Thảm khốc Haiyan: Hơn 1.200 người Philippines chết

Admin   Admin
Ngày đăng: 05/07/2018
0 bình luận

Máy bay trực thăng bay trên cảnh thành phố thành bình địa tại Tacloban, Philippines - Ảnh: Reuters

Một chiếc xe bị lật nhào sau bão ở thành phố Tacloban ngày 9-11 - Ảnh: Reuters

Những thành phố biến thành bình địa với xác người nằm la liệt trên phố, nhà tốc mái và cây cối ngã ngổn ngang. Chỉ riêng ở một thành phố có hơn 1.000 người thiệt mạng và ở một tỉnh khác số người chết là 200 người.

Một ngày sau khi siêu bão Haiyan vùi dập và đổ bộ lên sáu đảo lớn liên tiếp ở đất nước này theo chiều ngang từ đông sang tây, các đội cứu hộ vẫn đang tìm mọi cách tiếp cận với các vùng bị cắt đứt liên lạc. Rất nhiều đường giao thông đã bị xóa sạch, những nơi còn đường thì tắc nghẹt đất đá và cây đổ.

Con số người chết dự tính còn tăng cao hơn nữa vì nhiều vùng bị bão vẫn còn chưa nối lại được liên lạc. Một trong những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất là thành phố Tacloban ở trung tâm tỉnh Leyte, nơi ước tính sơ bộ hơn 1.000 người thiệt mạng.

Theo bà Gwendolyn Pang - tổng thư ký Hội Chữ thập đỏ nước này, phần lớn số người chết vì nước biển dâng bất ngờ tới 5-6m khi bão vào. “Khoảng 1.000 xác chết trôi lềnh bềnh ở Tacloban, theo các đội cứu trợ Chữ thập đỏ - bà nói với Reuters - Ở Samar, con số này là khoảng 200 người. Việc đếm xác vẫn đang tiếp tục”.

Các nhân chứng nói xác chết được phủ bao nilông đặt đầy dọc các phố. Các cảnh quay truyền hình đưa cảnh ôtô chồng lên nhau. “Lần cuối cùng tôi thấy cảnh tượng thế này là sau đợt sóng thần ở Đại Tây Dương (năm 2004) - Sebastian Rhodes Stampa, người đứng đầu nhóm điều phối về đánh giá thiên tai của Liên Hiệp Quốc, nói - Sự hủy diệt trên phạm vi rộng khắp. Xe bị ném như cỏ vậy và đường phố đầy rẫy gạch vụn”.

Cứu trợ khó khăn

Chính quyền Philippines đến giờ vẫn chưa thiết lập liên lạc lại được với Tacloban. Cơ quan cứu trợ thiên tai nước này chưa xác nhận số người chết nhưng cảnh tượng cột điện gãy, cây đổ, mái nhà nát tươm, gạch đổ rơi đầy đường phố.

Cho đến giờ, hàng ngàn binh lính và lực lượng cứu hộ vẫn đang tìm cách tiếp cận các thị trấn đã bị bão Haiyan san phẳng khi rất nhiều vùng vẫn chưa kết nối lại được liên lạc. Trong khi cơn bão đổ bộ vào sáu đảo lớn, hai đảo Leyte và Samar bị coi là ảnh hưởng nặng nề nhất với những đợt gió lên tới 315 km/giờ và các đợt nước biển dâng 5-6m.

Bộ trưởng năng lượng Jericho Petilla tới thị trấn của ngư dân ở Palo cách Tacloban khoảng 10km và nói có hàng trăm người chết ở khu vực đó. Ông nói ông thấy cảnh tượng chết chóc tương tự nhau ở ít nhất ba thành phố khác ở Leyte. “Tất cả đều giống nhau. Mái nhà bị thổi bay hết, khắp nơi là cây cối đổ” - ông Petilla cho biết.

Theo AFP, khoảng 4 triệu người ở khắp 36 tỉnh của nước này bị ảnh hưởng bão. Một khu vực đặc biệt bị lo ngại là ở thị trấn Guiuan, nơi có khoảng 40.000 dân và là địa điểm đầu tiên bị ảnh hưởng bão.

Người phát ngôn quân đội, trung tá Ramon Zagala, nói có khoảng 15.000 lính đã được triển khai cho các công tác cứu trợ.

 

Như là sóng thần

Sân bay thành phố Tacloban gần như bị phá hủy khi nước biển quét qua thành phố. Nước đập vỡ kính, san bằng khu ga đến và đi của sân bay và lật nhào nhiều xe cộ lân cận.

Quản lý sân bay Efren Nagrama cho biết bên trong nước ngập đến 4m. “Nó giống như một cơn sóng thần. Chúng tôi thoát ra ngoài qua các cửa sổ và tôi phải bám vào một cây cột trong một giờ khi mưa gió, nước biển tràn qua sân bay. Một số nhân viên của tôi sống sót nhờ bám đu trên các cành cây. Tôi cầu nguyện rất nhiều cho đến khi nước rút” - Reuters dẫn lời ông Nagrama mô tả.

“Hầu hết nhà cửa bị tàn phá, nhiều căn bị phá hủy hoàn toàn. Chỉ một số ít còn trụ lại” - người phát ngôn Cơ quan thảm họa quốc gia Philippines cho biết. Đài truyền hình ABS-CBN tại địa phương phát đi những hình ảnh cướp bóc trong các khu mua sắm lớn nhất thành phố.

