Phân biệt tai nghe đóng (closed-back) và mở (open-back)

Nhung Le   Nhung Le
Ngày đăng: 03/09/2023
0 bình luận

Phân biệt tai nghe đóng (closed-back) và mở (open-back)

Các loại tai nghe cỡ lớn được chia ra làm 2 kiểu thiết kế chính: mở (open-back) và đóng (closed-back). Bạn đã biết ảnh hưởng của loại thiết kế mở/đóng tới âm thanh và trải nghiệm sử dụng hay chưa?

Thế nào là tai nghe đóng và tai nghe mở?

 

2 dòng tai nghe LCD-X dạng mở (bên trái) và LCD-XC dạng đóng (bên phải) của Auzede

Khi nhìn vào các loại tai nghe đeo vòng qua đầu (chùm qua tai như Sennheiser HD598 hoặc cỡ nhỏ nằm trên vành tai như AKG K420), bạn sẽ nhận thấy hình dáng củ tai được chia làm 2 loại chính: đóng hoặc mở. Theo đúng như tên gọi của mình, tai nghe loại "đóng" (closed-back) có củ tai là một khối kín, liền mạch không có khe hở ở phía sau.

ai nghe loại "mở" (open-back) có phần củ tai chứa nhiều khe hở hoặc lỗ hổng. Củ tai dạng mở sẽ có nhiều khe song song giống như song cửa sổ hoặc nhiều lỗ hổng giống như một chiếc lưới đánh cá.

Trong 2 tên gọi của 2 loại tai nghe này có thể giúp bạn phân biệt… hình dáng của chúng một cách dễ dàng, những người không sành âm thanh sẽ không nắm được điểm mạnh và điểm yếu của từng loại tai nghe khi xét về chất lượng âm nhạc. Đồng thời, thiết kế mở hay đóng cũng sẽ quyết định tới mức độ thoải mái/khó chịu của bạn và những người xung quanh.

Grado luôn trung thành với thiết kế mở...

...trừ 1 ngoại lệ đặc biệt: chiếc Bushmills x Grado

Tai nghe "đóng" (Closed-back)

Thiết kế dạng đóng vẫn đang là loại thiết kế phổ biến nhất trong phân khúc giá tầm thấp – tầm trung. Tai nghe "đóng" có khả năng cách âm rất tốt. Chưa xét tới các công nghệ chống ồn (noise-cancelling), bản thân thiết kế của tai nghe dạng đóng đã là khá đủ để đảm bảo âm thanh từ tai nghe không lọt ra ngoài và tiếng ồn từ bên ngoài không làm ảnh hưởng quá nhiều đến trải nghiệm nghe nhạc của bạn.

Cụ thể hơn, tai nghe dạng đóng thường có một chiếc vòm nhựa kín tiếp xúc với tai của bạn bằng một lớp xốp bọc nhung/giả da. Chỉ riêng thiết kế này đã có thể loại bỏ 10 decibel tiếng ồn từ xung quanh. Một khi bạn đã đeo tai nghe dạng đóng, âm nhạc phát ra từ tai nghe cộng với khả năng loại bỏ 10 decibel tiếng ồn sẽ khiến bạn gần như trở thành… người điếc với những người xung quanh.

ATH-M50, một trong những chiếc tai nghe closed-back được ưa chuộng nhất trên thị trường

Đây chính là lợi thế lớn nhất của tai nghe đóng so với tai nghe mở: chúng sẽ tách biệt bạn ra khỏi tiếng ồn bên ngoài và đưa bạn hòa vào thế giới âm nhạc. Nếu bạn đang ngồi trong xe hơi và đeo tai nghe closed-back, bạn sẽ không nghe thấy tiếng động cơ, tiếng còi xe hay các tiếng ồn khác nữa. Âm nhạc từ tai nghe đóng sẽ tạo ra trải nghiệm trực tiếp hơn, "bùng nổ" hơn. Nhiều người ví trải nghiệm này là "âm nhạc từ bên trong đầu": bạn sẽ có cảm giác ban nhạc đang chơi nhạc từ trong đầu của mình.

Nếu đã từng thử nghiệm qua các dòng tai nghe mang thương hiệu Beats by Dre, bạn sẽ dễ dàng hình dung ra trải nghiệm này. Những chiếc tai nghe giá rẻ khá phổ biến của Sennheiser như HD201, HD202 cũng là tai nghe dạng đóng.

Sony MDR-7506, một chiếc tai nghe dạng đóng có tuổi đời hơn 20 năm nhưng vẫn rất được ưa thích

Nhiều người thích cách tái hiện "âm nhạc trong đầu bạn" của tai dạng đóng, đặc biệt là các fan của nhạc Hip-Hop, Dance Pop hoặc EDM. Không chỉ có vậy, trong nhiều trường hợp, bạn cũng sẽ cần tới trải nghiệm âm thanh hoàn toàn cách biệt. Ví dụ, các DJ hoặc kỹ sư âm thanh sẽ đeo tai nghe dạng đóng để tránh bị ảnh hưởng bởi âm thanh bên ngoài. Trong quá trình sử dụng hàng ngày, bạn cũng sẽ cần ngăn âm thanh từ tai nghe của mình lọt ra bên ngoài: khi ngồi trên xe bus, khi đọc sách tại thư viện, khi làm việc tại văn phòng – bất cứ nơi nào cần tránh làm phiền những người xung quanh. Khi thực hiện cuộc gọi qua mạng hoặc khi chơi game, bạn cũng nên sử dụng tai nghe dạng đóng để tránh âm thanh từ tai nghe lọt vào microphone gây âm thanh nhiễu.

