Sau lần thứ 9 đường ống nước Sông Đà bị vỡ, tân phó chủ tịch Hà Nội - Nguyễn Quốc Hùng đã chủ trì cuộc họp khẩn vào chiều 12/7 với các cơ quan chức năng và Vinaconex để thống nhất kế hoạch, phương án xây dựng một tuyến đường ống mới, tránh phụ thuộc vào đường ống hiện tại.
Chỉ sau 5 năm đưa vào sử dụng, 8 lần đường ống dẫn nước sông Đà bị vỡ làm ảnh hưởng đến 70.000 hộ dân. Ảnh: Bá Đô. |
Chỉ đạo cuộc họp, ông Hùng phát biểu, mỗi lần đường ống nước Sông Đà bị vỡ, cuộc sống của hơn 70.000 hộ, gần 1 triệu người bị đảo lộn. "Thành phố đã hết kiên nhẫn với Tổng công ty cổ phần Vinaconex, không thể chờ được đơn vị này khởi công tuyến ống mới và không thể để họ tiếp tục đùa với cuộc sống của người dân", ông Hùng nói.
Phó chủ tịch Hà Nội cũng khẳng định, thành phố mất niềm tin vào Vinaconex và đã nhiều lần yêu cầu nhưng đơn vị này vẫn lừng khừng, vì vậy Hà Nội sẽ chủ động đầu tư tuyến ống khẩn cấp. Còn Vinaconex tiếp tục nghiên cứu, đầu tư tuyến ống số 2 và nâng công suất nhà máy nước theo quy hoạch.
"Sẽ không có sự lãng phí, chồng chéo vì tuyến ống khẩn cấp trước mắt để bảo đảm an toàn cấp nước cho thành phố, sau này khi có tuyến số 2 của Vinaconex, có thể sử dụng để truyền tải 80.000m3 còn thừa của Nhà máy nước sông Đà và sử dụng cho Nhà máy nước mặt sông Hồng đang chuẩn bị đầu tư".
Theo Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Lê Văn Dục, tuyến ống dẫn nước sông Đà dài 47 km. 20 km đầu từ nhà máy về đến quốc lộ 21 có địa hình ổn định nên không có sự cố. 9 lần vỡ ống đều xảy ra ở đoạn chạy trên Đại lộ Thăng Long, do đó đề nghị làm khoảng 30 km ống mới từ quốc lộ 21 về đến Vành đai 3.
Liên quan đến phương án thi công, đại diện tư vấn thiết kế (Công ty CP Tư vấn nước và môi trường Việt Nam) cho biết, thông thường phải khảo sát địa chất, tính toán cấu tạo vật liệu… nên phải mất 5-6 tháng, nhưng với tính chất khẩn cấp của dự án này, tư vấn có thể tập trung nhân lực, phương tiện, thiết kế từng đoạn để bàn giao cho đơn vị thi công làm ngay.
Đại diện Tổng công ty cổ phần Vinaconex cho rằng, đơn vị đã thu xếp tín dụng cho dự án tuyến ống số 2. Nếu thi công trước 10 km (đoạn thường xuyên xảy ra sự cố), đơn vị này có thể làm ngay từ tháng 8 với thời gian thi công 4 tháng.
Kết luận cuộc họp, Phó Chủ tịch Hà Nội khẳng định, Sở Xây dựng sẽ làm chủ đầu tư, huy động tất cả các đơn vị có năng lực, tổ chức thi công tuyến ống độc lập từ Hòa Lạc về Vành đai 3 nhằm giảm áp cho tuyến ống hiện nay.
"Phương án là vừa thiết kế, vừa thi công, vừa hoàn thiện trong thời gian 70 ngày kể từ cuộc họp này; đồng thời bảo đảm chất lượng, an toàn tuyệt đối. Sở Xây dựng cùng tư vấn thống nhất lựa chọn vật liệu bằng thép hoặc gang, hướng tuyến bảo đảm tối ưu nhất nhưng không trùng với đường ống đang bị sự cố", ông Hùng nhấn mạnh.
Trước đó, vào rạng sáng 12/7, khi sự cố vỡ lần thứ 8 vừa khắc phục được một ngày, đường ống nước sông Đà lại tiếp tục vỡ lần thứ 9. Về nguyên nhân của những sự cố liên tiếp này, Cục Giám định nhà nước về chất lượng công trình - Bộ Xây dựng cho rằng do chất lượng đường ống (bằng sợi thủy tinh) không đồng đều, có hiện tượng bong rộp, tách lớp. Một số chỉ tiêu cơ lý không bảo đảm dẫn đến suy giảm khả năng chịu lực cục bộ. Hơn nữa, quá trình thi công không bảo đảm, nhiều đoạn lẫn đá tảng, bê tông trong lớp cát đệm đường ống; khu vực đi qua hầm chui không có lớp bê tông bảo vệ làm giảm khả năng chịu tải trước tác động bên ngoài… Trách nhiệm trong việc để xảy ra sự cố trước hết thuộc về chủ đầu tư - Tổng Công ty cổ phần Vinaconex. |