Những phát minh "tuyệt vời" biến đổi động vật thành robot

Admin   Admin
Ngày đăng: 05/07/2018
0 bình luận

Ngựa máy, robot đà điểu siêu nhanh, nhện robot siêu thực... là những phát minh mang tính đột phá của các nhà khoa học.

Ngày nay, với bước tiến quan trọng của kỹ thuật, các khoa học gia đã tạo ra được rất nhiều “người máy” (robot) ngày càng tân tiến và có khả năng thay thế phiên bản thật. 
 
Cùng khám phá các cỗ máy thực sự gây bất ngờ với những lợi ích mà chúng đem lại cho chúng ta theo tổng hợp của trang Cracked dưới đây. 
 
1. Ngựa máy
 
Một trong những yếu tố gây trở ngại khi cho người lính khi hành quân đó là lượng quân trang giới hạn. Nhằm khắc phục điều này, dự án kết hợp giữa cơ quan quản lý và tài trợ các nghiên cứu khoa học của bộ quốc phòng Mỹ DARPA và công ty thuộc sở hữu của Google- Boston Dynamics đã cho ra đời cỗ máy bán tự động, mang tên LS3- Legged Squad Support System.

Những phát minh "tuyệt vời" biến đổi động vật thành robot 1
 
Thoạt nhìn thì chúng có hình dáng giống bò, nhưng kỳ thực đây là những chú “ngựa máy không đầu” LS3. Chúng được thiết kế với mục đích chuyên chở quân trang, giúp giảm thiểu số lượng trang bị những người lính phải mang trên lưng. 
 
Theo các chuyên gia, ngựa LS3 có thể di chuyển với vận tốc 25km/h, tải được hơn 200kg, chưa kể trọng lượng bản thân. Điều này đồng nghĩa với việc một tiểu đội 4 người khi hoạt động sẽ gần như không phải mang vác gì cả, thậm chí có thể đem theo nhiều trang thiết bị hơn bình thường. 
 
Những phát minh "tuyệt vời" biến đổi động vật thành robot 2
 
Ngoài ra, LS3 sẽ khắc phục được những yếu điểm như vấn đề thể chất hay thỉnh thoảng “không nghe lời” của những chú ngựa thông thường. Dựa vào công nghệ nhận dạng giọng nói tiên tiến nhất, những chú “ngựa không đầu” có thể dễ dàng xác định vị trí giọng nói, và hiểu được một số mệnh lệnh đơn giản.
 
Hiện các chú ngựa máy LS3 đang được thử nghiệm thực địa để lực lượng thủy quân lục chiến Hoa Kỳ sẽ sớm được chiến đấu bên cạnh quân đoàn “ngựa không đầu” này.
 
2. Ong robot
 
Ong đóng một vai trò khá quan trọng trong hệ sinh thái. Tuy nhiên một vài năm trở lại đây, một nửa số lượng ong tại Mỹ biến mất. Điều này thực sự là thảm họa đối với các loài thực vật thụ phấn gián tiếp nhờ ong. Trước viễn cảnh không có một giải pháp thiết thực nào được đưa ra, các khoa học gia quyết định tạo nên “ong máy”. 
 
Những phát minh "tuyệt vời" biến đổi động vật thành robot 3
 
Những chú ong robot bay được thiết kế như những máy bay không người lái, với kích thước rất nhỏ, đủ để thụ phấn cho một bông hoa với trọng lượng chỉ khoảng 80mg.
 
Thiết kế cho phép những con robot có thể bay lượn và có thời gian để di chuyển phấn hoa. Cánh của robot bay có khả năng bắt chước hoạt động của ruồi, vỗ cánh khi được đẩy bởi một thiết bị đặc biệt bằng gốm. 
 
Những phát minh "tuyệt vời" biến đổi động vật thành robot 4
 
Thiết bị này sẽ co lại khi có nguồn điện kích thích. Điều này cho phép robot ong có thể đập cánh khoảng 100 lần một giây, đủ để chúng có bay lơ lửng trong không khí, như một con ong bình thường.
 
Robot ong hiện tại vẫn chưa sẵn sàng đem ra thực tiễn. Chúng khá nhỏ, nên không thể thiết kế phù hợp với một bộ sạc pin đính kèm. Những con ong đặc biệt này cũng sẽ cần một số loại máy tính riêng để hướng dẫn chúng trong khi bay. Nhưng dự kiến trong tương lai, riêng tại Mỹ sẽ có khoảng 30 triệu ong máy hoàn chỉnh, nhằm trợ giúp thiên nhiên. 
 
