Ngoài Zoom, có thể học online bằng ứng dụng nào?

Nguyễn Hoài   Nguyễn Hoài
Ngày đăng: 13/09/2021
0 bình luận

Trong tình thế bắt buộc phải học online, việc đa dạng hóa các nền tảng học tập rất cần thiết nhằm lựa chọn được ứng dụng hiệu quả nhất với điều kiện cụ thể của lớp học.

Hiện nay nhiều trường chọn dạy học online qua Zoom. Tuy nhiên trong ngày học đầu tiên của năm học mới, ngày 6-9, nhiều người gặp khó khăn khi học trên nền tảng này. Cô N.H.A., giáo viên một trường THCS tại Q.10 (TP.HCM), chia sẻ đôi lúc tài khoản của cô bị văng ra khi đang dạy online. Mỗi lần như thế phải thoát ra vào lại khá tốn thời gian. 

Một số học sinh cũng than phải mất đến gần 5 phút mới vào phòng học nhóm trên Zoom, dù số lượng người truy cập vẫn chưa vượt quá giới hạn; hay khi nhiều học sinh cùng bật mic nói, âm thanh hỗn tạp, đôi khi xuất hiện những tiếng rè khó chịu. 

Trên thực tế, Zoom vẫn được xem là ứng dụng được sử dụng phổ biến bậc nhất để dạy học trực tuyến trong thời gian qua. Phần mềm này có thể hỗ trợ các lớp học lên đến 100 người,hoặc kéo dài thời lượng mỗi tiết tới 40 phút. Zoom cũng không giới hạn số lần tổ chức học hay họp trong ngày.

Dù vậy để tránh quá tải, việc đa dạng các nền tảng học trực tuyến được các chuyên gia giáo dục đánh giá là cần thiết. Một số ứng dụng học online miễn phí khác mà các thầy cô và học sinh có thể cân nhắc như Google Classroom, Microsoft Teams, Skype hay TeamLink...

 

Với Google Classroom, đây là dịch vụ miễn phí dành cho các trường học, tổ chức phi lợi nhuận và bất kỳ ai có tài khoản Google cá nhân. 

Một điểm nổi trội của ứng dụng này là giáo viên và học sinh đều có thể lưu trữ các tài liệu, hình ảnh, video, các bài học trên chính Google Drive cá nhân, thay vì phải tạo thêm những tài khoản khác hay phải tải về máy.

Dù có nhiều thuận tiện, đôi lúc Google Classroom vẫn chịu những đánh giá 1 sao trên CH Play hay App Store vì những lỗi kết nối hay khó đính kèm các file vào bài giảng…

 

Microsoft Teams là ứng dụng được phát triển ban đầu bởi Công ty Microsoft phục vụ cho hội họp trực tuyến. Từ đầu mùa dịch COVID-19, nhiều lớp học lại dùng Microsoft Teams như một nền tảng học online.

Điểm mạnh của Microsoft Teams là tích hợp rất nhiều chức năng như trò chuyện, nhắn tin, quản lý tệp, tạo thời gian biểu, lập kế hoạch… Nói cách khác, phần mềm tạo không gian riêng tư cho những hội nhóm, các lớp học có thể kết nối và giữ liên lạc với nhau, không đơn thuần khi hết giờ học online là đóng ứng dụng.

Một ý kiến chưa hài lòng về app nằm ở những lỗi đăng nhập hoặc khả năng thao tác trên điện thoại chưa thuận tiện bằng trên máy tính…

Là ứng dụng ra đời với mục đích trò chuyện trực tuyến nhưng Skype lại được nhiều lớp học quy mô nhỏ ưa chuộng vì tính thuận tiện và giao diện trẻ trung, thân thiện. Thậm chí trước khi có sự xuất hiện của dịch COVID-19, nhiều học sinh, sinh viên đã chọn học nhóm thông qua Skype.

google classroom

Dù vậy, trở ngại lớn nhất của Skype là về quy mô. Nếu muốn kết nối với số lượng lớn như với các giảng đường đại học, người dùng phải trả phí.

TeamLink là một trong những giải pháp hiệu quả được thiết kế cho các hội nghị trực tuyến. Do không giới hạn thời gian online hay cho phép số người tham gia lên tới 300 người, phần mềm nhận được nhiều đánh giá tốt khi dùng cho dạy học từ xa. Hiện tại, TeamLink cũng hỗ trợ Windows, Mac và iOS.

Một số người dùng góp ý TeamLink cần cải tiến chức năng camera rõ hơn, có thể phóng to nét hơn…

Theo TTO

Viết bình luận
Email sẽ không công khai khi bạn đăng bình luận
zalo