Trước khi miệt mài học ôn cho kỳ thi tuyển dụng mà họ hy vọng sẽ giúp mình có được công việc suốt đời tại Samsung , các sinh viên đồng thanh hô to để tự cổ vũ tinh thần: "Chúng tôi có thể làm được!".
Lời hứa của Samsung - một trong những tập đoàn lớn mạnh nhất Hàn Quốc với lĩnh vực kinh doanh trải dài từ điện tử gia dụng tới vận tải biển - đối với các ứng viên không chỉ dừng lại ở một mức lương hấp dẫn, chế độ phúc lợi miễn chê mà đó còn là chìa khóa mở ra cánh cửa hôn nhân trong tương lai.
Tại Hàn Quốc, để kiếm được một công việc trong những tập đoàn danh giá như Samsung là điều không hề đơn giản.
Các vòng tuyển dụng nhân sự được tổ chức 2 lần trong năm do những tập đoàn lớn như Samsung, Huyndai... đã biến dịch vụ luyện thi trở thành một ngành công nghiệp hái ra tiền, trị giá hàng triệu USD.
Điều này đồng nghĩa với việc người Hàn Quốc, đã quá quen với cảnh luyện thi từ năm 5 tuổi, lại tiếp tục quá trình khó cưỡng ấy ngay cả khi đã rời ghế nhà trường.
Shin Seong-hwan, 25 tuổi, người có cha là một nhân viên Samsung tại cơ sở gần Busan, cho biết: "Tôi tới lớp ôn luyện từ 10 giờ sáng nay và tôi sẽ chuẩn bị cho cuộc phỏng vấn tới tận 8 giờ tối".
Shin đã vượt qua bài kiểm tra năng lực của Samsung và giờ đang phải đối mặt với những cuộc phỏng vấn vô cùng khắc nghiệt sẽ kết thúc vào cuối tháng 11 này.
Để thực hiện ước mơ đó, nhiều người phải ôn luyện không ngừng tại các lò luyện thi.
Tại vòng tuyển dụng hiện tại, Samsung sẽ chọn 5.500 ứng viên trẻ tuổi từ hơn 100.000 hồ sơ. Tỷ lệ chọi cao khiến áp lực đối với các ứng viên tăng cao.
"Công việc tại các tập đoàn lớn có thể giúp bạn giữ gìn thể diện của chính bạn và cả cha mẹ nữa", Hur Jai-joon, chuyên gia nghiên cứu cấp cao tại Học viện Lao động Hàn Quốc, chia sẻ.
Tuy nhiên, thống kê của Hiệp hội các ngành công nghiệp Hàn Quốc cho thấy, đối với đa phần người Hàn Quốc, đây là giấc mơ khó thành hiện thực bởi Top 30 tập đoàn hàng đầu xứ sở kim chi chỉ tuyển dụng khoảng 6,8% lực lượng lao động trên toàn quốc.
Đối với riêng Samsung, tập đoàn này không phải lúc nào cũng sử dụng những bài kiểm tra khó khăn và đầy thử thách. 30 năm trước, theo lời kể của các nhân viên Samsung đã nghỉ hưu, một thầy bói chuyên xem tướng khuôn mặt thậm chí còn được thuê để tham dự các vòng phỏng vấn chọn ứng viên.
Giờ đây, vị trí tại các tập đoàn danh tiếng lại càng trở nên hiếm hoi tới nỗi sinh viên Hàn đổ xô đi luyện thi, miệt mài nghiên cứu sách báo, học hành qua mạng, mong vượt qua được các kỳ tuyển dụng khắt khe.
Thuật ngữ "Samsung Gosi" thậm chí đã được người ta sử dụng để mô tả sự nghiệp ôn luyện vô cùng gian nan, vất vả để trở thành nhân viên Samsung của các ứng viên - "gosi" trong tiếng Hàn có nghĩa là kỳ thi tuyển công chức - nơi các ứng viên cũng phải học hành nhiều năm mới mong đỗ đạt.
Điều này là bởi được làm tại Samsung cũng đồng nghĩa với giàu sang và danh vọng.
Im Chan-soo, giám đốc LCS Communication - công ty điều hành các lớp ôn luyện dành cho các ứng viên tham dự phỏng vấn xin việc ở Samsung cho biết: "Nếu bạn không tới những nơi như chỗ chúng tôi đây, bạn sẽ không có được thông tin phù hợp và có ích cho mình".
Được biết, các cuốn sách in những bài kiểm tra năng lực có giá 20USD/cuốn. Người ta có thể dễ dàng tìm thấy chúng ở bất cứ hiệu sách nào tại Hàn Quốc. Những khóa gia sư riêng thậm chí còn đắt hơn, có chi phí lên tới hàng ngàn USD.
Han Nam-gyu, 27 tuổi, tốt nghiệp chuyên ngành kỹ sư, người vừa trả 280.000 won (260USD) học phí tại LCS Communication, bày tỏ: "Tôi từng băn khoăn về việc có nên tới các lò luyện thi. Trên thực tế, học phí không hề rẻ chút nào nhưng thực sự họ dạy rất chuyên nghiệp và tôi học hỏi được nhiều thứ".
Những người phản đối hệ thống lò luyện thi vào các tập đoàn lớn như Samsung khẳng định, đây là nỗi thống khổ đối với các sinh viên vừa tốt nghiệp. Bởi sau một thời gian dài miệt mài học thêm từ tiểu học tới trung học phổ thông với mục tiêu đỗ đại học, họ lại tiếp tục chu trình khắc nghiệt này để có công việc mơ ước.
Về phía Samsung, có vẻ như họ đã nhận thấy quá trình tuyển dụng mang tính cạnh tranh cực cao của mình không có tác dụng tích cực đối với thế hệ trẻ của đất nước, chưa kể tới hậu quả về mặt tài chính và xã hội. Tuy nhiên, họ vẫn chưa có động thái tìm ra giải pháp cho vấn đề này.
Đối với nhiều sinh viên như Han, "kế hoạch B" vẫn là" năm sau tiếp tục thi tuyển để có được một vị trí tại Samsung. "Mẹ tôi đã khóc khi tôi qua được vòng tuyển dụng thứ hai. Bà cảm thấy vô cùng vui sướng", Han tâm sự. "Tôi muốn làm việc tại Samsung để mẹ tôi có thể tự hào về con trai mình".
Theo GenK