Talmon Marco, Giám đốc điều hành của Viber trong chuyến thăm Việt Nam. Ảnh: Huy Đức. |
CEO của Viber chia sẻ, Việt Nam hiện có rất nhiều thương hiệu tham gia thị trường OTT như Zalo, Line, Beetalk... và ai cũng muốn mình là người dẫn đầu trong cuộc đua đó. Về phần mình, Viber đã, đang và sẽ chú trọng đầu tư vào việc nghiên cứu và phát triển (R&D) các tính năng sắp ra mắt cũng như hoàn thiện những tính năng hiện có. "Chúng tôi tin rằng chất lượng thật sự của sản phẩm chính là yếu tố quyết định ai sẽ trở thành người dẫn đầu", ông nói.
So với các công ty làm OTT khác, thế mạnh của Viber là việc không ngừng phát triển cũng như cập nhật những tính năng mới cho người dùng. Đơn cử, Viber chính là OTT đầu tiên cho ra mắt giao diện phẳng đồng bộ hoá với hệ điều hành iOS 7 của iPhone. Hãng luôn tiến hành rất nhiều cuộc khảo sát, kiểm định chất lượng trước khi ra mắt bất kỳ tính năng gì. Ông Talmon Marco cho hay, việc tính năng Video Call đã khả dụng trên phiên bản Viber cho Desktop nhưng vẫn chưa được ra mắt trên các thiết bị khác chính là vì hãng cần thời gian chạy thử Beta để có thể hoàn thiện ứng dụng và mang đến cho người dùng sản phẩm cuối tốt nhất.
Nguồn thu chính của Viber hiện tại chỉ đến từ việc bán sticker và cung cấp dịch vụ Viber Out. Ngoài các gói sticker miễn phí xây dựng trên hình tượng các nhân vật chính của Viber như: cô nàng Violet, chú mèo Leg Cat, cáo Freddie..., hãng đã phối hợp với các đơn vị khác để cung cấp cho người dùng những bộ sưu tập chuyên biệt dành riêng cho nhiều người khác nhau và nhận được rất nhiều phản hồi tốt. Ngoài ra, thời gian tới, Viber còn hướng đến sự phát triển đa nền tảng hơn, mở rộng sang lĩnh vực game, thương mại điện tử…
Tính đến hết quý I/2014, Viber đã có số lượng người dùng lên đến 12 triệu và xếp hạng số 1 tại Việt Nam. Vấn đề bảo mật dữ liệu và thông tin cá nhân của người dùng luôn được Viber xem là ưu tiên hàng đầu.
Huy Đức