Suy luận từ nghiên cứu của TS. Suelette Dreyfus từ Đại học Melbourne, Australia, có thể thấy sau khi ký Hiệp định TPP, có thể hàng loạt những trang web có chứa nhạc không bản quyền như mp3.zing.vn, nhaccuatui.vn sẽ phải thay đổi về cơ bản cách thức hoạt động. Nội dung trên hàng loạt các trang web xem phim online như v1vn.com, phimtructuyenhd.com có thể bị gỡ bỏ.
Bắt đầu thu phí tải nhạc: Ai sẽ móc ví?
Nguyên nhân? Các điều khoản trong chương về bản quyền của Hiệp định TPP có thể buộc các nhà cung cấp dịch vụ Internet (ISP) phải có trách nhiệm bảo vệ bản quyền cho phim bộ hay bản nhạc.
Với những quy định của mình, TPP có thể buộc các nhà mạng phải có những trách nhiệm sau:
- Những nhà cung cấp dịch vụ Internet (ISP) như FPT, Vietel hay VNPT sẽ phải “lọc” tất cả hệ thống của mình, “rình mò” tất cả khách hàng đang online và săn đuổi những ai có dấu hiệu vi phạm bản quyền.
- Sau đó các nhà mạng sẽ cung cấp danh tính của các bên vi phạm bản quyền, nhưng không phải cho cảnh sát mà là cho các hãng phim, công ty sản xuất băng đĩa.
- Kiểm duyệt các trang web (có thể) liên quan tới việc vi phạm bản quyền.
Những người sử dụng Internet có thể đột nhiên bị đóng tài khoản khi bị tố cáo vi phạm.
Một vấn đề khác nữa, đó là để đáp ứng những dịch vụ mới về bản quyền, các nhà cung cấp Internet sẽ phải tăng giá cước.
Lý do là họ có thể bị buộc phải làm "cảnh sát" ở một nơi không thể nào kiểm soát nổi, đó là không gian mạng. Chiểu theo đề xuất trong dự thảo Hiệp định TPP, không những nhà mạng phải tốn thêm chi phí theo dõi người dùng, mà nếu họ không làm vậy, có thể đối mặt với những vụ kiện cực kỳ tốn kém từ phía ngành công nghiệp điện ảnh và thu âm.
Các hãng sản xuất băng đĩa và phim ảnh đều ủng hộ điều khoản về bản quyền trong dự thảo Hiệp định TPP
Một số quốc gia bắt đầu thắt chặt vấn đề này. Tháng 4 năm ngoái, Tòa án tối cao Australia còn nghiên cứu trách nhiệm pháp lý của nhà mạng trong trường hợp khách hàng của họ tải về những nội dung bất hợp pháp.
Các nhà mạng cũng như người dân tại Mỹ và Australia đều không đồng tình với điều này. Nhà mạng cho rằng, họ không phải là cảnh sát, và việc tố cáo, bắt những người vi phạm cũng không phải là trách nhiệm của họ.
Theo TS. Dreyfus, điều khoản này của TPP chẳng khác nào một chủ hiệu đĩa bị ăn cắp một chiếc đĩa CD rồi nổi xung lên đòi cảnh sát dừng mọi phương tiện lưu thông trên đường cao tốc để khám xét từng xe một.
Tại Australia, người ta còn lo ngại điều khoản này TPP sẽ ảnh hưởng tới tự do ngôn luận, khi các hoạt động của người dùng phải qua nhiều tầng lớp kiểm duyệt hơn.
Xem ra, không chỉ riêng Việt Nam, hầu hết nhà mạng lẫn người sử dụng Internet mọi nơi sẽ chẳng ưa gì điều khoản này của TPP.
Theo Trí Thức Trẻ