Momentum, một lựa chọn closed-back đáng chú ý từ Sennheiser

Một số ví dụ về các dòng tai nghe closed-back đình đám có thể kể tới Audio Technica ATH-M50, Sony MHDR-7506, Sennheiser Momentum hoặc AKG K550. Nhìn chung, các tai nghe closed-back được đánh giá cao từ các hãng tên tuổi đều có chất âm khá tốt cho tầm giá và cũng có mức giá không quá cao (thường chỉ từ 200 USD trở xuống).

Tai nghe dạng "mở" (Open-back)

Trong khi tai nghe dạng đóng có khả năng cách âm rất tốt và mang tới trải nghiệm âm nhạc "trực tiếp" hết mức có thể, tai nghe dạng mở sẽ để cho âm thanh (và không khí) lọt qua các khe hở trên phần nắp của củ tai.

3 dòng tai nghe open-back rất được ưa thích từ nước Đức: Beyerdynamic DT880, AKG K701 và Sennheiser HD650

Bởi vậy, trải nghiệm âm nhạc trên tai nghe dạng mở sẽ khác hoàn toàn so với tai nghe dạng đóng. Âm thanh của tai nghe dạng mở thường tạo ra cảm giác rộng rãi, thoáng đãng (âm trường lớn). Thay vì trải nghiệm "âm nhạc phát ra từ bên trong đầu" như tai nghe closed-back, tai nghe open-back sẽ tạo ra trải nghiệm "âm nhạc ở xung quanh tôi". Điều này có nghĩa rằng thay vì mang ban nhạc vào bên trong đầu bạn như tai nghe đóng, tai nghe dạng mở sẽ mang bạn đứng giữa ban nhạc trên sân khấu hoặc mang bạn tới thính phòng để tận hưởng âm nhạc vọng lại từ các nhạc cụ xung quanh.

Thực tế, gần như tất cả các sản phẩm tai nghe chủ đạo từ các hãng sản xuất tên tuổi đều là các mẫu tai nghe dạng mở: Sennheiser HD650, AKG K701, Beyerdynamic DT880, Sony MA900, Grado SR325is, Audio Technica ATH-AD900 v…v… Khi trò chuyện cùng các audiophile về tai nghe chùm tai/vòng qua đầu, gần như chắc chắn bạn sẽ nghe về các tai nghe open-back nhiều hơn là các tai nghe closed-back.

Các sản phẩm cỡ lớn của Audio Technica như ATH-AD900 có âm trường rất rộng

Điểm yếu của tai nghe dạng mở là khả năng cách âm cực kém. Những chiếc tai nghe open-back gần như chỉ có thể được sử dụng tại nhà, trong các môi trường không có tiếng ồn. Nếu mang tai nghe open-back lên xe hơi, bạn có thể vẫn nghe rõ tiếng động cơ xe và tiếng còi, tiếng loa phóng thanh trên đường.

Thậm chí, nếu tường nhà cách âm không tốt, bạn thậm chí còn không thể nghe nhạc bằng tai nghe open-back khi trời mưa to.

Beyerdynamic DT990

 

Nên mua tai nghe dạng đóng hay dạng mở

Sony cũng sử dụng một sản phẩm tai nghe dạng mở để tấn công vào thị trường audiophile: chiếc MA900

Khi đã phân biệt được đặc điểm riêng của 2 loại tai nghe, câu hỏi còn lại sẽ là: bạn nên mua loại tai nghe nào? Hiển nhiên, bạn mua tai nghe là để tận hưởng âm nhạc, nhưng khi quyết định lựa chọn tai nghe open hay closed, yếu tố đầu tiên bạn cần tính tới sẽ là nghe nhạc ở đâu. Nếu bạn định sử dụng tai nghe ở chỗ đông người, trong gần như tất cả các trường hợp bạn nên tránh mua tai nghe dạng mở. Sử dụng một loại tai nghe làm lọt ra quá nhiều âm thanh và không ngăn cách được các tiếng ồn từ môi trường chắc chắn sẽ gây khó chịu cho cả bạn và những người xung quanh.

Nếu bạn định sử dụng tai nghe tại nhà hoặc trong văn phòng ít người và được cách âm tốt, việc lựa chọn tai nghe đóng hay mở sẽ phụ thuộc vào sở thích của bạn. Âm nhạc từ tai nghe dạng đóng gần gũi hơn, trực tiếp hơn và mang tính cách biệt người nghe khỏi môi trường xung quanh. Tai nghe dạng mở sẽ mang người nghe đặt trong một khung cảnh âm nhạc rộng lớn.

ATH-ADG1 (trái) và ATH-AG1 (phải), 2 dòng tai nghe được Audio Technica nhắm vào game thủ

Do số lượng lựa chọn tai nghe có mặt trên thị trường là rất lớn, bạn có lẽ sẽ không cảm thấy bất ngờ khi biết rằng 2 chiếc tai nghe có thể có âm thanh rất, rất khác nhau dù cùng là tai nghe dạng đóng (hoặc mở). Bài viết này đã giúp bạn phân biệt được những điểm khác biệt rõ rệt nhất của 2 dạng tai nghe closed-back và open-back, nhưng chắc chắn sẽ có những ngoại lệ đối với từng loại tai nghe. Nếu có thể, hãy đến các cửa hàng tai nghe hoặc tham gia các buổi offline để trực tiếp thử nghiệm chất âm của từng lựa chọn có thể trước khi đưa ra quyết định mua sắm.

Viết bình luận
Email sẽ không công khai khi bạn đăng bình luận
zalo