3. Robot đà điểu siêu nhanh
 
Viện công nghệ MIT cùng Viện nghiên cứu Nhận thức giữa Người và Máy IHMC Florida phát triển một chú robot "đà điểu" dành cho quân đội, hứa hẹn mang đến tốc độ vượt trội trên các chiến trường. 
 
Những phát minh "tuyệt vời" biến đổi động vật thành robot 5
 
Chú đà điểu này có tên FastRunner. Với thiết kế sáng tạo ở đôi chân tự giữ thăng bằng, khi hoàn thiện, nó có thể đạt tốc độ tối đa tới hơn 43 km/h - ngang ngửa một số loại xe cơ giới. Ngoài ra, các nhà nghiên cứu đang hi vọng đẩy tốc độ giới hạn của chú robot lên đến 80 km/h, đồng thời tăng cường khả năng vượt qua địa hình gồ ghề.
 
Mặc dù có một tương lai hoàn toàn tươi sáng với tính ứng dụng cao nhưng FastRunner vẫn còn một quãng đường khá dài để bước ra khỏi lý thuyết và đi vào thực hành. Hiện tại, đà điểu FastRunner chỉ hoàn thành được khoảng 40% nhiệm vụ được đặt ra so với mong đợi. 
 
Những phát minh "tuyệt vời" biến đổi động vật thành robot 6
 
Tuy nhiên, nếu việc phát triển thành công và được trang bị thêm vũ khí như lưỡi dao gắn lên chân, chắc chắn những chú đà điểu sẽ tạo nên lợi thế không nhỏ trên chiến trường.
 
4. Robot mòng biển
 
Festo cho biết họ đã giải mã thành công cơ chế bay của chim thật, đồng thời giới thiệu một robot hình chim mòng biển, nặng 450g nhưng có sải cánh đến 1,96m được đặt tên là SmartBird. Robot này có thể cất cánh bay khỏi mặt đất như chim, có thể tự điều hướng mà không cần trợ giúp của hệ thống truyền động bổ sung.
 
Những phát minh "tuyệt vời" biến đổi động vật thành robot 7
 
Đôi cánh của Smartbird khi vỗ không những có thể làm tăng mức độ lệch từ thân đến đầu cánh (theo cơ chế đòn bẩy), mà còn xoay theo góc độ đặc biệt dọc theo chiều dài - điều chim mòng biển thật thực hiện.
 
Những phát minh "tuyệt vời" biến đổi động vật thành robot 8
 
Việc điều hướng này được thực hiện thông qua chuyển động trái ngược của phần đầu và thân chim robot. Vì vậy, nó sẽ được đồng bộ hóa bởi hai động cơ và hai sợi cáp điện, khiến cánh uốn cong theo khí động học giúp chim cơ động và nhanh nhẹn hơn. Phần đuôi của SmartBird vừa giúp chim cất cánh dễ dàng rời khỏi mặt đất, vừa đóng vai trò của một bánh lái giúp chim điều chỉnh hướng bay.
 
5. Nhện robot siêu thực
 
Công ty Robugtix đang phát triển một con robot hình nhện, được tạo ra bởi công nghệ in 3D có hình dáng rất giống y như thật. Thậm chí, robot nhện có thể khiến những người bị mắc chứng sợ nhện hoảng sợ.
 
Những phát minh "tuyệt vời" biến đổi động vật thành robot 9
 
Các kỹ sư lập trình đã sử dụng những thuật toán hết sức phức tạp để làm cho con robot 8 chân này di chuyển một cách nhịp nhàng. Tất cả các hệ thống máy tính xử lý đều được giấu vào trong một hộp đen. 
 
Những phát minh "tuyệt vời" biến đổi động vật thành robot 10
 
Người dùng chỉ cần đưa ra các lệnh ngắn và đơn giản, chẳng hạn như là di chuyển theo một tốc độ yêu cầu, động cơ sẽ tự động xử lý tất cả các chi tiết còn lại, bao gồm động lực nghịch, sơ đồ vị trí bước chân, sự phối hợp động tác chân, kiểm soát mô-tơ… Điều này giúp cho người sử dụng điều khiển nó một cách dễ dàng.
 
* Bài viết sử dụng tư liệu tham khảo từ các nguồn: Cracked, Wikipedia...
Viết bình luận
Email sẽ không công khai khi bạn đăng bình luận
zalo