Kỹ năng thoát hiểm khi du thuyền bị hỏa hoạn

Admin   Admin
Ngày đăng: 05/07/2018
0 bình luận

Khi nhận được tin du thuyền bị cháy, ngay lập tức bạn cần bình tĩnh nhận diện tình hình đám cháy, nghe theo hiệu lệnh của thuyền viên và bình tĩnh tìm cách thoát thân.

Đôi khi chỉ vì những lý do không đáng có như quạt thông gió lâu ngày bị chập điện, tàn thuốc của khách trên tàu vô tình gây bắt lửa… mà du thuyền bỗng nhiên xảy ra hỏa hoạn. Nếu không trang bị những kỹ năng cần thiết để ứng phó kịp thời thì rất dễ xảy ra những điều đáng tiếc. Một vài lưu ý nhỏ dưới đây sẽ giúp bạn thoát hiểm an toàn khi có sự cố cháy tàu xảy ra.

Giữ bình tĩnh

Hốt hoảng và mất bình tĩnh là lý do khiến bạn mất đi sự sáng suốt vốn có. Hãy tự trấn an mình và nhanh nhẹn tìm lối thoát thân kịp thời. Rất nhiều trường hợp các du khách xô nhau chạy ra ngoài do quá hoảng sợ nên dẫm đạp lên nhau và bị thương trước khi rời khỏi con tàu.

Cần làm ngay

Giữ trật tự: Khi có sự cố hỏa hoạn, hệ thống báo cháy tự động của tàu sẽ kêu vang. Lúc này quản lý tàu và các thuyền viên có trách nhiệm kiểm tra, thông báo sơ bộ, ngắn gọn để toàn tàu biết vị trí đang xảy ra cháy và chỉ hướng thoát hiểm cho khách. Bạn cần giữ trật tự để nghe được thông tin của người điều hành.

Bỏ qua tài sản, cứu mình trước: Nhiều người thay vì phải tìm lối thoát gần nhất, nhanh nhất thì lại lo thu gom tài sản, chạy đi tìm người thân… nên không tuân thủ ngay các yêu cầu thoát hiểm bạn sẽ dễ bị mắc kẹt lại trên tàu và bỏ qua "thời gian vàng" để thoát thân.

Hô to báo cháy: Thông thường, trong 10 phút đầu khi xảy ra sự cố, việc cứu cháy tại chỗ có ý nghĩa vô cùng quan trọng, quyết định nhiều nhất đến sự lây lan và giảm thiểu thiệt hại về người và của cho con tàu. Vì vậy, nếu bạn là người đầu tiên phát hiện ra đám cháy, bạn cần phải hô to để báo cho mọi người cùng biết và xử lý kịp thời.

Bạn luôn phải nhớ rằng, bình tĩnh không những giúp chính bạn tìm ra những gì phải làm để sống sót, mà còn giúp những người khác giảm tối đa thương vong.

Đối phó với ngọn lửa

Nằm xuống sàn để di chuyển: Khi đám cháy trở nên dữ dội, khói sẽ bay trên cao và cách tốt nhất là bạn nên bò trên sàn tàu, nơi có nhiều oxi nhất để thoát hiểm. Bởi khi cháy, ngọn lửa sẽ thiêu rụi mọi vật dụng có trong phòng và gây ra khí độc, bạn tránh hít phải nó càng ít càng tốt.

Cách dập lửa: Nếu lửa bén vào quần áo đang mặc, bạn nên nằm lăn qua lăn lại trên sàn tàu hoặc phủ trùm lên người tấm vải để dập lửa, dùng hai tay che mặt để tránh bỏng.

Khi không biết bên ngoài cánh cửa có gì: Bạn không nên hấp tấp mở cửa cabin quá nhanh vì rất có thể bên ngoài ngọn lửa đang hừng hực, lúc này bạn có thể bị lửa tạt vào mặt hoặc bị sặc khói. Hãy dùng tay áp lên cửa, nếu thấy không quá nóng thì có thể an toàn để mở. Ngược lại, bạn cần nhanh chóng đi tìm lối thoát khác.

Khi tàu có dấu hiệu bị chìm

Khi con tàu bắt đầu nghiêng, lúc này bằng bất cứ giá nào bạn cũng cần rời khỏi cabin một cách an toàn và nhanh nhất có thể.

Nghe theo lời thuyền viên: Khi sự cố xảy ra, không riêng hỏa hoạn, trong những tình huống nguy cấp, bạn cần tuân theo hướng dẫn của nhân viên bởi họ biết cần phải làm gì để đảm bảo an toàn cho bạn. Bạn chỉ nên tự mình hành động khi không có ai đưa ra hướng dẫn cụ thể. Trong trường hợp bạn không thể nghe thấy hoặc không hiểu người chỉ huy nói gì, hãy cố gắng ghi nhớ các hình ảnh trên các tờ hướng dẫn và tìm cách thoát hiểm.

Rời khỏi tàu ngay lập tức: Hãy cố gắng bám lấy bất cứ thiết bị nào giúp bạn đứng vững, hoặc các vật để có thể nổi được trên mặt nước. Và trong trường hợp khẩn, bạn luôn cần chuẩn bị tư thế nhảy ra khỏi tàu để đảm bảo an toàn tính mạng. Lưu ý bơi càng xa chỗ tàu chìm càng tốt để tránh bị hút ngược xuống.

“Phòng bệnh hơn chữa bệnh”

Cần tổ chức diễn tập cứu nạn trên các du thuyền định kỳ để nâng cao kỹ năng, nhận thức và chất lượng phục vụ cho hành khách.

Đối với hành khách, khi lên tàu, hãy đọc thông tin về cửa thoát hiểm, hướng dẫn chống cháy hoặc hỏi nhân viên tàu những chú ý về trường hợp khẩn cấp để ứng phó nhanh khi xảy ra nguy hiểm.

 

Theo VnExpress

Mời bạn xem thêm:

Kỹ năng thoát hiểm khi cháy nhà
Kỹ năng an toàn để sống sót khi ôtô bị tai nạn giao thông
10 Kỹ năng thoát hiểm có thể cứu bạn

Viết bình luận
Email sẽ không công khai khi bạn đăng bình luận
zalo