhà kiểu này cũng cần sự khéo léo, kinh nghiệm và kỹ thuật cao thì mới giúp cho ngôi nhà trụ vững trước thời tiết khắc nghiệt, nếu không thì chỉ cần vài cơn mưa táp vào là vách tan ra như cát".

Nếu làm đúng cách, ngôi nhà làm từ phân trâu có thể tồn tại được 20 năm.
Nếu làm đúng cách, ngôi nhà làm từ phân trâu có thể tồn tại được 20 năm.

Có nhiều cách chế biến vữa phân trâu. Người thì trộn phân trâu nhão với cát rồi mới trát vách. Có người lại trộn phân trâu với đất mịn để tạo độ mịn cho vách... Tuy nhiên, cả hai phương pháp này đều không bền bằng cách chỉ dùng mình phân trâu trát vách, vì khi cho cát hoặc đất vào sẽ làm giảm độ kết dính, giảm tuổi thọ của bức vách. Nếu trát vách bằng phân trâu đúng cách thì có thể giữ ngôi nhà tồn tại được đến trên 20 năm...

Theo nhiều người dân địa phương, để có được ngôi nhà kín gió phải chọn loại phân trâu nhão, vì loại này có độ kết dính cao nhất. Nếu phân trâu vón cục thì phải trộn thêm nước lã vào đánh tan ra như bùn rồi mới được sử dụng. Nếu muốn vách nhà có độ bền cao thì nhất thiết phải trát cả hai mặt trong, ngoài. Phân trâu ngập kín hết đầu đuôi phên tre để mối, mọt không thể xâm nhập được vào, nếu mọt ăn vào phên tre thì chỉ vài năm sau là vách nhà nát hết.

Đứa con gái anh Lệ mong ước mình được ở trong một ngôi nhà ngói mới.
Đứa con gái anh Lệ mong ước mình được ở trong một ngôi nhà ngói mới.

Anh Lệ cho biết: Cách đây hơn chục năm, khi còn nghèo khổ, người dân toàn ở trong những ngôi nhà tranh vách phân như nhà anh bây giờ. Hiện tại trong làng anh chỉ còn 2 - 3 gia đình còn giữ được những ngôi nhà làm từ phân trâu. Nhiều người cũng muốn giữ lại làm kỷ niệm để tưởng nhớ đến thời gian bần cùng cực khổ, nhưng mà chỗ ở không có nên đành phá đi để làm nhà mới.

Một điều thú vị khác là ở Thanh Hóa, người dân địa phương còn dùng phân trâu để làm nhiều nông cụ khác như chiếc máy quạt lúa thủ công, bồ đựng lúa... Những nông cụ này thậm chí đã được dùng liên tục trên 30 năm mà không hề bị hỏng hóc. Chúng đều được người dân đan bằng tre, sau đó trát thêm lớp phân trâu nhão lên để chống mối, mọt tăng tuổi thọ của đồ vật.

 

 

 

"Kiểu kiến trúc nhà tranh vách phân trâu rất đặc biệt và thú vị, là kinh nghiệm dân gian của một số dân tộc như người Hà Nhì, người Mường. Nó thú vị ở chỗ phân trâu là loại vật liệu có thể chống ẩm, mốc, chống nóng, mối mọt rất tốt. 

Người Mường dùng phân trát vách là để chống gió, còn người Hà Nhì thường dùng phân trâu làm trần nhà chống nóng. Ngoài Việt Nam, kiểu kiến trúc độc đáo này còn xuất hiện ở một số dân tộc ít người ở tỉnh Vân Nam, Trung Quốc. Hiện Bảo tàng Dân tộc học đã sưu tầm được kiểu kiến trúc này đưa về bảo tàng để khách thập phương tham quan".

GS Nguyễn Văn Huy (nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam)
 
Theo Kiến Thức
Viết bình luận
Email sẽ không công khai khi bạn đăng bình luận
zalo