Tàu ngầm Yết Kiêu sẽ sản xuất và lắp đặt tại Malaysia

Admin   Admin
Ngày đăng: 05/07/2018
0 bình luận
Ông Phan Bội Trân cho biết 5 chiếc tàu ngầm mini Yết Kiêu phiên bản du lịch đã được bàn giao cho đối tác tại xưởng sản xuất TP Hồ Chí Minh
 

“Mọi công việc đã hoàn tất, phía đối tác đã nhận tàu ngầm mini một cách tốt đẹp. Lần này tôi xuất xưởng 5 chiếc, đối tác sẽ lo thủ tục hải quan và chuyển hàng về nước trong vài ngày tới” – Ông Phan Bội Trân chia sẻ.


 

Tàu ngầm mini phiên bản du lịch này được chế tạo cho một người lái, dài 3m, cao 1m, chạy bằng ắc-quy điện, có thể hoạt động trong nước với thời gian tối đa 4 giờ đồng hồ, lặn sâu tối đa 10m.

Việc khó khăn nhất cho ông Phan Bội Trân khi xuất hàng sang Malaysia là những thủ tục thuế quan khi chưa có mã số thuế cho mặt hàng tàu ngầm du lịch như của ông, và những đối tác có thể đảm bảo giúp Việt Nam điều này.

Sau hợp đồng này, ông Phan Bội Trân đã ký tiếp hợp đồng cung cấp thêm 25 chiếc khác nhưng sẽ sản xuất và lắp đặt trên đất Malaysia. Trước sự lo ngại về việc Malaysia hoàn toàn có thể đánh cắp công nghệ sản xuất này, ông Phan Bội Trân chia sẻ:

“Thực tế đây là điều hoàn toàn bình thường trong vấn đề kinh doanh với quốc tế. Chẳng riêng gì tàu ngầm Yết Kiêu mà rất nhiều trang thiết bị hiện đại khác của các ngành công nghiệp hàng đầu thế giới cũng phải chịu cảnh tương tự. Tôi đưa ra một câu chuyện làm ví dụ thế này, như tàu chiến Mistral Pháp bán cho Nga, họ chỉ sản xuất 2 chiếc tại quốc gia của họ, 2 chiếc còn lại phải sản xuất trên đất Nga. Hay tiêm kích Rafael của Pháp bán 200 chiếc cho Ấn Độ, họ chỉ được sản xuất 25 chiếc trên đất Pháp, chỗ còn lại sẽ sản xuất ở Ấn Độ.

Trước đây khi Pháp bán hệ thống tàu điện ngầm sang Hàn Quốc, bản thân Đảng cộng sản Pháp, công đoàn Pháp đã tổ chức biểu tình, họ cho rằng như vậy là bán công nghệ, bán sáng chế. Nhưng người Pháp có trả lời rằng nếu không bán, người Đức, người Nhật sẽ bán. Đó gần như là luật bất thành văn trong nền kinh tế quốc tế hiện nay.

 

Trong thỏa thuận hợp đồng giữa tôi và Malaysia, dù không có điều khoản nhưng tôi thực tế đã bán nghiên cứu công nghệ của mình cho họ. Nếu mình không làm thì công ty của Mỹ đang cạnh tranh sẽ làm điều đó thôi. Hiện tại trong phân khúc sản phẩm này tôi mới chịu sự cạnh tranh với Mỹ, các quốc gia khác không có sự chào hàng, thậm chí là Nhật Bản hay Trung Quốc.”

Sau hợp đồng này, ông Phan Bội Trân tiếp tục mang những phiên bản tàu ngầm của mình đi đấu thầu nhiều dự án khác, trong đó có dự án tổ hợp tàu mẹ - tàu con du lịch. Theo đó, một tàu mẹ có thể chở từ 4 – 6 tàu ngầm mini một đến hai người lái. Khi đến địa điểm hợp lý, thang máy từ tàu mẹ sẽ thả tàu con xuống nước để thăm quan, xong sau đó sẽ kéo tàu con về vị trí vận chuyển ban đầu.

Ông Phan Bội Trân cũng đang đảm nhiệm vai trò hướng dẫn sản xuất cho một dự án đóng mới du thuyền bằng composite dài 11m cho một công ty du lịch của Pháp.

Những thành quả của ông Trân – hậu duệ của nhà cách mạng Phan Bội Châu đã một lần nữa khẳng định những sáng tạo của người Việt nếu đi đúng hướng hoàn toàn có thể cạnh tranh với sản phẩm từ những quốc gia tiên tiến.

Theo Báo Đất Việt

 

Theo dòng sự kiện:

Máy bay, tàu ngầm tự chế Việt ngậm ngùi xuất ngoại
Tàu ngầm Yết Kiêu 'made in Việt Nam' được xuất khẩu sang Malaysia
Người Việt Nam xuất khẩu tàu ngầm: 3.000 USD/chiếc

 

Viết bình luận
Email sẽ không công khai khi bạn đăng bình luận
zalo