Trên toàn quốc, khoảng 1 triệu người tại 37 tỉnh tìm nơi trú ẩn sau khi Tổng thống Benigno Aquino hối thúc những người nằm trên đường đi của cơn bão tìm nơi an toàn. “Tôi nghĩ thiệt hại về thực chất sẽ còn nữa” - Reuters dẫn lời ông Aquino nói. Các nhân viên chính phủ đã di tản người dân tại các vùng trũng, ven biển, đồi núi ba ngày trước khi bão đổ bộ nhưng không phải ai cũng di tản.

“Tôi nhìn thấy những con sóng lớn và ngay lập tức báo cho hàng xóm chạy đi di tản” - Floremil Mazo, một người dân ở tỉnh đông nam Davao Oriental, nói. Dịch vụ tàu phà, hàng không tại miền trung Philippines vẫn gián đoạn làm ảnh hưởng đến việc chuyển hàng cứu trợ tới Tacloban. Tuy nhiên, ba máy bay quân sự C-139 đã hạ cánh được xuống sân bay thành phố trong ngày 9-11.

Theo TTO

 

Những thời khắc kinh khủng

Nhà tôi ở ngay trung tâm thành phố Cebu, cách tâm bão khoảng 70km. Chúng tôi giờ đã an toàn, điện đã có, nước và Internet cũng đã trở lại. Nhưng tình hình ở các khu khác của TP và tỉnh Cebu thì chúng tôi vẫn chờ xem thiệt hại tới đâu.

Một phần tỉnh Cebu, đặc biệt là phần phía bắc, nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất, hiện vẫn chưa có thông tin. Chúng tôi có một số gia đình bạn bè và người thân từ các đảo bên cạnh như Visayas và Bacolod đến giờ vẫn chưa liên lạc được vì các khu vực này bị ảnh hưởng bão nặng nề hơn.

Dù đã quen với chuyện bão tố hằng năm, chúng tôi cũng không ngờ cơn bão lại tàn phá tới vậy. Cơn bão lớn nhất chúng tôi từng đối phó mới chỉ đến cấp 3, nhưng với siêu bão Haiyan lên tới cấp 4 (lớn nhất cấp 5, theo thang bão Đại Tây Dương). Giờ chúng tôi hiểu là nó mạnh tới chừng nào. Khi bão đến, chúng tôi trú hết trong nhà. Nhưng coi tin thời sự và các thước phim truyền hình, tình hình ở các đảo bên cạnh vô cùng tệ hại. Cảnh tượng có thể so sánh như trận sóng thần ở Indonesia vậy. Xe chồng hết lên nhau, rồi các tòa nhà bay hết nóc.

Ở đây gió thổi rất mạnh, tiếng gió nghe vô cùng rùng rợn. Bạn cảm tưởng như đang ở trong máy giặt hay máy hút bụi vậy với tiếng gió gào rú rất lạ và ghê sợ. Tôi năm nay đã 46 tuổi, từng trải qua nhiều cơn bão trong đời nhưng chưa bao giờ nghe tiếng gió rùng rợn tới vậy. Mưa không nhiều nhưng gió thì vô cùng đáng sợ. Tôi không bao giờ nghĩ gió bão lại có tiếng kêu rùng rợn đến thế. Ngôi nhà ba tầng của tôi xây bêtông kiên cố nhưng tường vẫn rung chuyển bởi gió, khác hoàn toàn với những gì chúng tôi từng chứng kiến.

Ở Leyte tình hình rất tệ hại. Nước biển dâng lên rất cao khiến người dân ban đầu tưởng là sóng thần. Nhiều nơi nước dâng cao tới 5-6m, nhưng thực tế chỉ là sóng biển dâng vì bão chứ không phải sóng thần. Dù không đáng sợ như sóng thần nhưng tổn thất của nó về mạng người, nhà cửa thì không hề kém. TP Tacloban ở phía tây đảo Visayas có rất nhiều người chết với xác phơi ngoài đường.

Leyte là nơi họ rất quen với bão vì năm nào họ cũng phải hứng chịu hàng chục trận bão nhưng cơn bão này thì ảnh hưởng quá ghê gớm. Rất nhiều cảnh tượng tan hoang thường chỉ thấy ở vùng nông thôn giờ diễn ra ngay ở thành phố.

Mọi người đều chuẩn bị rất kỹ cho cơn siêu bão này. Thậm chí các nhà khí tượng học ở đây còn có phần hào hứng vì đây là lần đầu tiên họ đón một cơn bão lớn đến như vậy. Nhưng không ai ngờ rằng sức phá hủy của nó lại tàn khốc đến vậy.

Tôi hi vọng các bạn VN hiểu cơn bão mạnh và chuẩn bị kỹ càng. Tôi hi vọng khi bão tới VN sẽ không gây ra nhiều tổn thất đến đất nước của bạn như ở Philippines.

PAULA SACRIS
(Chuyên gia marketing, từng làm việc ở VN từ năm 2009 tới đầu năm 2013)

THANH TUẤN ghi

 

Viết bình luận
Email sẽ không công khai khi bạn đăng bình luận
zalo